(HNM) - 3 tháng đầu năm nay, việc xuất khẩu cá tra đang gặp nhiều khó khăn; bên cạnh đó, mức thuế chống bán phá giá cá tra vào Hoa Kỳ bị áp cao gấp 2 lần giá bán sản phẩm.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc rà soát hành chính lần thứ 13 (POR 13) biện pháp chống bán phá giá cá tra, basa của Việt Nam (giai đoạn rà soát từ ngày 1-8-2015 đến 31-7-2016). Căn cứ kết luận này, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, basa của Việt Nam sẽ bị áp dụng mức thuế chống bán phá giá từ 2,39 USD/kg lên 7,74 USD/kg cho giai đoạn rà soát. Đây là mức thuế rất cao và tác động lớn đến xuất khẩu cá tra, basa của Việt Nam sang Hoa Kỳ.
Ông Võ Văn Phong, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang cho hay: Với mức thuế cao gần gấp đôi giá xuất khẩu, các doanh nghiệp khó có cơ hội xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam nhận định, việc giá xuất khẩu cá tra thấp là do các doanh nghiệp Việt Nam đã thiết lập các mô hình liên kết từ nuôi, chế biến đến xuất khẩu và có giá cả cạnh tranh. Doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá vào thị trường Hoa Kỳ. Hiệp hội Cá tra cùng các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đã đề nghị Bộ Công Thương hướng dẫn thủ tục pháp lý để có thể khiếu kiện lên Tòa án Thương mại quốc tế Hoa Kỳ nhằm bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu nước ta.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 200 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang 138 thị trường, dẫn đầu là Hoa Kỳ, Châu Âu, Trung Quốc, ASEAN, Canada, Trung Đông, Nhật Bản. Trong đó, Trung Quốc được cho là sẽ nhập khẩu cá tra lớn nhất trong năm 2018. Tuy nhiên, theo ông Võ Đông Đức, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ, nhiều doanh nghiệp kỳ vọng vào thị trường Trung Quốc, song chính sách nước này thay đổi khó lường. Do đó, phải hết sức tỉnh táo, thận trọng khi mở rộng quy mô, tránh rơi vào vòng “thừa hàng, dội chợ” như từng xảy ra.
Với những gì đang xảy ra, nhiều chuyên gia nhận định, các nhà sản xuất Việt Nam cần tìm hướng thoát mới cho thị trường xuất khẩu sang Hoa Kỳ bởi chắc chắn đây vẫn là thị trường quan trọng trong tương lai với cá tra. Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhìn nhận: Mức thuế cao ngất ngưởng này thể hiện rõ quyết định của Hiệp hội Cá nheo Hoa Kỳ là chỉ định sản phẩm phi lê đông lạnh cá tra vào Hoa Kỳ. Bên cạnh việc kiến nghị về mức thuế, cần có những biện pháp lâu dài cho cá tra bằng việc phát triển sản phẩm khác biệt. Cụ thể, hiện sản phẩm phi lê đông lạnh chiếm tới 97% sản phẩm từ cá tra Việt Nam, đây là sản phẩm ở dạng nguyên liệu thô, giá trị kinh tế không cao, phần lớn được các nhà máy nhập để chế biến sản phẩm ăn liền. Do đó, bên cạnh việc giữ sản phẩm phi lê, doanh nghiệp nên chuyển hướng sản phẩm khác để tránh phụ thuộc một dòng sản phẩm.
Trong bối cảnh thị trường cho sản phẩm cá tra, basa không thuận lợi, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định: Trong quý I dù gặp khó khăn, nhưng ngành Nông nghiệp vẫn kiên định mục tiêu năm 2018 sản lượng đạt 1,3 triệu tấn cá tra, kim ngạch xuất khẩu đạt từ 2 đến 2,2 tỷ USD, chiếm 31,5% kim ngạch xuất khẩu từ nuôi trồng thủy sản. Do đó để đạt mục tiêu, các địa phương phải triển khai nghiêm túc Nghị định 55/2017/NĐ-CP ngày 19-5-2017 của Chính phủ về quản lý nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra và Thông tư 07/2017/TT-BNNPTNT ngày 31-3-2017 của Bộ NN&PTNT về ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sản phẩm thủy sản - cá tra phi lê đông lạnh...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.