Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hỗ trợ nông dân vay vốn phát triển sản xuất: Đã gỡ nhưng vẫn mắc

Nguyễn Tiến Việt| 26/04/2019 06:51

(HNM) - Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách cho vay tín dụng nông nghiệp, nông thôn với lãi suất ưu đãi. Mặc dù đã đạt nhiều kết quả tích cực, song việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng của nông dân vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc...

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ nông dân đã phát triển sản xuất hàng hóa, vươn lên làm giàu. Ảnh: Thái Hiền


Những chuyển biến tích cực

Thông qua Tổ liên kết vay vốn của Hội Nông dân thành phố Hà Nội, ông Đỗ Chí Đao, thôn Núi Bé (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ) đã tiếp cận vay 100 triệu đồng của chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội (Agribank) để đầu tư mở rộng trang trại chăn nuôi lợn. Ông Đỗ Chí Đao cho hay: "Nhờ vay vốn thuận lợi, kịp thời, gia đình có thêm điều kiện để tổ chức sản xuất". Tương tự, ông Nguyễn Văn Long ở thôn Núi Bé cũng vừa được Agribank tạo mọi điều kiện giải ngân cho vay 100 triệu đồng để mở rộng diện tích khu vườn trồng bưởi.

Qua tìm hiểu, thông qua các tổ liên kết vay vốn, tổ tiết kiệm vay vốn của các cấp hội, đoàn thể, thời gian qua, Agribank, Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng đã giúp nhiều nông dân vay vốn phát triển sản xuất. Chẳng hạn, thông qua Hội Nông dân thành phố Hà Nội, từ đầu năm 2019 đến nay, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội đã thực hiện ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách với dư nợ đạt hơn 1.731 tỷ đồng. Ngoài ra, các cấp hội, đoàn thể thành phố Hà Nội phối hợp với Agribank triển khai các chính sách tín dụng cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố với dư nợ đạt hơn 1.604 tỷ đồng...

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngành Ngân hàng xác định nông nghiệp, nông thôn là một trong những lĩnh vực được ưu tiên đầu tư nên đã ban hành nhiều văn bản hỗ trợ cho vay tín dụng nông nghiệp, trong đó có những ưu đãi dành riêng cho vay kinh tế trang trại; cho vay khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Ngân hàng Nhà nước cũng chủ động tham mưu Chính phủ ban hành chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và thường xuyên sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với nhu cầu phát triển mới. Đơn cử, Ngân hàng Nhà nước tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2018/NÐ-CP ngày 7-9-2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NÐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, tổ chức tín dụng cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa là 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp (quy định cũ là 50 triệu đồng); và tối đa 200 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn (quy định cũ là 100 triệu đồng).

Với cơ chế, chính sách cho vay thông thoáng, đến nay đã có khoảng 70 ngân hàng thương mại, hơn 1.100 quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng Chính sách xã hội tham gia cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn với dư nợ cho vay hàng nghìn tỷ đồng. Riêng Agribank, từ đầu năm đến nay, dư nợ cho vay là 659.603 tỷ đồng với gần 3,3 triệu lượt khách hàng.

Hóa giải khó khăn

Mặc dù cho vay phát triển sản xuất nông nghiệp thời gian qua đã có mức tăng trưởng khá hơn và đạt những kết quả nhất định, song theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại nhiều địa phương, nông dân vẫn gặp khó khăn khi tiếp cận vốn vay. Theo ông Lê Xuân Long, xã Kim An (huyện Thanh Oai), để mở rộng vườn trồng cam Canh, bưởi Diễn của gia đình, ông cần đầu tư khoảng 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo quy định, nông dân chỉ vay tối đa được 100 triệu đồng, quá thấp so với nhu cầu. “Để vay được nguồn vốn ưu đãi lớn, nông dân phải có kế hoạch đầu tư, thuyết minh dự án và đặc biệt phải có hóa đơn giá trị gia tăng. Trong khi đó, nông dân đến mùa vụ thường thuê lao động địa phương rồi trả tiền ngay thì làm gì có hóa đơn giá trị gia tăng” - ông Lê Xuân Long nói.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho người dân vay vốn xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Khuê Diệp


Ngoài ra, việc định giá tài sản trên đất nông nghiệp cũng đang là cản trở với người dân khi tiếp cận vốn vay ưu đãi của ngân hàng, tổ chức tín dụng. Ông Nguyễn Tiến Hà, thôn Đốc Tín (xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức) chia sẻ: "Với gần 4ha chăn nuôi lợn kết hợp trồng cây ăn quả, giá trị tài sản trên đất của gia đình là vài tỷ đồng, thế nhưng khi làm hồ sơ vay vốn, ngân hàng chỉ định giá phần đất đã được cấp sổ đỏ, không định giá tài sản trên đất nên chỉ được vay tối đa từ 200 đến 300 triệu đồng…".

Theo ông Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn tài chính - tiền tệ của Chính phủ, nông dân khó tiếp cận vay vốn của ngân hàng do sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực chịu nhiều rủi ro. Chưa kể, nhiều mô hình sản xuất phát triển vẫn mang tính tự phát, quy mô nhỏ. Về phía các ngân hàng, không thể mạo hiểm khi cho nông dân vay vốn mà chưa có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi...

Để hóa giải những khó khăn, vướng mắc trên, các cấp có thẩm quyền cần đẩy nhanh tiến độ, đơn giản hóa trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản trên đất, ghi nhận công trình trên đất theo cấp hạng phù hợp trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp. Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, cần có thêm cơ chế định giá đất nông nghiệp với một số địa phương để tạo điều kiện cho nông dân có cơ sở thế chấp cho khoản vay. Về phía người vay vốn, nông dân phải xây dựng được các mô hình sản xuất chất lượng, kinh doanh hiệu quả, khả năng áp dụng khoa học công nghệ để tạo sự tin tưởng từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng.

Trước nhu cầu vay vốn của nông dân ngày càng tăng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện và bổ sung một số cơ chế chính sách liên quan đến sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng tại các khu vực nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, chỉ đạo tổ chức tín dụng xây dựng và triển khai các sản phẩm tín dụng phù hợp với người nông dân và đặc thù của sản xuất nông nghiệp; kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; cải tiến quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay để nông dân tiếp cận vay vốn hiệu quả nhất. Ngoài ra, ngành Ngân hàng tiếp tục phối hợp tốt với các hội, đoàn thể tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách về tín dụng nông nghiệp, nông thôn, bởi đây là kênh ủy thác, chuyển tải nguồn vốn vay hiệu quả và nhanh nhất đến với nông dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ nông dân vay vốn phát triển sản xuất: Đã gỡ nhưng vẫn mắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.