Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hồ Trúc Bạch với Hồ Tây và Đường Cổ Ngư

Theo VGPNEWS| 14/05/2010 17:31

Đường Thanh Niên xưa vốn có tên là Cố Ngự (nghĩa là giữ cho vững), lâu dần mới gọi chệch ra thành Cổ Ngư.


Hồ Tây và Hồ Trúc Bạch nguyên chỉ là một. Từ Thế kỷ XVII, người dân đánh cá quanh vùng đắp con bờ nhỏ từ Yên Hoa xuống Yên Ninh cho khỏi đi vòng, rồi sóng vỗ, thời gian xô lở, năm nào cũng phải đắp lại cho vững, thành ra con đường có tên Đê Cố Ngự (nghĩa là giữ cho vững). Người Pháp cai trị Hà Nội, vốn quen đọc chữ Việt cũng không có dấu giọng, lâu dần chệch ra thành Đường Cổ Ngư.

Đường Cổ Ngư xưa.


Khoảng đầu những năm 1960, Đường Cổ Ngư được mở rộng, Bác Hồ trực tiếp đặt tên cho nó là Đường Thanh Niên. Đó là con tàu xanh không bao giờ đắm, là một bờ của Hồ Trúc Bạch thơ mộng, trữ tình đã chứng kiến sự có mặt của nhiều thế hệ người Hà Nội.

Góc hồ này, nguyên có một hành cung của Chúa Trịnh Doanh, cung đó sau thành nơi an trí những cung nữ có tội hoặc về già. Họ trồng dâu chăn tằm và tự dệt lụa, thứ lụa trắng ngà, mềm, mỏng, cực đẹp, gọi là lụa Làng Trúc, và cái tên Trúc Bạch ra đời, mảnh Hồ Tây ngăn ra cũng mang luôn tên ấy: Hồ Trúc Bạch.

Dâu bể là lẽ thường tình, hàng nghìn năm, hàng trăm năm, hai con hồ này ngày nay đã bị thu hẹp đi nhiều do lấn chiếm, có lẽ một phần cũng do lòng người bị hẹp đi hơn trước chăng?

Thời Chúa Trịnh, Hồ Trúc Bạch còn trồng sen, thơm nức một vùng. Làng Ngũ Xã do dân 5 làng có nghề đúc đồng của các địa phương tụ hội về đây lập nghiệp, ngày nào lửa lò cũng nghi ngút, xen kẽ với hương hoa sen, còn được ghi trong bài phú lừng danh một thời của Nguyễn Huy Lượng làm năm 1801 với câu:

Liễu bờ kia bay tơ biếc phất phơ, thoi oanh ghẹo hai phường dệt gấm
Sen vũng nọ nảy tiền xanh lác đác, lửa đóm ghen năm xã gây lò...


(Tụng Tây Hồ phú)

Một bài phú chỉ độc vận: vần Hồ. Và người làm phú đã tài hoa, sau, Phạm Thái, nhà thơ trữ tình cũng tài hoa không kém, viết bài phú: Chiến Tụng Tây Hồ, cũng vẫn vần ấy, có ý phản bác người trước và cũng là phản đối nhà Tây Sơn... đã trở thành một giai thoại văn chương của kẻ sỹ Bắc Hà lừng danh thiên hạ.

Đường Thanh Niên nay.


Hồ Trúc Bạch không rộng, đứng bên này vẫn nhìn thấp thoáng bóng người bên bờ kia. Trên Đường Thanh Niên lộng gió và tràn trăng, ta mới cảm nhận được gương nước sóng lăn tăn kia là quý giá như thế nào...

Thật sung sướng khi đứng trên Đường Thanh Niên nhìn ra phía Tây, gương hồ mù sương trong hoàng hôn lộng gió, và nhìn về phía Đông, ta đón gió Hồ Trúc Bạch lồng lộng mát rượi thịt da, tung mớ tóc phàm trần bụi bặm. Hàng cây hoa ban tím đã nở nhiều mùa, dãy cây xoan tây cứ dâng những đĩa xôi gấc cho mùa Hè nồng thắm. Hồ Trúc Bạch phải trở về với thanh khiết, thoáng đãng của nguyên hình nó từ bao đời.

