Trong “ma trận” tiêu chí tuyển chọn HLV trưởng ĐTQG, tiêu chí dũng cảm đã được đặt lên hàng đầu, như một ngầm ý!
Để đi đến quyết định ký hợp đồng với HLV Phan Thanh Hùng và êkíp thầy nội, VFF phải mất 4 tháng, kể từ khi HLV Falko Goetz rời ghế HLV trưởng ĐTQG. Và, để đi đến ngày ký hợp đồng với Phan Thanh Hùng, ông Hùng cùng các cộng sự phải trải qua thời gian, tạm gọi là thử thách, tạm quyền.
Mặc dù ĐT Việt Nam thất bại tại AFF Cup 2012 nhưng ít người cho rằng ông Phan Thanh Hùng và êkíp kém năng lực. |
Tạm quyền, với bóng đá ta, bản chất 2 từ này đã đã quá quen thuộc, thể hiện người sử dụng chưa thực sự dũng cảm, tin tưởng quân mình. Quãng thời gian tạm quyền như là một thước đo năng lực, người được tạm quyền có phát huy được khả năng của mình hay không.
Điều trớ trêu là với một nền bóng đá còn bất ổn hệ thống, phong độ cầu thủ phụ thuộc vào trạng thái tâm lý quá lớn, khó có thể lấy thành tích của các ĐTQG trong quá trình HLV tạm quyền để khẳng định những giá trị, kể cả giá trị của HLV trưởng.
Trên thực tế, dù ĐT Việt Nam thất bại tại AFF Cup 2012 nhưng ít người cho rằng ông Phan Thanh Hùng và êkíp kém năng lực. Thành tích ĐTQG qua 2 trận HLV trưởng tạm quyền cũng có thể gọi là được: thua Trung Quốc 0-3 và thắng Hong Kong (Trung Quốc) 2-1, đều là giao hữu.
Thử đặt ngược vấn đề rằng nếu HLV Phan Thanh Hùng không nhận được sự ủng hộ của số đông, quá trình tạm quyền đội bóng vẫn không phát triển, liệu VFF có quyết định ký hợp đồng với thầy nội? Mặt khác, phải chuyên trách, liệu tổ HLV nội có dám dấn thân vì sự nghiệp chấn hưng các ĐTQG cũng như phát huy thương hiệu HLV nội? Có lẽ, 2 câu hỏi trên quá dễ trả lời.
Có vẻ như, VFF đang tiếp tục vận hành phương thức sử dụng HLV như cũ. Có nghĩa, sẽ sử dụng HLV nội tạm quyền cho 2 trận vòng loại Asian Cup 2013 diễn ra trong tháng 2. Sẽ nghe ngóng dư luận, sẽ xem xét khả năng của HLV được tạm quyền như thế nào.
Thật nghịch lý, khi lẽ ra mặt trận Asian Cup phải được coi trọng, được chuẩn bị chu đáo, HLV không phải mang tâm thế tạm quyền. Nếu như HLV nội tạm quyền thành công, liệu có được ký hợp đồng chính thức. Quan trọng hơn, được bảo vệ quyết liệt cùng những chế độ tương xứng với những hy sinh, áp lực. Đấy có lẽ là tâm nguyện chung của những HLV nội. Tất nhiên, nếu HLV thuộc dạng “làng nhàng”, thiếu cá tính, đang rảnh việc, họ sẽ không quá coi trọng quyền lợi để tạm quyền. Còn những HLV chất lượng, dù dũng cảm có thừa nhưng không phải ai cũng đủ bản lĩnh để vượt qua cái rào cản ghê gớm: quyền lợi khi ngồi ghế HLV trưởng vẫn chưa thể sánh với ghế HLV CLB. Đấy cũng là lý do để HLV Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hữu Thắng đã thẳng thắn từ chối. HLV Hoàng Anh Tuấn cũng đang cân nhắc...
Vậy nên, nếu thực sự tin tưởng HLV nội, muốn một HLV nội giỏi chuyên trách, VFF và Tổng cục TDTT phải đáp ứng được những nguyện vọng cơ bản của người được chọn. Đấy là mức lương, cơ chế chế làm việc, thời hạn hợp đồng phải được tôn trọng, không thể có chuyện chỉ một chiến dịch thất bại (như SEA Games cuối năm nay chẳng hạn) là sa thải, hoặc chấp nhận để HLV trưởng từ chức, do sức ép nội tại và cả phía dư luận. HLV nào cũng cần phải có thời gian để xây dựng lối chơi, tạo bản sắc cho đội bóng. Trong bối cảnh này, HLV nội có chất dám nhận chức HLV trưởng (dù là tạm quyền) cũng là dũng cảm lắm rồi. Còn, bỏ tất cả để chuyên trách, nhất là các HLV giỏi đang sống khỏe ở CLB, đang được nhiều “địa chỉ đỏ” mời chào, thực sự là trên cả dũng cảm.
Do đó, điều quan trọng nhất, vẫn cần sự dũng cảm thực sự từ phía VFF và Tổng cục TDTT trong quan điểm chọn và quan điểm sử dụng HLV trưởng.
Chỉ cần một mơ ước, HLV nội được đối xử như HLV ngoại, thậm chí được 7/10 phần thầy ngoại, vẫn là giấc mơ xa xỉ. Đấy là sự bất công, cản trở đường lên ĐT của những HLV nội dũng cảm, giỏi chuyên môn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.