Văn hóa

Hình thành thị trường cho ảnh nghệ thuật Việt Nam: Ngỡ ngàng những bức ảnh đắt giá nhất thế giới

Nhật Quang 09/07/2023 - 16:59

Thị trường ảnh nghệ thuật trên thế giới từ lâu đã rất phát triển với những bức ảnh được định giá lên tới cả chục triệu USD. Nhiều người đánh giá, sức hút của nhiếp ảnh và việc đầu tư sưu tầm các tác phẩm nhiếp ảnh có hiệu quả không kém gì hội họa.

nhiepanh3.jpg
Một số bức ảnh đắt nhất thế giới hiện nay.

Bức ảnh đắt nhất mọi thời đại

Không chỉ nổi tiếng trong lĩnh vực mỹ thuật, sàn giao dịch đấu giá Sotheby's & Christie's còn là nơi bán các bức ảnh "đắt nhất mọi thời đại”. Vào ngày 14-5-2022, tại Christie's New York, bức ảnh “Le Violon d'Ingres” đã được bán với giá 12,4 triệu USD, trở thành bức ảnh đắt nhất từng được bán đấu giá.

Bức hình đen trắng này được chụp vào năm 1924 bởi nghệ sĩ siêu thực người Mỹ Man Ray. Bản in được đấu giá có hình người mẫu Kiki de Montparnasse của Ray được xem là độc nhất vô nhị. Các chuyên gia nhiếp ảnh tin rằng nó có giá trị hơn vì được tạo ra cùng thời điểm với âm bản liên quan.

Trước đó, bức ảnh này nằm trong bộ sưu tập của các nhà sưu tầm ở New York, Rosalind Gersten Jacobs và Melvin Jacobs, những nhà bán lẻ thời trang nổi tiếng có quan hệ chặt chẽ với các nhóm nghệ thuật Siêu thực. Năm 1962, nhà Jacobs mua bức ảnh “Le Violon d'Ingres” trực tiếp từ nghệ sĩ Man Ray. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Man Ray, tên khai sinh là Emmanuel Radnitzky (1890 - 1976), là thành viên chủ chốt của phong trào Dada và chủ nghĩa Siêu thực.

Ban đầu, bản in gốc của kiệt tác, được nhiều người coi là tác phẩm nổi tiếng nhất của Man Ray, dự kiến có giá từ 5 - 7 triệu USD nhưng cuối cùng nó đã được mua với con số kỷ lục 12,4 triệu USD. Tại sao một bức ảnh lại có giá đắt đến như vậy? Ông Darius Himes, trưởng bộ phận ảnh quốc tế của nhà đấu giá Christie's, đã gọi bức ảnh là “một trong những tác phẩm mang tính biểu tượng nhất của thế kỷ XX”, và “hình ảnh siêu thực hấp dẫn này là kết quả của một quy trình phòng tối độc đáo và được thao tác bằng tay”.

Ông cũng cho biết thêm: “Phạm vi tiếp cận và ảnh hưởng của hình ảnh vừa lãng mạn, vừa bí ẩn, vừa ranh mãnh và khôi hài, đã thu hút tâm trí của tất cả mọi người trong gần 100 năm. Đây là một tác phẩm nhiếp ảnh chưa từng có trên thị trường”.

Những bức ảnh triệu đô

Con số kỷ lục mà “Le Violon d'Ingres” đạt được không phải là một sự may mắn cá biệt. Thực tế, thị trường nhiếp ảnh thế giới từ lâu đã ghi nhận những bức ảnh có giá hàng triệu USD.

“The Flatiron” (được chụp vào năm 1904 và xuất bản vào năm 1905), một bức ảnh nổi tiếng về thành phố New York của Edward Steichen, đã được bán với giá 11,8 triệu USD vào ngày 10-11-2022 tại Christie's New York, trở thành bức ảnh đắt thứ hai từng được bán bởi nhà đấu giá này. “The Flatiron” của Steichen cũng được bán với giá cao hơn nhiều so với dự kiến (2 - 3 triệu USD).

Trước đó, "Phantom", phiên bản đơn sắc của bức ảnh in "Ghost" đã được xuất bản trước đó của nhiếp ảnh gia Peter Lik, nắm giữ danh hiệu bức ảnh đắt nhất từ trước đến nay khi được bán với giá 6,5 triệu USD vào tháng 12-2014. Kỷ lục trước đó thuộc về “RheinII” của Andreas Gursky, bức ảnh đã được bán với giá hơn 4,3 triệu USD thông qua nhà đấu giá Christie's vào tháng 11-2011.

Phần lớn các bức ảnh trong số những tác phẩm ảnh đắt giá nhất được chụp bằng máy ảnh analog, được rửa trong phòng tối, việc này cho thấy ảnh phim hiện vẫn có giá trị kinh tế hơn so với ảnh kỹ thuật số. Học giả AD Coleman là người đã xuất bản 8 cuốn sách, hơn 2.500 bài tiểu luận về nhiếp ảnh và các chủ đề liên quan, từng được vinh danh là một trong “100 người quan trọng nhất trong làng nhiếp ảnh năm 1998”.

Theo Coleman, có nhiều yếu tố để tạo nên những bức ảnh triệu đô, chẳng hạn như tính độc bản, chất lượng và tình trạng của tác phẩm, nguồn gốc, tầm vóc quốc tế và tầm ảnh hưởng của tác giả, những câu chuyện xung quanh bức ảnh... Coleman cũng cho rằng, việc thay đổi nhận thức của công chúng về lịch sử cũng như giá trị của nhiếp ảnh đã giúp cho thị trường trở nên sôi động, tạo ra một thế hệ các nhà sưu tập hiểu biết, có thể định vị một tác phẩm như thế này trong quá trình phát triển của phương tiện và hiểu cũng như đánh giá cao ý nghĩa của nó.

Trong khi đó, Francis Outred, Trưởng phòng Nghệ thuật Đương đại và Hậu chiến tranh của Christie's ở châu Âu, cho rằng kích thước và kỹ thuật cũng được tính đến trong việc định giá tác phẩm. Những bức ảnh được thực hiện trên một quy mô chưa từng có với kỹ thuật in vượt trội, màu sắc và độ rõ nét có thể thách thức hội họa. Điều đó lý giải vì sao những bức ảnh lại đắt giá đến vậy.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hình thành thị trường cho ảnh nghệ thuật Việt Nam: Ngỡ ngàng những bức ảnh đắt giá nhất thế giới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.