Chắc ta sẽ có dịp đi quanh Hồ Trúc Bạch, rẽ vào Bán đảo Ngũ Xã, thăm ngôi chùa cổ, viếng tượng Phật Di Đà, âm vang trong ta những câu phú tài tình, con được nâng chân ta một vòng, không vướng những cái tham lam, những cái lố lăng, những cái ô nhiễm, ô nhiễm cả mặt hồ, ô nhiễm cả tâm hồn con người, ô nhiễm cả thiên nhiên và lịch sử... như những ngày qua Hồ Trúc Bạch phải chịu đựng.

Chỉ riêng một chi tiết Hồ Trúc Bạch từng bắt được tên giặc lái máy bay ném bom, nổi lềnh bềnh, đã đáng được giữ gìn như một di tích thiêng liêng, chứ chưa nói gì nó đã tồn tại hàng nghìn năm với Đông Đô, Thăng Long, Hà Nội, với hồn người bao thế hệ, để có còn nhắc lại cho muôn đời sau một Hà Nội tài hoa tươi đẹp...

Xung quanh Hồ Trúc Bạch có một số công trình kiến trúc, di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng: Góc hồ phía Tây là Đền Quán Thánh - Quán thờ Thánh Trấn Vũ, một nhân vật hình tượng Việt Nam, ông Thánh đã giúp An Dương Vương trừ ma quấy phá khi xây Thành Cổ Loa và cũng là một nhân vật thần thoại Trung Quốc là ông Thánh trấn giữ phương Bắc.

Đền Quán Thánh được xây dựng từ đời Vua Lý Thái Tổ (1010-1028). Đặc biệt, đền có pho tượng Thánh Trấn Vũ bằng đồng đen cao 3m96, nặng 3.600kg, chu vi là 3m50 do những người thợ Làng Ngũ Xã đúc năm 1677. Cụ Trùm Trọng, người thợ cả đúc tượng Thánh Trấn Vũ cũng được đúc tượng thờ tại đền.

Phía Đông hồ có Chùa Châu Long, hay Châu Long Tự, gắn bó với vị Công chúa nhà Trần tên là Khiết Cô. Chùa tọa lạc trên một quả núi có hình dáng con rồng nằm nhả ngọc nên chùa mang tên Châu Long, được khởi dựng từ thời Lý - Trần, đến Thế kỷ thứ XIX được xây dựng lại như ngày nay. Chùa Châu Long là một công trình điêu khắc có giá trị nổi tiếng đã được Nhà nước xếp hạng Di tích văn hóa nghệ thuật.

Phía Bắc hồ là Chùa Thần Quang, chùa có pho tượng Phật Adiđà bằng đồng đúc liền khối lớn nhất Việt Nam, khởi đúc năm 1949 đến năm 1952 thì hoàn thành. Tượng cao 3m9, chu vi 11m, nặng 14 tấn là một công trình nghệ thuật vô cùng quý giá không chỉ ở Việt Nam mà còn của Thế giới.

Nằm gọn trong lòng Hồ Trúc Bạch nước trong xanh, phẳng lặng, êm ả có hai đảo, đảo lớn ở mé hồ phía Đông gọi là Đảo Ngũ Xã - thường gọi là Làng Ngũ Xã. Các cụ trong làng thường kể về lịch sử làng mình như sau: Vào khoảng đầu Thế kỷ XVII, có 5 người đàn ông thuộc năm thôn của vùng Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cùng đến Kinh đô tìm việc làm, cùng gặp nhau ở khu đất đầy cỏ mọc phía Đông Hồ Trúc Bạch, bảo nhau dựng lều, đắp lò đúc đồng, dần dần họ đưa vợ con gia đình ra sinh sống lập nên làng nghề đúc đồng gọi là Làng Ngũ Xã - Năm Chàng.

* Tiêu đề do Tòa soạn đặt

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hồ Trúc Bạch với Hồ Tây và Đường Cổ Ngư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.