Sách

Hiểu về kiến trúc để “du lịch” thêm lý thú

Hạ Yến 25/08/2024 16:01

Cùng với cảnh quan thiên nhiên và văn hóa bản địa, những công trình kiến trúc cũng là yếu tố thu hút khách du lịch. Những cuốn sách về kiến trúc dành cho độc giả phổ thông mang đến những kiến thức “nhập môn” và thông tin bổ ích, lý thú.

thong-tin.jpg
Một trang sách giới thiệu về kiến trúc.

Ở bất cứ quốc gia nào cũng vậy, mỗi công trình kiến trúc đều mang trong mình một ngôn ngữ riêng. Không chỉ cho thấy sức sáng tạo tài hoa của con người, các công trình kiến trúc đều ít nhiều in dấu ấn của thời đại, biểu đạt những ý nghĩa văn hóa và tôn giáo, phản ánh địa lý, khí hậu của vùng đất nơi công trình kiến trúc được xây dựng. Với tất cả sức lực và trí tuệ của mình, nhân loại đã tạo ra biết bao điều kỳ diệu, trong đó nhiều công trình kiến trúc là những tuyệt tác minh chứng cho khả năng sáng tạo vượt giới hạn của con người. Những cuốn sách như “Những công trình kiến trúc nổi tiếng thế giới”, “70 kỳ quan thế giới cổ đại”, “70 công trình kiến trúc kỳ diệu của thế giới hiện đại”, “Kỳ quan kiến trúc thế giới”... đưa độc giả vòng quanh trái đất qua các công trình kiến trúc xưa nay như cung điện, lâu đài, kim tự tháp, vương cung, thành cổ, thánh địa, đấu trường, lăng mộ, tòa tháp, nhà thờ, đền chùa, nhà hát... Bên trong mỗi công trình ấy đều ẩn chứa những câu chuyện bi hùng thể hiện rõ sức mạnh về ý chí, tiềm năng về trí tuệ và tài hoa sáng tạo tuyệt vời của con người. Các cuốn sách đều có hình ảnh sống động, có thể đi kèm các số liệu chi tiết, mang lại cho độc giả những tri thức cơ bản về ngành này để độc giả có thêm những kỹ năng có thể “đọc hiểu” phần nào các “tòa nhà”.

Cuốn sách “Đọc hiểu công trình kiến trúc” của Carol Davidson Cragoe giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về các phong cách và những thành phần kiến trúc cơ bản của các dạng công trình qua hệ thống vật liệu, cột và đầu cột, cuốn, mái và đầu hồi, vòm và mái vòm, tháp, cổng, cửa, cửa sổ, cầu thang... Theo tác giả, để đọc hiểu một công trình kiến trúc, “người đọc cần hiểu các bộ phận cấu thành cơ bản trước khi bắt đầu. Ba khía cạnh cấu thành ngữ pháp của ngôn ngữ kiến trúc là các phong cách theo thời kỳ, các loại công trình khác nhau và các vật liệu cấu thành”. Cuốn sách “Đọc hiểu công trình kiến trúc” giúp độc giả nhận diện các đặc trưng cơ bản của những cấu trúc từ mọi niên đại và thời kỳ, từ Hy Lạp cổ đại xuyên suốt tới ngày nay với các dạng công trình như công trình tôn giáo, lâu đài và cung điện, nhà ở, công trình công cộng, công trình thương mại. Được thiết kế như một cuốn “từ điển” nhỏ gọn kèm minh họa về ngôn ngữ kiến trúc, “Đọc hiểu công trình kiến trúc” giới thiệu cho độc giả phổ thông vốn từ vựng của ngôn ngữ kiến trúc, khiến loại hình này dễ tiếp cận cho cả người mới bắt đầu và vẫn gợi hứng thú với những người đã có kiến thức nhất định về kiến trúc.

Kiến trúc là ngành đặc thù nằm giữa ranh giới của sáng tạo nghệ thuật và khoa học kỹ thuật. Mỗi công trình kiến trúc hoàn hảo không chỉ là một thiết kế sáng tạo đẹp đẽ và độc đáo mà còn phải đảm bảo là công trình bền vững về mặt kỹ thuật, có khả năng chống chịu trước các yếu tố tự nhiên, hài hòa với điều kiện địa lý và thời tiết vùng miền, thậm chí giúp tiết kiệm năng lượng, giảm tác động đến môi trường... Cuốn sách “Mối quan hệ kiến trúc và các ngành nghệ thuật” của tác giả Tôn Thất Đại cho độc giả thấy rõ, kiến trúc nằm trong một gia đình các ngành nghệ thuật. Tuy nhiên, với ngành kiến trúc, vẽ mới chỉ là một điều kiện cần. Ngành kiến trúc đòi hỏi đội ngũ thiết kế một tư duy logic chính xác trong từng nét vẽ, sự cẩn thận chi ly trong từng chi tiết cấu tạo kiến trúc.

Tìm hiểu ngôn ngữ kiến trúc qua lối viết dí dỏm, độc giả có thể đọc “Kiến trúc thú vị” của Simon Armstrong hoặc “Tương lai của kiến trúc” của Marc Kushner. Hấp dẫn và vui nhộn, cuốn sách “Kiến trúc thú vị” mang đến những công trình sống động và kỳ thú. Tác giả giúp người đọc tìm hiểu xem tòa nhà nào vô tình tạo ra những tia sáng “chết người”, bạn có thể tìm thấy một ngôi nhà xây lộn ngược ở đâu, tại sao chỉ có một lối duy nhất vào một lâu đài trung cổ, hay làm thế nào vẽ được như một kiến trúc sư. Trong khi đó, cuốn sách “Tương lai của kiến trúc” thì như một “thư viện kiến trúc” phân tích những “sản phẩm kiến trúc” một cách dí dỏm như “Những địa điểm khắc nghiệt nhất”, “Lành mạnh hơn”, “Những kẻ biến hình”, “Mô hình lắp ghép”, “Nơi trú ẩn trong cơn bão”, “Co lại”...

Ngoài một số cuốn sách kể trên, độc giả muốn tìm hiểu về kiến trúc có thể tìm đọc các cuốn sách về lịch sử kiến trúc thế giới để hiểu kiến trúc qua các giai đoạn lịch sử, kiến trúc của nhiều vùng miền.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hiểu về kiến trúc để “du lịch” thêm lý thú

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.