(HNM) - Công tác quản lý hồ chứa thủy lợi hiện đang bộc lộ nhiều bất cập. Tình trạng lấn chiếm, xói lở bờ hồ, thân đập ngày càng gia tăng.
Bờ hồ Suối Hai (Ba Vì) có nhiều đoạn bị xói lở. Ảnh: Bá Hoạt |
Hàng nghìn hồ đập bị xuống cấp
Tại hội thảo "Bảo đảm an toàn hồ đập - thực trạng, thách thức và giải pháp" được tổ chức vào trung tuần tháng 7-2014, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước nhận định: Hệ thống hồ đập có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, điều tiết nước phòng chống lũ trong mùa mưa, bảo đảm an toàn cho vùng hạ du. Thế nhưng, công tác quản lý hệ thống hồ chứa thủy lợi ở nước ta còn nhiều bất cập, thiếu sự thống nhất giữa các cấp, ngành và từng địa phương. Theo thống kê của Tổng cục Thủy lợi, hiện cả nước có hơn 6.600 hồ chứa thủy lợi, thì có tới hơn 1.150 hồ có dung tích dưới 1 triệu mét khối không được sửa chữa thường xuyên, dẫn đến xuống cấp, bị lấn chiếm và hư hỏng nặng, không bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ. Nguyên nhân chính dẫn đến sự xuống cấp là do các hồ đập này được xây dựng từ những năm 1960-1970, nên thiếu tài liệu thiết kế, nhất là tài liệu thủy văn, chất lượng thi công không tốt, công tác duy tu, bảo dưỡng kém…
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hoàng Văn Thắng cho biết, năm 2003 Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu nâng cấp, sửa chữa 1.800 hồ thủy lợi phục vụ công tác tưới tiêu và phòng chống lũ. Tuy nhiên, đến nay, ngành thủy lợi mới duy tu, bảo dưỡng được 560 hồ lớn, dung tích từ 3 triệu mét khối trở lên (khoảng 23% kế hoạch); còn lại các hồ chứa nhỏ, dưới 3 triệu mét khối ít được quan tâm, thậm chí những hồ nhỏ có dung tích 0,2m3 đến 1 triệu mét khối do cấp địa phương quản lý chưa dành kinh phí để sửa chữa hằng năm. Ngay như Hà Nội là địa phương có tiềm lực kinh tế nhưng hằng năm công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng hồ thủy lợi cũng gặp nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Vĩnh Liên, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội, hiện trên địa bàn Hà Nội có khoảng 130 hồ, đập thủy lợi thì 96 hồ có số liệu, hồ sơ theo dõi, phục vụ công tác tưới tiêu, phòng chống úng ngập và điều hòa sinh thái. Hằng năm, thành phố đều dành kinh phí để bảo trì, bảo dưỡng, song cũng chỉ quan tâm được những hồ, đập có dung tích trên 2 triệu mét khối nước như các hồ Đồng Mô, Suối Hai, Ngải Sơn, Quan Sơn, Đồng Sương, Văn Sơn... Hầu hết các hồ nhỏ dưới 500 nghìn mét khối do cấp huyện, xã quản lý chưa được đầu tư tu bổ thường xuyên, đã bị xuống cấp nghiêm trọng và bị lấn chiếm nhiều.
Tăng cường đầu tư tu sửa hồ đập
GS-TSKH Phạm Hồng Giang cho rằng, trước mùa mưa lũ chúng ta cần đánh giá chính xác hơn chất lượng các hồ đập để có giải pháp xử lý phù hợp. Thời gian qua, công tác dự báo thủy văn của Việt Nam còn yếu, dẫn tới không kịp xả nước và khi xả muộn thì ảnh hưởng tới hạ lưu. Chưa kể, đa phần hồ đập thủy lợi ở nước ta được xây dựng 30-40 năm nay, thậm chí có hồ xây dựng cách đây hơn 50 năm, thi công không đồng bộ, công tác vận hành, quản lý hồ cũng có nhiều hạn chế. Đặc biệt, đối với các hồ chứa do huyện, xã quản lý không được duy tu thường xuyên, người quản lý chưa qua lớp đào tạo, không chuyên trách... khiến một số hồ đã bị vỡ đập hoặc nước tràn qua đỉnh đập. Trong năm 2013, tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Tuyên Quang... mưa lũ đã làm vỡ đập, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và cuộc sống của hàng triệu người dân.
Tìm giải pháp đồng bộ sau nhiều năm triển khai cho thấy, điều quan trọng nhất trong công tác bảo đảm an toàn hồ đập là phải xây dựng được từ quá trình quy hoạch, khảo sát thiết kế đến lập dự án đầu tư, tổ chức thi công xây dựng, quản lý vận hành. Khó khăn nhất trong công tác bảo đảm an toàn hồ đập hiện nay là vấn đề kinh phí để sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa thủy lợi... Tại Hà Nội, ngay đầu tháng 7-2014, Chi cục Thủy lợi đã phối hợp với các huyện, công ty thủy lợi rà soát, thống kê, đánh giá hiện trạng tất cả các hồ chứa nước lớn, nhỏ trên địa bàn thành phố để lập hồ sơ quản lý, lên phương án tu bổ, phục vụ công tác phòng chống lụt bão, điều tiết nước sản xuất nông nghiệp và bảo đảm đời sống dân sinh.
Trước thực trạng hồ đập thủy lợi xuống cấp nghiêm trọng, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý ứng trước 426 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho các địa phương trong kế hoạch năm 2015 để hoàn thành các dự án, công trình sửa chữa hồ chứa nước thủy lợi đang thực hiện dở dang. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng, các địa phương cần linh hoạt hơn trong công tác phân bổ kinh phí để tu sửa các hạng mục, công trình hồ chứa có nguy cơ không bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ. Về thể chế, cần nâng cao năng lực quản lý nhà nước tại địa phương để kiểm tra, giám sát an toàn ngay từ khi bắt đầu xây dựng công trình... Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của các đối tác nước ngoài về kinh phí và công nghệ, nhằm tăng cường đầu tư tu sửa, bảo đảm an toàn hồ đập, phục vụ tốt công tác phòng chống lụt bão và phát triển kinh tế - xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.