(HNM) - Dự án điện mặt trời "bùng nổ", vượt gấp nhiều lần so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh (Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg, ngày 18-3-2016) đã dẫn tới nhiều hệ lụy. Việc phát triển “nóng” điện mặt trời dẫn đến tình trạng quá tải lưới điện truyền tải. Nếu không được tính toán kỹ sẽ tạo nên sự mất an toàn cho hệ thống điện quốc gia và các nhà đầu tư.
Phát triển quá "nóng"
Việc có quá nhiều dự án chạy đua đóng điện cho kịp ngày 30-6-2019 - thời điểm hết hiệu lực Quyết định 11/2017/QĐ-TTg (ngày 11-4-2017) của Thủ tướng về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời - đã dẫn đến tình trạng quá tải lưới điện truyền tải. Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến cuối tháng 6-2019, cả nước có 89 nhà máy điện gió và mặt trời, với tổng công suất đặt 4.543,8MW, chiếm 8,3% tổng công suất của hệ thống điện quốc gia. Con số này đã vượt xa so với dự kiến của Quy hoạch điện VII điều chỉnh (chỉ 850MW điện mặt trời vào năm 2020). Trong đó, tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận hiện có 38 nhà máy điện gió, điện mặt trời, với tổng công suất đặt 2.027MW.
Ông Trần Đình Nhân, Tổng Giám đốc EVN cho biết, triển khai một dự án điện mặt trời chỉ mất khoảng 6 tháng, trong khi để thực hiện một dự án lưới điện truyền tải 220kV, 500kV mất 3-5 năm. Sự phát triển "nóng" của các nhà máy điện mặt trời đã dẫn tới tình trạng đa số các đường dây, trạm biến áp từ 110 đến 500kV trên địa bàn 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đều quá tải. Trong khi đó các dự án lưới điện nhằm giải tỏa công suất cho các nhà máy điện mặt trời lại gặp không ít khó khăn, nhất là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.
Tính toán cân bằng công suất của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cũng khẳng định điều này. Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc A0 cho biết: "Tại tỉnh Ninh Thuận từ nay đến tháng 12-2020, công suất chỉ dao động từ 100 đến 115MW; Bình Thuận từ 250 đến 280MW. Vì vậy, công suất cần truyền tải từ 2 địa phương này đi cũng rất lớn, với Ninh Thuận là từ 1.000 đến 2.000MW và Bình Thuận là từ 5.700 đến 6.800MW (gồm cả các nguồn điện truyền thống). Sự phát triển "nóng" khiến đa số các đường dây, trạm biến áp từ 110 đến 500kV trên địa bàn đều quá tải. Trong đó có đường dây quá tải lên đến 360%... Việc quá tải lưới điện đã được EVN/A0 cảnh báo công khai tới các chủ đầu tư và áp dụng nhiều giải pháp để tạo điều kiện cho các nhà máy được phát điện ở mức tối đa”.
Nỗ lực thực hiện các giải pháp
Theo ông Nguyễn Đức Cường, việc quá tải hệ thống lưới truyền tải buộc A0 phải cắt giảm công suất của các nhà máy điện gió, điện mặt trời ở một số thời điểm. Việc tăng/giảm công suất các nhà máy năng lượng tái tạo đều được A0 thực hiện theo quy định bảo đảm tính công khai, minh bạch và kịp thời. A0 cũng ứng dụng phần mềm tự động điều chỉnh công suất, trực tiếp điều khiển công suất các nhà máy năng lượng tái tạo, nhằm duy trì công suất trong ngưỡng cho phép.
Ông Tô Văn Dần, Trưởng ban Quản lý đầu tư, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) cho hay: "Để giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận giai đoạn 2020-2021, Tổng công ty triển khai 12 dự án đường dây/trạm biến áp 220kV-500kV; trong đó 6 dự án đang triển khai đã nằm trong quy hoạch và 6 dự án hiện chưa có quy hoạch. Hiện tại, các dự án đang được đẩy nhanh tiến độ, nhưng còn hai dự án ở giai đoạn thi công đang gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng là dự án trạm biến áp 220kV Phan Rí và dự án đường dây 220kV Nha Trang - Tháp Chàm".
Về phía Bộ Công Thương, ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho rằng: "Để giải tỏa công suất các nhà máy điện mặt trời, Bộ đã báo cáo và Thủ tướng đã có văn bản đồng ý bổ sung điều chỉnh quy hoạch điện. Đó là bổ sung dự án lưới điện 500kV tại Ninh Thuận, Bình Thuận; các đường dây 220kV… Bộ Công Thương cũng đang kiến nghị Thủ tướng có cơ chế xã hội hóa để tư nhân tham gia đầu tư xây dựng đường dây truyền tải, tháo gỡ khó khăn về vốn, đáp ứng tiến độ giải tỏa công suất nhà máy điện mặt trời; có cơ chế đặc biệt triển khai công trình lưới điện chống quá tải".
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: "Bộ sẽ có báo cáo Thủ tướng Chính phủ các giải pháp cụ thể. Để cung ứng đủ điện cho nền kinh tế và bảo đảm hiệu quả đầu tư xã hội, Bộ yêu cầu EVN phải thực hiện nghiêm các giải pháp, theo đúng lộ trình các kế hoạch đầu tư hệ thống trạm, lưới điện nhằm giải tỏa công suất điện. EVN cũng phải có giải pháp kỹ thuật cụ thể bảo đảm sự hài hòa trong việc giải tỏa công suất và đưa điện lên lưới. Cấp thẩm quyền sớm xem xét, cho phép áp dụng một số cơ chế đặc thù liên quan đến Luật Quy hoạch mới để tập trung đẩy nhanh tiến độ đưa một số dự án mới vào nhằm giải tỏa công suất, tăng nguồn phát nhằm cân đối nguồn cung điện từ nay đến cuối năm”.
Với các giải pháp đồng bộ, kịp thời của EVN, Bộ Công Thương, những khó khăn trong việc phát triển các dự án điện mặt trời sẽ dần được tháo gỡ. Theo ông Nguyễn Đức Cường, EVN luôn mong muốn được phát hết công suất nguồn điện từ năng lượng tái tạo, vì giá điện năng lượng tái tạo dù có đắt (2.086 đồng/kWh), nhưng vẫn rẻ hơn nhiệt điện dầu (3.000-5.000 đồng/kWh). Trong khi đó, hiện nay EVN vẫn phải huy động nhiệt điện dầu để bảo đảm cung ứng điện đáp ứng nhu cầu phụ tải.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.