Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hoa Lư đấy! Thăng Long đây!

ANHTHU| 05/07/2008 05:42

Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động (Hoa Lư, Ninh Bình).            (HNM) - Hoa Lư - Ninh Bình và Thăng Long - Hà Nội có mối quan hệ khăng khít, lâu bền. Trong lịch sử dân tộc, đó là những dấu son đỏ, còn được lưu giữ trong chính văn cũng như truyền thuyết dân gian.

Nhiều người đã biết Lý Công Uẩn từ quê Kinh Bắc tìm đường vào Hoa Lư phục vụ triều Tiền Lê, cầm chức Thập đạo Tướng quân dưới triều Đại Hành Hoàng đế. Cái chức này lớn lắm, chỉ huy cả mười đạo binh phải là người đức đã sáng, tài lại cao. nhân cách đó là một tấm gương trung để bề trên tin cậy, quân sĩ nể phục, kính mến. Năm 1010, Thập đạo Tướng quân lên ngôi vua mở đầu triều Lý tại Hoa Lư. Ngự trên ngai rồng chừng trên dưới bẩy tháng, ông xuống chiếu dời đô. Sự kiện kinh thiên động địa này ghi rõ “dấu ấn Hoa Lư” trong bản Chiếu Dời đô lịch sử, trước khi con thuyền Ngự tiến về Đại La, sau này là Thăng Long.

Bến đò Ghềnh Tháp trên sông Sào Khê là “địa chỉ vàng” đưa tiễn Thái tổ Lý Công Uẩn. Sông Sào Khê dài không quá hai chục cây số, chảy qua những thắng cảnh tuyệt vời. Qua Hang Luồn - Xuyên Thủy động, nó đến với núi Trạng Nguyên, núi Hòm Sách, rồi hợp lưu vào sông Vạc chảy ra biển Đông phía Nam. Còn đầu phía Bắc, sông chảy đến bến Hoàng Long trong xanh, cái chỗ ông vua cờ lau Đinh Bộ Lĩnhđược ngài Rồng vàng hiện lên cõng vút lên tầng cao, nhẹ nhõm trốn khỏi đòn trừng phạt của ông chú. Cậu bé họ Đinh phải vậy vì đã dám hạ một trâu của chú đem khao đội quân cờ lau của mình vừa tập trận xong. Sự tích trên sau này được một nhà thơ gốc Ninh Bình ghi lại.

Ghềnh Tháp sớm thu này

Sông Sào Khê nước lên màu cổ tích

Đỉnh Mã Yên Sơn đỏ chói lá cờ bay

Hạc trắng từng đôi tròn xoay vòng lượn

Tiếng trống âm vang suốt dọc kinh thành

Kính chào Hoa Lư! Đoàn thuyền xuất phát

Bầu trời thanh bình dằng dặc màu xanh

Bến Ghềnh Tháp đã đi vào lịch sử. Sẽ đậm nét, trang trọng hơn, nếu nơi này được dựng một chiếc thuyền rồng cao hai tầng hai chục tay chèo, đỉnh cột buồm đầu mũi phấp phới lá cờ mang chữ “Lý” đỏ thắm.

Theo đức Công Uẩn về đô mới, hẳn có rất nhiều quan lớn, quân sĩ, những hầu cận gốc Hoa Lư, Ninh Bình. Và rồi những người mang họ Đinh, Lê, Nguyễn, Tạ... của cố đô ấy lại trở thành cư dân Thăng Long. Chả phải có thế, suốt dải Từ Liêm - Hà Nội sang Đan Phượng xứ Đoài, các họ ấy đã trụ lại sinh cơ lập nghiệp. Họ mang tên hai cây cầu bắc qua sông Sào Khê là cầu Dền, cầu Đông đặt cho hai địa điểm ở Thăng Long. Kẻ Chợ mở rộng, đô thị mới lớn dần, đến lượt những con phố lớn mang tên nhân vật thuở Hoa Lư, như Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành. Đến nay, là phố mới Hoa Lư...

Ngược lên thời Tiền Lê, lại có một dấu ấn khác: Cuộc gặp gỡ của đấng Đại Hành với bà chúa Hến ở làng Tó - Tả Thanh Oai, giờ là đất Thanh Trì. Sự tích đẹp đẽ này được nhà thơ Trần Lê Văn ghi lại: Ngựa vua Lê Đại Hành/ Bên ngựa bà chúa Hến/ Thắng giặc rồi dạo chơi/ Khắp mây trời sông biển. Một dấu tích nữa của nhà tiền Lê là công chúa Lê Cúc Phương, con gái Lê Đại Hành đang được dân Kim Vân, Đại Kim - Thanh Trì thờ.

Sử liệu xưa nữa ghi lại sự tích chàng Quách và hai nàng họ Đinh, đều quê ở Hoa Lư động. Thời Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống ngoại xâm, họ theo về Hát Môn tụ nghĩa, lập được công lớn. Ba làng Kẻ Thượng Cát, Kẻ Đông Ba, Kẻ Hạ Cát, nay thuộc đất Đại Cát xã Liên Mạc - Từ Liêm thờ Quách Lãng, Đinh Bạch Nương, Đinh Tích Nương làm thành hoàng. Có đôi câu đối:

Tinh trung nhất khí quán sơn hà thử dân, thử thổ

Huynh muội tam nhân tòng đại nghĩa vi tướng, vi thần

(Tinh trung khí mạnh khắp non song này dân, này đất

Anh em ba người theo nghĩa lớn là tướng, là thần).

Con đầu của Lý Công Uẩn - thời còn là Thập đạo Tướng quân triều tiền Lê là Lý Phật Mã, đẻ ở quân doanh Hoa Lư. Hoa Lư nuôi Lý Phật Mã lớn lên bằng cơm gạo, thực phẩm nơi đồng chiêm trũng. Hẳn là từ lúc sinh ra đến khi ông bố lên khai triều Lý, rồi theo vua cha về thành Đại La, tâm hồn, cốt cách cậu bé mười tuổi đã thấm đẫm không khí, cảnh vật, tập quán, phong tục nơi kinh thành ba triều đại. Những món ăn bây giờ xếp vào hàng đặc sản - xôi cá rô Trường Yên, ốc núi Đam Khê, tái dê Hoa Lư, mắm tép Gia Viễn, lúc đó dầu đơn sơ, hẳn phải là những thức đầu vị trên mâm vị thái tử đang tuổi nhi đồng. Sau này Lý Phật Mã nối ngôi cha, xưng là Lý Thái Tông (1028-1054), thì những ân tình xưa đem đi từ cố đô phải còn rất sâu đậm. Thế nên nhà thơ Hà Nội gốc Ninh Bình bên trên lại mới có câu Tuổi thơ Phật Mã ở đây/ Đã từng in dấu những ngày Hoa Lư.

Để rồi sau đó, ông chép tiếp về cuộc dời đô lịch sử:

Thuyền rồng rời bến Sào Khê

Hoa Lư đô cũ bộn bề nhớ mong

Sóng đầy sông nước Hoàng Long

Trời thu mây dệt hình rồng tiễn đưa

Người đi có nhớ đô xưa

Đinh - Lê - Lý sáng bóng cờ đỏ bay

Hoa Lư đấy! Thăng Long đây!

Nghìn năm là bấy nhiêu ngày bên nhau.

Tạ Hữu Yên

(0) Bình luận
Nổi bật
    Đừng bỏ lỡ
    Hoa Lư đấy! Thăng Long đây!

    (*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.