Thị trường

Hoá đơn điện tử - giải pháp minh bạch thị trường vàng

Hương Thủy 21/05/2024 - 09:40

Thời gian qua, thị trường vàng bất ổn, giá liên tục tăng cao, lên mức lịch sử 92,4 triệu đồng/lượng; chênh lệch với giá thế giới có thời điểm là 20 triệu đồng/lượng, tiềm ẩn nguy cơ gia tăng buôn lậu vàng.

Vì vậy, áp dụng hóa đơn điện tử trong mua bán vàng được xem là giải pháp giúp minh bạch thị trường này.

Ngày 15-6, hạn chót thực hiện hóa đơn điện tử trong mua bán vàng

Yêu cầu về hóa đơn điện tử đã được Chính phủ nhiều lần đưa ra trong bối cảnh các giao dịch mua bán vàng không đủ hóa đơn, chứng từ và thiếu minh bạch.

Gần đây nhất, tại cuộc họp về chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu kiên quyết thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh, mua, bán vàng. Đến ngày 15-6 tới, đơn vị nào không thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trong mua bán vàng thì rút giấy phép.

giaodichvang1.jpg
Người dân đi giao dịch vàng. Ảnh: Hương Thủy

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, việc áp dụng hóa đơn điện tử sẽ giúp minh bạch thị trường vàng. Khi giao dịch vàng không có hóa đơn, cơ quan quản lý sẽ không thể nắm được một ngày có bao nhiêu lượng vàng được giao dịch, đồng thời, cũng gây hệ lụy như trốn thuế, thất thu thuế, buôn lậu, đầu cơ thao túng giá…Vì vậy, khi áp dụng hóa đơn điện tử, cơ quan quản lý sẽ biết cửa hàng giao dịch với khách hàng nào, số lượng là bao nhiêu, giá như thế nào…

Từ đó, cơ quan quản lý có đầy đủ thông tin để quản lý, tránh được hành vi trục lợi, thao túng giá, trốn thuế, đồng thời, ngăn chặn tình trạng buôn bán vàng lậu để thị trường hoạt động an toàn, hiệu quả, công khai, minh bạch.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại “phố vàng” Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng) và phố Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm), hai tuyến phố tập trung nhiều cửa hàng vàng trên địa bàn Hà Nội, các doanh nghiệp lớn đều xuất hóa đơn theo từng lần bán vàng. Tại cửa hàng của Tập đoàn Vàng bạc đá quý Phú Quý, khách đến mua đều được nhân viên cửa hàng lấy thông tin của khách hàng và xuất hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.

Tương tự, tại cửa hàng của Chi nhánh Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC miền Bắc, khách hàng được xuất hóa đơn điện tử đầy đủ. Hóa đơn này vừa để chứng minh giá trị pháp lý cho mặt hàng khách hàng mua, vừa là giấy bảo đảm sản phẩm để phục vụ cho việc trao đổi sau này cũng như bảo hành sản phẩm. Tuy nhiên, cũng có cửa hàng lớn, nhân viên chỉ xuất hóa đơn khi khách hàng yêu cầu. Tại các cửa hàng vàng nhỏ lẻ, nhân viên đưa khách hàng biên lai có các thông tin về sản phẩm, số lượng vàng, đơn giá và thành tiền.

Cần sự phối hợp

Tổng cục Thuế cho biết, từ ngày 1-7-2022, hóa đơn điện tử đã được triển khai trên toàn quốc đối với các doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Theo đó, 100% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vàng bạc đã sử dụng hóa đơn điện tử. Từ ngày 15-12-2022, ngành Thuế đã chính thức triển khai giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc sử dụng hóa đơn điện tử nhanh chóng, tiện lợi, tiết kiệm, đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý, chống thất thu thuế đối với lĩnh vực bán lẻ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đối tượng triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai có hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng theo mô hình kinh doanh: Trung tâm thương mại; siêu thị; bán lẻ hàng tiêu dùng; bán lẻ thuốc tân dược; dịch vụ vui chơi, giải trí; cửa hàng kinh doanh vàng và các dịch vụ khác.

Sau hơn một năm triển khai trên toàn quốc, đã có 53.425 cơ sở kinh doanh áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, trong đó, có 5.835 cơ sở kinh doanh vàng, bạc đã thực hiện áp dụng và sử dụng trên 1,065 triệu hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

hoadon.jpg
Người dân nhận vàng và hóa đơn sau khi mua vàng. Ảnh: Hương Thủy

Theo quy định tại Điều 90 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn điện tử để giao cho người mua. Đối với việc kinh doanh vàng miếng, chỉ có doanh nghiệp đáp ứng quy mô lớn về nguồn vốn, mạng lưới chi nhánh… được Ngân hàng Nhà nước cấp phép mới được phép kinh doanh.

Doanh nghiệp sẽ được kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ khi có đăng ký kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, có địa điểm, cơ sở vật chất, các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ. Đối với 2 lĩnh vực này, cơ bản cơ quan quản lý thuế đã kiểm soát được việc xuất hóa đơn. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực gia công vàng bạc, một số trường hợp người mua hàng gia công, dịch vụ gia công là cá nhân, không lấy hóa đơn dẫn đến khó khăn cho cơ quan thuế trong kiểm soát giao dịch.

Vì vậy, theo Tổng cục Thuế, để kiểm soát được toàn bộ các giao dịch này cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành địa phương, trong đó, vai trò của ngân hàng trong việc kiểm soát dòng tiền, vai trò của UBND các tỉnh, thành phố, quận, huyện… trong việc chỉ đạo các sở, ban, ngành địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát.

Ngành Thuế cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch kinh doanh vàng, đồng thời, quy định cơ chế kiểm soát các giao dịch này; UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương triển khai các chuyên đề rà soát, xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh vàng bán hàng không xuất hóa đơn kịp thời cho người mua và tổ chức giám sát, kiểm tra việc duy trì, chấp hành của các cơ sở kinh doanh vàng đã áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoá đơn điện tử - giải pháp minh bạch thị trường vàng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.