Theo dõi Báo Hànộimới trên

Họ đã làm theo lời Bác dạy

18/01/2010 06:39

(HNM) - Họ là một lớp thanh niên lớn lên, đi học, đi làm trong vùng Hà Nội tạm chiếm mấy năm, khi Thủ đô đã giải phóng thì nhập vào vận hội mới, tìm một lối đi. Nhiều người đã học hết trung học đệ nhất cấp trước đây, nay vào mái trường có tên là Đại học Nhân dân được mở ra ở khu Đấu Xảo, nay là Cung Văn hóa Việt - Xô.


Cùng học, có một số học sinh từ kháng chiến vào, ở lớp 7 trong hệ 9 năm, nhưng không nhiều. Có thể có người nghĩ đến cái tên rất hấp dẫn. Có thể có sự hấp dẫn ở tên tuổi các vị đến giảng như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Tố Hữu… Nhà nghiên cứu Minh Tranh dạy duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, bên cạnh có các chuyên gia về kinh tế, chính trị khác. Và một lúc nào đó cũng có người đã chán chường khi nghe dư luận nói toẹt ra đó chỉ là nơi "cải tạo lớp thanh niên vùng tạm chiếm"! Nhưng rồi đa phần đã ngộ ra một chân lý, một lẽ sống giản dị trong lời dạy của Bác Hồ khi Người "nói chuyện" ở lễ khai giảng nhà trường:

Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà.

Một chân lý, một lẽ sống

Di tích chùa Một Cột.  Ảnh: Nhật Nam


Hơn 50 năm đã qua đi. Lớp thanh niên ấy đã tỏa đi khắp các nẻo đường của Tổ quốc, có mặt trong nhiều ngành hoạt động. Đầu năm 1956, số học 1 năm lên Phú Thọ xây dựng nhà máy chè, hết 6 tháng về học tiếp hoặc đi dạy văn hóa. Có thể nói những điều được học dưới mái trường ấy dần được sáng ra, rõ dần ở từng người. Không phải là không còn có những mặc cảm ở những anh chị em từ vùng tạm chiếm cũ. Bởi không phải mọi người đều dễ nhìn họ với con mắt cảm thông, nhất là khi mà cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam còn rất gian nan. Một số người đã bỏ trường, quay về học lại phổ thông để có một tương lai bảo đảm hơn. Trong 13 người đi học nước ngoài ngay lúc đang ở trường chỉ có đâu vài "dân cũ", còn toàn là anh em từ vùng kháng chiến về. Nói chuyện này ra để thấy tính chất đặc biệt của trường, tất nhiên do những quy định xã hội thời đó. Ngay chuyện phân công anh chị em ra dạy ngay hoặc sau khi học xong sư phạm cũng vậy. Hình như vẫn cứ bị "dè chừng", "cảnh giác"…

Tuy vậy, nhìn lại nhau, trong số cả nghìn người từ vùng tạm chiếm vào học ở ngôi trường ngót 1.300 người ấy, số đông, đã không phụ lòng trông đợi của thời cuộc. Có người đã thành đạt với những học hàm, học vị không kém ai, đạt các danh hiệu rất cao quý. Cũng có người chỉ sống một cuộc đời bình lặng chẳng danh hiệu gì nhưng cũng "vua biết mặt chúa biết tên" như anh em nói đùa. Ngay cả những người chẳng có gì cho ai biết đến thì vẫn có thể mang niềm tự hào chung là đã sống như lời Bác dạy. Dù là người đã làm được nhiều cho "nước nhà" và đã được xã hội ghi công, người dân biết tiếng hay chỉ được "nước nhà" cho không đáng bao nhiêu đều vẫn có thể ngẩng cao đầu trong cái nhìn của học trò cũ, của phụ huynh, của bạn bè đồng nghiệp!

