(HNM) - Doanh nghiệp (DN) là lực lượng quyết định sự thành bại của một nền kinh tế và càng cần được hỗ trợ khi gặp khó khăn như thực tiễn đang diễn ra tại Việt Nam.
Nhiều chủ trương, quyết sách ra đời; nhất là vấn đề cải cách hành chính cũng để nhằm mục tiêu hỗ trợ DN. Nhưng giữa mong muốn và thực tế vẫn luôn có một khoảng cách khó san bằng trong một sớm một chiều…
Các doanh nghiệp luôn cần được hỗ trợ để có thể ổn định sản xuất, đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế. Ảnh: Viết Thành |
"Biết rồi, nói mãi"
Theo bà Đặng Thị Bình An, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, kết quả cuộc khảo sát về thực trạng thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa tại nhiều địa điểm khác nhau ở phía Bắc và phía Nam công bố gần đây cho thấy những tồn tại, hạn chế cần được nhận diện. Đó là, mặc dù đang áp dụng khai báo "hải quan điện tử" theo hướng ngày càng rộng rãi thì nhiều DN vẫn phải xuất trình hồ sơ in trên giấy. Bên cạnh đó, mỗi tờ khai chỉ được khai tối đa 50 dòng nên trong nhiều trường hợp DN phải chi phí thêm thời gian, bố trí nhân lực để bảo đảm khai hết số lượng hàng muốn xuất khẩu. Đáng ngại nữa là, trong nhiều trường hợp thì cứ mỗi tờ khai lại phải viết một giấy nộp tiền.
Theo thống kê của ngành hải quan, đến nay vẫn có 50-60% tổng lượng hàng nhập khẩu đang thuộc đối tượng quản lý chuyên ngành; tức là hàng hóa thuộc loại này phải có sự kiểm tra, xác nhận bảo đảm tiêu chuẩn trong khi danh mục hàng hóa vừa nhiều vừa chưa được mô tả rõ ràng. Từ đó, rất dễ nảy sinh cách hiểu khác nhau giữa DN và cơ quan kiểm tra hoặc giữa các cơ quan quản lý với nhau. DN cũng bức xúc vì có sự trùng hợp khi nhiều cơ quan thuộc nhiều bộ đều có yêu cầu kiểm tra đối với một mặt hàng như sữa, chè, thực phẩm chức năng… Thực tế này gây khó cho DN và càng cần đặt ra câu hỏi là tại sao đến nay các đơn vị quản lý vẫn chưa có cơ chế phối hợp, thống nhất về quy chuẩn để tiến tới việc thừa nhận kết quả kiểm tra của nhau? Bởi nếu làm được như vậy sẽ hỗ trợ cho cộng đồng DN rất nhiều và cũng là "đỡ khổ" cho chính cơ quan chức năng một khi có thể sử dụng một loại số liệu chung đã được quy chuẩn.
Đáng tiếc là "câu chuyện khổ" của DN vẫn kéo dài và đến nay vẫn chưa có lời giải. Nói vậy là bởi tại phần lớn hội nghị, gặp gỡ giữa DN với cơ quan quản lý thì nội dung chủ yếu vẫn xoay quanh những khó khăn không đáng có từ phía DN.
Cần sự tự giác, cộng hưởng từ các bên
Đại diện các DN đề xuất một số ý kiến để thuận lợi hóa các công đoạn liên quan đến thủ tục, quy định nói chung. Đó là, khi kiểm tra hồ sơ, cán bộ hải quan không được yêu cầu DN phải nộp tờ khai in ra giấy đối với trường hợp áp dụng "hải quan điện tử". Khi đó, cán bộ phải tự đối chiếu thông tin trên hệ thống mạng để xác định thông tin và xử lý các công việc tiếp theo.
Mặt khác, DN cũng mong muốn cơ quan quản lý mở rộng sự hợp tác, chủ động đàm phán với đối tác nước ngoài để tiến tới thừa nhận kết quả trong khâu kiểm tra chất lượng, tiêu chuẩn hàng hóa xuất và nhập khẩu. Điều này sẽ giúp DN tránh được tình trạng dù đã được cơ quan chức năng trong nước xác định là đạt chuẩn nhưng khi đưa sang thị trường nước khác lại bị trả về vì "không đạt chuẩn". Đại diện một số DN kiến nghị các ngân hàng và kho bạc cần phối hợp đồng bộ, bảo đảm thông suốt về thông tin để tăng tốc độ luân chuyển chứng từ nộp thuế từ ngân hàng đến kho bạc, bởi có như vậy DN mới được xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ để thực hiện những công đoạn, đầu việc tiếp theo. Các hãng tàu biển cũng cần xem xét lại mức và khoản thu khi họ xuất khẩu hàng chứa trong container; đơn cử như giảm ngay các nguyên nhân do hãng tàu "tưởng tượng" ra nên không minh bạch, gồm: Việc yêu cầu DN nộp phụ phí dầu khẩn cấp, phí tắc nghẽn giao thông khu vực cảng, phí vệ sinh container…
Thiết nghĩ, cần xác định rằng, "dư địa" đơn giản hóa thủ tục đối với nhiều cơ quan chức năng vẫn còn nhiều và sẽ hữu ích nếu được khai thác tối đa. Nhưng vấn đề phụ thuộc vào nhận thức chung, nhất là tinh thần tự giác và chủ động nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan quản lý chuyên ngành bên cạnh sự quyết tâm từ phía Chính phủ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.