(HNM) - Các doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 đang mong chờ gói hỗ trợ an sinh xã hội theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 1-7-2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trên tinh thần khẩn trương, linh hoạt, các cơ quan chức năng, địa phương đang nghiên cứu để triển khai gói hỗ trợ bảo đảm đúng người, đúng đối tượng.
Nhiều doanh nghiệp, người lao động cần được hỗ trợ
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thời gian qua đã tác động đến mọi mặt kinh tế - xã hội. Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2021, cả nước ghi nhận 35.600 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 22,1%; 24.700 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm trước... Điều đáng nói, tỷ lệ lao động thất nghiệp trong 6 tháng đầu năm là 2,3%, tương ứng gần 1,2 triệu người…
Là cơ quan chi trả các chế độ, chính sách cho người lao động bị ảnh hưởng về việc làm, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, từ đầu năm đến nay, ngành Bảo hiểm xã hội đã giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội một lần cho hơn 560.000 người, tăng gần 110.000 người so với cùng kỳ năm 2020; chi trả chế độ trợ cấp thất nghiệp cho hơn 340.000 người... Đa số người hưởng các chế độ này là lao động bị ảnh hưởng về việc làm, cần kinh phí để trang trải cuộc sống trước mắt.
Trước thực tế này, việc Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP với nguồn kinh phí dự kiến khoảng 26.000 tỷ đồng, được kỳ vọng giúp người lao động cũng như doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19. Chị Nguyễn Thị Lan (tổ dân phố Hà Trì 4, phường Hà Cầu, quận Hà Đông) là lao động tự do, chia sẻ: “Trước đây, tôi làm giúp việc theo giờ ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ, cửa hàng ăn uống, nhưng hiện chưa tìm được việc làm. Tôi mong sớm được nhận hỗ trợ của Nhà nước để phần nào giảm bớt khó khăn trong cuộc sống”.
Ở góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Công ty Du lịch VietSense (quận Đống Đa) Nguyễn Văn Tài thông tin: “Công ty đã cho phần lớn nhân viên nghỉ việc từ giữa tháng 5-2021, chỉ giữ lại nhân sự khung. Chúng tôi kỳ vọng sẽ sớm được tiếp cận chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết số 68/NQ-CP, nhất là chính sách cho vay trả lương ngừng việc, qua đó giúp công ty giữ chân người lao động để duy trì hoạt động, chờ đến khi dịch Covid-19 được kiểm soát”.
Giản lược thủ tục, điều kiện tiếp cận chính sách
Để gói an sinh xã hội hơn 26.000 tỷ đồng sớm đến với các đối tượng thụ hưởng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với vai trò là cơ quan chủ trì triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP đã tổ chức họp với các cơ quan chuyên môn để bàn giải pháp thực hiện.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, quy trình triển khai các nội dung của Nghị quyết số 68/NQ-CP sẽ giản lược tối đa thủ tục, điều kiện. Với gói hỗ trợ trước (Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19), thời gian xem xét, giải quyết đề nghị hỗ trợ của các đối tượng tối đa là 4 ngày, thì nay rút xuống còn 2 ngày. Số lượng thủ tục hành chính của gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP giảm 75% so với gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP…
Ngoài ra, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã xây dựng dự thảo và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7-7-2021 về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 để triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP. Đặc biệt, để tiếp nhận thông tin phản ánh liên quan đến gói hỗ trợ lần này, Bộ sẽ thiết lập 3 số điện thoại đường dây nóng, qua đó xử lý kịp thời các vấn đề đặt ra trong thực tế.
Trên cơ sở định hướng chung, các cơ quan liên quan đang khẩn trương xây dựng nội dung triển khai theo 12 nhóm chính sách cụ thể. Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Trương Anh Dũng cho biết, Tổng cục đã báo cáo nội dung, kinh phí cần triển khai hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động. Mức hỗ trợ tối đa dự kiến là 9 triệu đồng/người. Người sử dụng lao động sẽ nộp hồ sơ cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố để được xem xét, giải quyết. Còn theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân, ngay sau khi có hướng dẫn của Trung ương, Hà Nội sẽ huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để xác định, bảo đảm công khai, minh bạch các nhóm đối tượng cần hỗ trợ. Riêng với nhóm lao động tự do, theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, đối tượng này do các địa phương hỗ trợ, nên Hà Nội sẽ linh hoạt hơn nhưng vẫn dựa trên định hướng của Trung ương (mức hỗ trợ không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/ người/ngày). Ngoài ra, rút kinh nghiệm từ đợt triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP năm 2020, lần này Hà Nội sẽ xác định rõ đối tượng nào thuộc nhóm lao động tự do đủ điều kiện hỗ trợ, tiêu chí để được hỗ trợ, qua đó rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ.
Với sự sẵn sàng của cơ quan chức năng và các địa phương, tin tưởng rằng, gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP sẽ được triển khai khẩn trương, linh hoạt và đúng đối tượng, giúp người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn sớm tiếp cận để có được trợ lực vượt qua đại dịch Covid-19.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.