Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hỗ trợ các nhà làm phim trẻ: Tạo sức bật cho điện ảnh Việt

An Nhi| 26/09/2021 06:11

(HNM) - Cùng với đội ngũ kỳ cựu, các nhà làm phim trẻ cả tuổi đời và tuổi nghề ở Việt Nam đã và đang nỗ lực dấn thân, tạo nên những tác phẩm điện ảnh chất lượng, gặt hái nhiều giải thưởng trong và ngoài nước. Họ chính là lực lượng nòng cốt của điện ảnh nước nhà trong tương lai. Nếu được hỗ trợ hoạt động sáng tạo, lực lượng này sẽ tạo sức bật cho điện ảnh Việt Nam cất cánh.

Các nhà làm phim trẻ hiện nay thực hiện phim chủ yếu nhờ sự hỗ trợ, đầu tư từ các nguồn xã hội hóa. Trong ảnh: Một cảnh quay Dự án "Memento Mori: Đất" nằm trong bộ ba phim của đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ được thực hiện nhờ sự hỗ trợ của đối tác và huy động vốn cộng đồng.

Nỗ lực của nhà làm phim trẻ

Tin vui vừa đến khi Ban tổ chức Thị trường Dự án châu Á lần thứ 24 đã chọn hai dự án điện ảnh nước ta là “Memento Mori: Nước” của đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ và “If wood could cry, it would cry blood” (tạm dịch: Nếu gỗ có thể khóc, nó sẽ khóc ra máu) của đạo diễn Nguyễn Phan Linh Đan để giới thiệu đến các nhà đầu tư, quỹ hỗ trợ trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Busan 2021 (Hàn Quốc) diễn ra tháng 10 tới.

Hai dự án của Việt Nam nằm trong 26 dự án được chọn lựa từ 429 hồ sơ đăng ký. Trong đó, dự án “Memento Mori: Nước” thuộc bộ ba phim truyền cảm hứng “Memento Mori” của đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ gây chú ý khi kể về một người mẹ trẻ đồng hành cùng con trai bị bệnh ung thư xương, đi sâu vào những cảm nhận về tình người, sự chia sẻ và những khoảnh khắc hạnh phúc bên cạnh nỗi đau…

Niềm vui nữa là đầu tháng 9 này, đạo diễn trẻ của Hà Nội Ostin Fam với bộ phim “Bình” đã đoạt giải Phim ngắn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Sea Shorts 2021 - Liên hoan phim ngắn Đông Nam Á, được tổ chức trực tuyến. Trước đó, phim lọt vào vòng tranh giải Liên hoan phim ngắn Clermont-Ferrand năm 2020 (Pháp) và tham gia tranh giải Phim ngắn châu Á tại Liên hoan phim quốc tế Busan 2020 (Hàn Quốc).

Thời gian qua, nhiều tác phẩm của các nhà làm phim trẻ cũng đã tạo dấu ấn, như: Phim ngắn “Một khu đất tốt” (đạo diễn Phạm Ngọc Lân) được lựa chọn tranh giải tại Liên hoan phim quốc tế Berlin 2019 (Đức); tác phẩm “Hãy tỉnh thức và sẵn sàng” (đạo diễn Phạm Thiên Ân) đoạt giải tại Tuần lễ đạo diễn trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Cannes 2019 (Pháp) hay phim “Mây nhưng không mưa” (đạo diễn Vũ Minh Nghĩa, Phạm Hoàng Minh Thy) nằm trong 12 phim ngắn tranh giải thưởng Orizzonti Short tại Liên hoan phim quốc tế Venice 2020 (Italia)…

Khán giả Nguyễn Thu Hương (phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ) chia sẻ: “Qua kênh Film Box trên YouTube, tôi được tiếp cận với nhiều tác phẩm của các đạo diễn trẻ với nhiều ý tưởng mới, góc nhìn trẻ trung. Nếu được đầu tư về chuyên môn, kỹ thuật, các tác phẩm của họ sẽ tiến xa, làm nên những dấu ấn mới cho điện ảnh Việt Nam”.

