(HNM) - Bước sang năm kế hoạch 2019, Chính phủ tiếp tục đưa ra thông điệp, tái khẳng định tinh thần kiên định cải cách, thúc đẩy phát triển kinh tế trên cơ sở hỗ trợ tối đa cộng đồng doanh nghiệp, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, lan tỏa và thực chất hơn nữa trong năm 2019...
Trên thực tế, chất lượng môi trường kinh doanh Việt Nam đã cải thiện khá đều đặn, liên tục trong các năm gần đây; kết quả này được các tổ chức trong và ngoài nước tiếp nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, dư luận tỏ ra khá bất ngờ trước việc Báo cáo môi trường kinh doanh 2019 của Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện đã xác định Việt Nam đứng thứ 69/190 nền kinh tế về môi trường kinh doanh, tức tụt một bậc so với năm trước.
Doanh nghiệp trồng nấm xuất khẩu xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn) có nhiều cải tiến về chất lượng sản phẩm. Ảnh: Hữu Tiệp |
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung, việc cải cách phải là thường xuyên, kiên trì đối với cơ quan chức năng. Cần chấm dứt thực trạng khi bị áp lực thì làm, không thì buông lỏng, giảm tốc. Như vậy, vấn đề đặt ra là làm sao tăng tốc cải cách, duy trì sự liên tục với tinh thần kiên quyết, triệt để và cầu thị từ các cơ quan chức năng đến từng cán bộ ở các vị trí công việc cụ thể. Trong đó kết hợp với việc lấy lại thứ hạng, tiến tới phấn đấu thăng hạng trong báo cáo hằng năm của Ngân hàng Thế giới.
Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” đã được nhận diện từ lâu; nhưng đến nay vẫn cần tập trung khắc phục, để không còn kéo dài, gây cản trở mục đích chung. Số lượng điều kiện kinh doanh, mặt hàng kiểm tra chuyên ngành được cắt giảm cũng đáng ghi nhận, nhưng đó vẫn thuần túy về mặt số lượng; mà quan trọng vẫn là tác dụng thực chất là bao nhiêu, hỗ trợ doanh nghiệp được đến đâu.
Trên thực tế, bản thân việc thực hiện cải cách luôn phức tạp, đòi hỏi nhiều công sức, thời gian. Ví như, để rà soát, lọc ra những vấn đề, nội dung bất hợp lý trong các quy định, văn bản pháp luật về kinh doanh cũng không hẳn là dễ dàng. Cụ thể, phải đọc, so sánh hàng chục nghị định với nhau để xem cái nào được bãi bỏ, cái nào được thay thế hay sửa đổi, trường hợp nào thêm mới...
Từ phía doanh nghiệp đã có những ý kiến cho rằng, việc cải cách, hỗ trợ doanh nghiệp có sự chuyển biến từ vài năm qua. Theo ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Siêu thị Big C Thăng Long, nhìn chung doanh nghiệp đã được phục vụ tốt hơn, thái độ làm việc của cán bộ, công chức cũng nâng lên một bậc.
Năm 2019, Chính phủ giao Bộ Tư pháp thực hiện việc cải thiện chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng và chỉ số phá sản doanh nghiệp. Đây là hai chỉ số liên tục quan trọng, liên quan đến sự tranh chấp hoặc kết thúc của một doanh nghiệp. Mục tiêu đặt ra là mỗi chỉ tiêu trên phải tăng ít nhất 3 bậc trong Bảng xếp hạng Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới. Ngoài ra, ngay trong quý I, các bộ, ngành phải xây dựng kế hoạch thực hiện công tác cải thiện môi trường kinh doanh, gồm nhiệm vụ, giải pháp, thời gian...
Một số cơ quan đang chủ động trong công tác cải cách, với tinh thần cầu thị, tìm tiếng nói chung và có thể trở thành bài học kinh nghiệm đáng ghi nhận. Đơn cử, Bộ Xây dựng đã hình thành trung tâm một cửa hành chính tập trung để liên thông để giải quyết thủ tục hành chính về xây dựng; được doanh nghiệp, người dân đánh giá cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.