Ngày 19-1-2010 là tròn 55 năm ngày khai giảng Trường Đại học Nhân dân ấy, tôi nghĩ nhiều về chặng đường đã qua, về những người cùng tôi ngồi lắng nghe như nuốt từng lời của Bác Hồ kính yêu. Rất nhiều tên tuổi, rất nhiều danh hiệu vang lên, nhưng trước hết là về những người từng ở cùng tổ, cùng dạy một nơi, cùng từ một nguồn với tôi…

Những "vỉa quặng ngầm" phát sáng

Nguyễn Lê Hòa mất sớm, đã gần năm chục năm. Anh cũng là học sinh Trường Nguyễn Trãi với tôi và cùng bỏ dở lớp Đệ nhị sinh ngữ để vào Đại học Nhân dân, rồi theo hai năm sư phạm, ra trường năm 1958 như tôi. Anh về Trường Bắc Lý ở cái vùng đồng trũng khổ nghèo đã được Nam Cao ghi lại trong những trang văn nghẹn ngào uất hận. Dạy các môn tự nhiên, anh lao vào công việc chẳng chút mặc cảm so bì! Có lẽ Hòa cũng chẳng hề nghĩ đến thân phận một anh giáo làng quê chữ Pháp, chữ Anh bỏ xó, đem vốn kiến thức của những anh "lớp bảy mới" thêm hai năm sư phạm dạy đám học trò "nhà quê" học lớp năm, lớp bảy. Anh cùng mấy bạn cũng từ lò Đại học Nhân dân lao vào công việc say sưa sáng tạo từ chuyện xây dựng vườn trường, xây dựng tủ sách đến các hình thức giáo dục chưa có ở các nơi. Người ta biết đến Bắc Lý, trường các anh là "ngọn cờ đầu của ngành giáo dục" thời ấy. Và tên anh được nhắc đến rất quý báu, trân trọng. Việc Nguyễn Lê Hòa "đã làm gì cho nước nhà" được cả nước biết đến rất sớm!

Nguyễn Thế Hiển cũng là học sinh Hà Nội. Tuy anh không học cùng Trường Nguyễn Trãi với tôi mà học ở một trường tư nào đó như Văn Lang, Tân Trào… nhưng lại ở cùng khối hai năm sư phạm trung cấp trung ương khoa xã hội để rồi cùng về Thái Bình năm 1958. Anh "nằm vùng" ở An Bài, Phụ Dực từ lúc nó là "trường huyện" - duy nhất của huyện - đến lúc thành "trường làng" khi mỗi xã có một trường! Những năm đầu, chúng tôi thường gặp nhau trong các hoạt động "màng lưới bộ môn", những cuộc họp tập hợp sáng kiến, kinh nghiệm của tỉnh. Chúng tôi ít gặp nhau từ khi tôi rời khỏi Thái Bình sau bảy năm ở đất Thư Trì... nhưng vẫn đọc nhau trên những chuyên san của bộ, ngành và trong bộ sách Tổng kết kinh nghiệm giáo dục năm năm in năm 1965. Trai Hà Nội "nằm vùng" ở đó mấy chục năm, được phong danh hiệu "Nhà giáo ưu tú" và hình như còn có thể được cả "nhân dân" nữa. Cái anh đã "làm gì cho nước nhà" có thể biết rõ qua các chi tiết ấy.

Nguyễn Thế Hiển có "đòi hỏi nước nhà làm gì cho mình" không, thì may là tôi được cô học trò lứa đầu của anh kể lại: "Thầy mất mấy năm rồi. Đám tang to nhất huyện, ai cũng quý, cũng thương. Mấy chục năm về đó thầy chỉ biết có việc dạy học, chả đòi hỏi quyền lợi gì. Chính phụ huynh học sinh đứng ra làm thủ tục xin đất cho thầy, lo tìm vợ cho thầy. Buồn cười nhất là lúc làm đường qua thị trấn, lấy vào đất nhà thầy, huyện đền bù, thầy lại kêu: "Đất Nhà nước cho tôi bây giờ Nhà nước cần lấy, sao lại phải đền bù!".

Một con người "ngu ngơ" như thế rõ là quá thấm nhuần câu "không nên đòi hỏi nước nhà cho mình những gì"!

