Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hình ảnh một Hà Nội năng động, quyết liệt và mạnh mẽ

Võ Lâm| 20/04/2020 19:37

(HNMO) - Thảo luận tại cuộc làm việc giữa Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội diễn ra ngày 20-4, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương đều đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo và kết quả phòng, chống dịch Covid-19 của Hà Nội, đồng thời khẳng định sẽ đồng hành cùng thành phố trong nhiệm vụ phục hồi kinh tế thời gian tới.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng trong quý I-2020, Hà Nội vẫn đạt mức tăng trưởng GRDP 3,72%, thu ngân sách và tổng vốn đầu tư toàn xã hội vẫn tăng lần lượt là 6,7% và 5,2%. Tuy nhiên, các chỉ số khác không được như mong đợi: Xuất khẩu giảm, số doanh nghiệp đăng ký dừng hoạt động và tỷ lệ thất nghiệp đều tăng cao...

Đánh giá về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Hà Nội là điểm nóng của cả nước, nhưng từ cách tiếp cận, phương pháp triển khai đến việc huy động nguồn lực đều được thành phố làm rất tốt, với tinh thần chủ động, quyết liệt và đã phát huy hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đang xây dựng kịch bản phục hồi kinh tế chung cho cả nước với 2 giai đoạn gồm: Giai đoạn chuyển tiếp từ khi chuẩn bị hết dịch cho đến hết dịch và giai đoạn 2 là hoàn toàn hết dịch Covid-19. “Chúng tôi sẽ phối hợp cùng với Hà Nội để xây dựng kịch bản phù hợp nhất cho Thủ đô nhằm bảo đảm 2 mục tiêu vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa duy trì phục hồi, phát triển kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đánh giá, thông qua công tác phòng, chống dịch Covid-19, tất cả đều thấy hình ảnh của một Hà Nội năng động, quyết liệt và mạnh mẽ. Điều này cũng được thành phố thể hiện rất rõ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và điều hành phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: “Chúng tôi theo dõi rất sát và có thể khẳng định, Hà Nội đã dành rất nhiều thời gian để trực tiếp trao đổi, cùng với các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế. Mặc dù đang trong giai đoạn có nhiều khó khăn phức tạp, nhưng Hà Nội đang giải quyết rất tốt. Đặc biệt, Hà Nội là điểm sáng trong thực hiện nhiều chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Ví dụ, về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, nhà ở thì Hà Nội là một trong những địa phương đạt cao nhất. Trong ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên, Hà Nội cũng là một trong những địa phương đi đầu”.

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể hoan nghênh thành phố Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với Bộ, triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại Sân bay quốc tế Nội Bài, qua đó kiểm soát hiệu quả một cửa ngõ quan trọng của Thủ đô và đất nước với thế giới, ngăn chặn hiệu quả các nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào nước ta.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, mọi người đều rất vui khi chứng kiến những kết quả phòng, chống dịch Covid-19 của cả nước, đặc biệt là thành công của thành phố Hà Nội. Việc Hà Nội kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh như hiện nay là cơ sở quan trọng để bàn những việc tiếp theo, như phục hồi kinh tế.

Phân tích kỹ hơn tình hình kinh tế Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, trong quý I-2020, kinh tế Hà Nội chịu tác động mạnh và nhanh hơn vì dịch bệnh so với cả nước. Do đó, tăng trưởng công nghiệp của thành phố dù chưa đến mức độ xấu, nhưng chỉ đạt 4,44%, thấp hơn cùng kỳ năm 2019 (6,9%) và thấp hơn bình quân chung cả nước (5,8%). Nhưng Hà Nội lại có điểm sáng là thương mại nội địa, lưu chuyển hàng hóa trên địa bàn, mặc dù mức tăng vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2019 (10,2%), nhưng đạt 7,4%, cao hơn bình quân chung của cả nước (4,7%).

Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh: “Điều đó cho thấy vai trò của Hà Nội là một trung tâm kinh tế thương mại lớn của cả nước, đặc biệt là lĩnh vực luân chuyển hàng hóa trong thương mại nội địa. Do đó, đề xuất của thành phố về tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng thương mại nội địa, hướng tới mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành thị trường lớn tiêu thụ hàng hóa cho cả nước là rất phù hợp”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hình ảnh một Hà Nội năng động, quyết liệt và mạnh mẽ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.