Học viên tham gia lớp bồi dưỡng làm phim thông qua hình thức trực tuyến do Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh tổ chức.

Cần thêm những chính sách hỗ trợ

Với các nhà làm phim trẻ, để thực hiện được một tác phẩm hoàn thiện rất cần sự hỗ trợ về cả chuyên môn và kinh phí. Đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ chia sẻ, mỗi nhà làm phim độc lập mất vài năm để có được tác phẩm điện ảnh thực sự. Chẳng hạn, dự án “Memento Mori: Đất” khởi động từ năm 2019, nhờ huy động góp vốn từ cộng đồng phim mới quay xong và đang làm hậu kỳ. Đạo diễn Trần Thanh Huy cũng mất 8 năm để hoàn thành phim “Ròm” - tác phẩm đoạt giải New Currents tại Liên hoan phim quốc tế Busan 2019 (Hàn Quốc)…

Còn đạo diễn Phan Đăng Di, người nhiều năm đồng hành cùng các nhà làm phim trẻ cho rằng, các tác phẩm đến được liên hoan phim quốc tế cho thấy điện ảnh nước ta có nhiều tài năng. Điều họ cần là kết nối với các dự án, quỹ đầu tư điện ảnh để nâng cao chuyên môn, có kinh phí làm phim. Đáng mừng là dự án phim ngắn do 2 nhà tài trợ CJ Cultural Foundation (Hàn Quốc) và CJ CGV Việt Nam phối hợp thực hiện nhằm tìm kiếm, nuôi dưỡng các tài năng điện ảnh trẻ đang triển khai mùa 3. Với 298 hồ sơ tham dự, Ban tổ chức đã chọn 5 dự án xuất sắc để hỗ trợ sản xuất và đưa đi tham dự các sự kiện điện ảnh quốc tế.

Ngoài ra, Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (Hội Điện ảnh Việt Nam) đang tích cực tổ chức các lớp học làm phim trực tuyến để trau dồi kỹ năng, nghề nghiệp cho đạo diễn trẻ. Văn phòng UNESCO tại Việt Nam và Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh cũng vừa khởi động dự án phi lợi nhuận “On the reel film lab” để cung cấp cho các nhà làm phim trẻ kiến thức về điện ảnh, xu hướng làm phim mới, cải thiện kỹ năng và nghiệp vụ, đồng thời trao các giải thưởng hỗ trợ dự án triển vọng.

Bên cạnh đó, các nhà làm phim trẻ rất cần có những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước để phát triển và tạo sức bật. Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam Ngô Phương Lan cho rằng, để nền điện ảnh đa dạng, hài hòa cần lập Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh, ưu tiên dành cho các dự án phim thể nghiệm, phim đầu tay, phim của tác giả trẻ. Tuy đã khởi động từ năm 2006, được đưa vào Luật Điện ảnh, nhưng đến nay, quỹ này vẫn chưa được thành lập.

Liên quan đến vấn đề này, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Vi Kiến Thành cho biết, dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi đang xây dựng có nhiều quy định hướng đến hỗ trợ các dự án nghệ thuật của tài năng trẻ. Đặc biệt, dự thảo sửa đổi một số nội dung về thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh, nhằm nâng cao tính khả thi. Bên cạnh đó, các sự kiện điện ảnh lớn của nước ta, như: Liên hoan phim Việt Nam, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội sẽ mở hạng mục phim ngắn, phim đầu tay dành cho các bạn trẻ… Từ đây, các nhà làm phim trẻ của Việt Nam sẽ có động lực, môi trường phát triển để đóng góp cho điện ảnh nước nhà.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ các nhà làm phim trẻ: Tạo sức bật cho điện ảnh Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.