Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Hố tử thần” ngày càng nhiều và nguy hiểm

Gia Bảo| 28/11/2012 07:28

(HNM) - Từ đầu tháng 11 đến nay tại TP Hồ Chí Minh đã xuất hiện 8


"Hố tử thần" khắp nơi

Theo Phòng Quản lý hạ tầng giao thông (Sở GTVT TP), 8 vụ sụt lún trong tháng 11 xảy ra tại nhiều tuyến đường như đường Quang Trung - Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp), đường kính khoảng 1m, sâu gần 2m, bên dưới miệng hố bị khoét hàm ếch rộng hơn 2m; trên quốc lộ 1A (huyện Bình Chánh), "hố tử thần" có đường kính khoảng 40cm; ngay góc giao lộ Hoàng Văn Thụ - Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), cũng xuất hiện sụt lún với hố có đường kính gần 1m; trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 10), "hố tử thần" sâu gần 3m, rộng khoảng 60cm, bên dưới khoét hàm ếch rộng…


“Hố tử thần” ở TP Hồ Chí Minh có nguyên nhân chính từ hệ thống ngầm.


Đáng lưu ý, trên vỉa hè đường Hoàng Sa, đoạn gần giao lộ Trương Định - Hoàng Sa (quận 3) cũng tiếp tục xuất hiện hố sâu hơn 3m. Đoạn dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng có một “hố tử thần" có chiều ngang 0,4m, dài 1,2m.

Trước đó, vào tháng 10, đường Trường Sa và Hoàng Sa với kinh phí chỉnh trang lên đến 550 tỷ đồng, mới đưa vào sử dụng đã xuất hiện 4 "hố tử thần". Cụ thể, ngày 14-10, trước số nhà 212/165 Hoàng Sa, vỉa hè phía bờ kênh xuất hiện hố sụt dài 2m, rộng 1,7m, sâu 1,5m. Đến ngày 18-10, trên đường Trường Sa tại giao lộ Trường Sa - Trần Quang Diệu, mặt đường bị hố sụt với kích thước dài 0,5m, rộng 0,5m, sâu 2m. Tiếp đó, ngày 23-10, cũng trên đường Trường Sa (đoạn gần đường Lê Văn Sỹ), mặt đường bị sụt với chiều dài 2m, chiều rộng 1m, sâu 3m. Ngày 30-10, tại giao lộ Hoàng Sa - Trần Văn Đang (quận 3) cũng xảy ra sự cố sụt vỉa hè phía bờ kênh với kích thước dài 1,5m, rộng 1,5m, sâu 0,5m.

Đa phần do công trình ngầm


Ông Lê Minh Triết, Phó phòng Quản lý hạ tầng giao thông cho biết, trong tổng số nguyên nhân gây ra "hố tử thần" thì lỗi do hệ thống thoát nước ngầm đứng đầu với 19 vụ (chiếm 86,3%); hệ thống cấp nước (9,1%) và hở cừ tường bê tông 4,6%.

Theo kỹ sư Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường Cảng TP, có trên 80% các công trình trên địa bàn TP đào xong đắp lại không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật. Nguyên nhân chủ yếu là do các công trình thường thi công vào ban đêm và đều trong tình trạng không giám sát kỹ càng. Trong khi, việc xử lý, đầm trị nền đường không theo quy trình nên khi đưa vào sử dụng một thời gian đã xuống cấp và xuất hiện tình trạng sụt lún trên.

Thạc sĩ Phạm Sanh (Trường ĐH GTVT TP) cũng cho rằng, các công trình ngầm trên địa bàn TP đã quá lỗi thời, hầu hết đều được lắp đặt trước giải phóng nên không đáp ứng thực tế hiện tại. Do đó, mỗi khi trời mưa cộng với áp lực nước sinh hoạt sẽ làm hư mối nối hay đứt gãy ống làm xói mòn hệ thống đất nền dưới, gây ra các "hố tử thần". Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tiến hành thay thế các ống thoát nước cũ kỹ và nhỏ bé này bằng các hệ thống thoát nước đủ sức chuyển tải khối lượng nước trong TP.

Theo Trung tâm tư vấn KH&CN cầu, đường, cảng TP, hiện nay trên địa bàn TP có 16 đơn vị tham gia đào đắp các công trình hạ tầng của TP. Trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công nhân còn hạn chế. Do đó các quy trình và tiêu chuẩn kỹ thuật của công tác đào và hoàn trả mặt đường, lắp đặt các công trình ngầm không được tuân thủ chặt chẽ.

Nhằm hạn chế sự xuất hiện của các "hố tử thần", Sở GTVT vừa yêu cầu Khu Quản lý đô thị số 1 TP tăng cường dùng thiết bị Georadar để khảo sát, thăm dò các vị trí có nguy cơ lún sụt tại nhiều khu vực. Ông Lê Quyết Thắng, Giám đốc Khu Quản lý đô thị số 1 TP cho biết, cùng với việc đẩy mạnh dò tìm các vị trí có nguy cơ lún sụt bằng thiết bị Georadar, Khu 1 còn thường xuyên kiểm tra giám sát và có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải thường xuyên kiểm tra, giám sát chất lượng công trình, tuân thủ nghiêm các quy trình thi công và nghiệm thu theo quy định để tránh xảy ra sự cố lún sụt mặt đường, gây thiệt hại về người, tài sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Hố tử thần” ngày càng nhiều và nguy hiểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.