Người thứ ba là Nguyễn Văn Thuyết, cùng tổ với tôi, ở phòng B13 khu B ngay gần cổng trường chỗ khu Đấu Xảo. Anh ở ngoại thành, ngay sau Đại học Ngoại ngữ bây giờ. Vóc người cao, tác phong vừa nông dân vừa cổ cổ của anh khiến mấy đứa ít tuổi chúng tôi thường trêu chọc. Cứ húng hắng ho, bị kêu, bị giục đi khám khỏi lây lan, anh lại thanh minh là chỉ bị "bờ lông sít"(viêm phế quản), tức là không phát âm được cái cặp phụ âm "br". "Quê kệch" thế sao không buồn cười! Thuyết nổi đình đám khi ngành giáo dục chúng tôi bị cái phong trào lúa cao sản Trung Quốc - người đứng được trên thảm lúa chín - kích thích, đua nhau xoay trần ra cày cuốc với kỳ vọng biến các nhà trường thành trung tâm kỹ thuật nông nghiệp, tỏa sáng ra nông thôn xung quanh. Thầy trò chạy mướt mồ hôi đi mượn trâu, bò và lòng khòng đôi quang xảo nhặt từng cục phân trâu, bò rơi vãi về ủ bón cho "ruộng cao sản". Thuyết là điển hình tiên tiến, báo cáo kinh nghiệm cho các trường khác ở Thái Bình làm theo Trường Tiên Hưng của anh. Mấy anh trường tôi dự hội nghị về đều trầm trồ khen anh nhiều sáng tạo trong việc giáo dục học sinh kỹ thuật cấy trồng khoa học. Còn tôi, khi về công tác gần Hà Nội tôi mới gặp, anh đã là cán bộ công đoàn ngành, rồi bất ngờ về dạy đại học khoa Hán Nôm. Hóa ra cái phần "đồ cổ" của anh đã được khai thác. Cụ Cao Xuân Huy biết anh là con một ông đồ và giỏi Hán Nôm, đã đưa anh về Đại học Tổng hợp. Anh trở thành một trụ cột đáng nể!

Một anh bạn theo học khoa ấy đã cho biết dư luận đánh giá cao vốn Hán Nôm sâu sắc của Thuyết. Đâm ra tôi nhiều lần cứ phải bảo mấy đứa bạn cùng tổ cũ là nhận xét người khó thật. Chúng tôi đã không nhìn ra cái "vỉa quặng ngầm" rất quý giá nằm dưới "vùng đồi núi cỏ dại hoa hèn" ấy. May mà cái vỉa quặng ngầm ấy gặp được đôi mắt tinh đời của chuyên gia giàu kinh nghiệm và được về đúng cái nơi cần đến. Nếu không, nó cũng như nhiều vỉa quặng quý khác nằm im lìm dưới lòng đất, bị quên đi rồi không làm được gì nhiều cho nước nhà!
*
* *
Hơn 50 năm! Bao nhiêu là biến đổi. Và cũng có bao nhiêu những hạt vàng sinh sôi. Lớp thanh niên Hà Nội ấy cùng với những lớp thanh niên khác đã từ nhiều ngả vào đời, mỗi ngả đều có gai góc, lá hoa. Nghĩ lại lời dạy của Bác về chuyện cống hiến và hưởng thụ, có thể có lúc chạnh lòng. Nhưng với lớp học sinh Trường Đại học Nhân dân của chúng tôi thì càng ngày càng thấm thía những lời đơn giản Bác đã nói. Có lẽ chính những người ít băn khoăn, ít ưu tư về chuyện hưởng thụ với cống hiến lại là những người có được cống hiến đáng kể. Và dường như chính họ lại là những người có được nhiều thứ! Với niềm vui thanh thản, họ "được" nhiều về tinh thần, dù về vật chất thì có thể không bao nhiêu! Đây hẳn cũng là thu hoạch cuối đời nhiều người chúng tôi tâm đắc.

Lê Xuân Mậu

Về cuộc thi viết “Cả nước hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội”
Cuộc thi còn chu kỳ chấm giải vào năm 2010, với 1 giải nhất 10 triệu đồng, 2 giải nhì mỗi giải 5 triệu đồng, 3 giải ba mỗi giải 3 triệu đồng, 10 giải khuyến khích mỗi giải 1 triệu đồng. Chủ đề: Truyền thống Thăng Long - Hà Nội, kỷ niệm sâu sắc qua các thời kỳ, khuyến khích giai đoạn hiện tại, với những con người, sự kiện mới tiêu biểu cho sự nghiệp CNH-HĐH. Để nâng cao chất lượng, BTC quyết định điều chỉnh dung lượng bài dự thi: dài nhất được 2 kỳ, mỗi kỳ 2.000 từ; dùng cả những bài nêu vấn đề nhưng có hệ thống, không sa vào vụ việc cụ thể.
Địa chỉ thư điện tử: thi1000nam@hanoimoi.com.vn.
Rất mong sự hưởng ứng của bạn viết xa gần.

BTC
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Họ đã làm theo lời Bác dạy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.