(HNM) - Trước vòng loại Olympic 2012, môn Bắn súng khu vực Châu Á, bắn súng Việt Nam chỉ kỳ vọng giành một suất tham dự chính thức. Nhưng bất ngờ đã xảy ra khi có tới hai xạ thủ Việt Nam (Hoàng Xuân Vinh, Lê Thị Hoàng Ngọc) vượt qua vòng loại để góp mặt tại Thế vận hội 2012.
HLV trưởng đội tuyển bắn súng quốc gia Nguyễn Thị Nhung.
- Trước vòng loại Olympic 2012 khu vực Châu Á, bà đã nói rằng giành được một suất chính thức cũng là thành công lớn. Nhưng cuối cùng kết quả lại gấp đôi kỳ vọng. Liệu kỳ vọng kia có mang chút tự ti không, thưa bà?
- Không phải thế đâu. Tất cả dự đoán đưa ra đều dựa trên thực lực của các xạ thủ Việt Nam lúc đó. Nói đúng hơn, lúc ấy chúng tôi kỳ vọng bắn súng Việt Nam sẽ được hai suất: 1 suất chính thức và 1 suất đặc cách. Suất chính thức được kỳ vọng vào Hà Minh Thành nhưng cuối cùng cậu ấy lại không đạt được mục tiêu.
- Vậy việc Hoàng Xuân Vinh và Lê Thị Hoàng Ngọc giành vé chính thức đến Olympic 2012 có thể coi là bất ngờ không?
- Vừa có, vừa không, bởi cũng như nhiều xạ thủ Việt Nam khác, họ thường đạt thành tích tốt trong luyện tập nhưng khi thi đấu lại không ổn định. Chẳng đâu xa, Hoàng Xuân Vinh từng mất HCV ASIAD chỉ vì bắn ra ngoài viên cuối cùng. Nói thực, thông số trong luyện tập của họ, nhất là của Lê Thị Hoàng Ngọc, còn tốt hơn rất nhiều so với thành tích tại vòng loại Châu Á vừa qua. Tuy nhiên, các VĐV này đã đạt trạng thái thi đấu tốt để lọt vào bài thi chung kết. Đó cũng đã là thành công rồi. Ở bài thi này, mọi việc đều có thể xảy ra và cuối cùng ngoài tài năng, vận may đã đến với họ. Nội dung 10m súng ngắn hơi, việc VĐV xếp thứ nhất và thứ ba đã giành vé đến Olympic 2012 từ trước đã mang suất chính thức tới cho VĐV xếp thứ nhì và thứ tư là Hoàng Xuân Vinh. Tại nội dung 25m súng ngắn thể thao nữ, do 4 xạ thủ dẫn đầu bài thi chung kết đã đoạt vé đến Olympic 2012 nên 3 tấm vé ở nội dung này được trao cho VĐV xếp hạng 5, 6, 7. Lê Thị Hoàng Ngọc xếp thứ 6 nên cũng giành vé.
- Còn Hà Minh Thành dường như lại không có được may mắn?
- Có lẽ thế. Cả một năm thi đấu thành công ít nhiều đã tạo sức ép lên Thành trong lần thi đấu vừa qua. Cậu ấy cũng vào đến bài thi chung kết nhưng ở đây, do chưa có xạ thủ nào giành vé đến London 2012 nên đương nhiên vé sẽ thuộc xạ thủ xếp thứ nhất và thứ nhì. Mà Hà Minh Thành lại xếp thứ 6. Ngay cả trong năm 2011, tại Giải vô địch thế giới, Hà Minh Thành cũng ngấp nghé giành vé khi chỉ thua sát nút VĐV cuối cùng vào vòng chung kết có 1 điểm. Tuy vậy, tôi vẫn đánh giá cao tài năng của Hà Minh Thành. Cậu ấy còn nhiều cơ hội để góp mặt ở Olympic vì còn trẻ trong khi tuổi thọ nghề của VĐV bắn súng lại cao. Chuyện Hà Minh Thành không thể đến Olympic 2012 là một nỗi tiếc nuối lớn. Nếu được góp mặt, Thành hoàn toàn có thể được xếp vào nhóm có cơ hội đoạt huy chương.
- Dù vậy cũng có thể coi việc giành hai vé đến Olympic 2012 là thành công lớn của bắn súng Việt Nam?
- Tôi chỉ có thể nói rằng, tôi tự hào về thành tích mà các học trò giành được tại vòng loại vừa qua. Chưa bao giờ bắn súng Việt Nam có được thành tích như trên tại các vòng loại Olympic.
- Không có Hà Minh Thành, bắn súng Việt Nam có thể kỳ vọng gì vào Hoàng Xuân Vinh và Lê Thị Hoàng Ngọc tại Olympic 2012?
- Chỉ số thành tích tại các giải đấu lớn của cả hai chưa cao, cơ hội đoạt huy chương không nhiều nhưng ngay từ bây giờ tôi đã nói với các em rằng, đến được Olympic 2012 bằng suất chính thức đã là thành công. Không đoạt được huy chương tại Olympic 2012 với cả hai cũng không phải là sự thất vọng. Cả hai chỉ cần đạt thành tích tốt nhất, vượt qua chính mình.
- Nhưng để đạt mục tiêu tối thiểu như vậy cũng phải có sự chuẩn bị xứng đáng trong khi điều kiện cơ sở vật chất tại Việt Nam chưa đáp ứng được các yêu cầu chuyên môn cho một cuộc thi đấu lớn như Olympic…
- Đúng là chúng tôi đã phải tập luyện với bia giấy nhưng khi thi đấu lại với bia điện tử. Sự vận hành khác hẳn nhau của hai loại bia trên đã là một khó khăn cho các VĐV. Vì thế, chúng tôi sẽ đề xuất để các VĐV đi tập huấn tại Hàn Quốc khoảng 15-20 ngày trước Olympic 2012. Trước đó, đội tuyển tham dự 4 cuộc đấu quốc tế. Tôi nghĩ rằng như thế là đủ để VĐV có thể thích ứng với Olympic 2012. Nó cũng phù hợp với điều kiện kinh phí dành cho đội tuyển bởi không thể đòi hỏi hơn. Nói gì thì nói, các xạ thủ ta vẫn như con nhà nghèo. Nhưng con nhà nghèo mà vẫn học giỏi mới hay chứ giàu có mà học giỏi cũng là lẽ thường.
- Hỏi vui một câu, hình như tập huấn tại Hàn Quốc luôn mang đến vận may cho đội tuyển?
- Vui vui thì là vậy. Nhưng thực tế thì bắn súng Hàn Quốc luôn luôn "mở cửa" với bắn súng Việt Nam. Khi sang đây tập huấn, chúng tôi luôn được đón tiếp chu đáo, được tập luyện trong những điều kiện tốt nhất, VĐV ta lại được tập cùng VĐV đội tuyển quốc gia của bạn. Nói nôm na thế này, phía Hàn Quốc không coi ta là đối thủ để phải giấu quân, giấu bài mà luôn coi chúng tôi là bạn. Không phải ở đâu chúng tôi cũng nhận được điều này. Vì thế, Hàn Quốc luôn là địa chỉ đầu tiên để bắn súng Việt Nam nghĩ đến mỗi khi định tập huấn nước ngoài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.