Trách nhiệm của cán bộ làm chính sách cho người lao động trong việc tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội phải hiểu rõ chính sách, không để xảy tình trạng “lọt lưới an sinh”.
Đây là nội dung Trưởng phòng Truyền thông Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố Hà Nội Dương Thị Minh Châu nhấn mạnh trong việc thay đổi chính sách về BHXH, được quy định trong Luật BHXH (sửa đổi) năm 2024.
Trong khuôn khổ chương trình tập huấn công tác chính sách pháp luật và thi đua - khen thưởng năm 2024 cho cán bộ công đoàn do Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tổ chức sáng 10-9 tại Hà Nội, Trưởng phòng Truyền thông BHXH thành phố Hà Nội Dương Thị Minh Châu phổ biến các quy định mới về Luật BHXH năm 2024. Nhiều tình huống cụ thể, thường gặp trong thực tiễn được trao đổi, phân tích, bàn luận, nhằm mục tiêu hỗ trợ học viên cập nhật, hiểu rõ chính sách mới này.
Trao đổi với các cán bộ công đoàn, bà Dương Thị Minh Châu lưu ý về việc mở rộng quyền lợi cho người thụ hưởng đã bổ sung trợ cấp thai sản đối với diện tham gia đóng BHXH tự nguyện. Cụ thể, người tham gia BHXH tự nguyện (cả nam và nữ) đã đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con được hưởng trợ cấp thai sản 2 triệu đồng cho mỗi con được sinh ra và mỗi thai từ 22 tuần tuổi trở lên chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ.
Nhiều tình huống được đặt ra, bao gồm chế độ, chính sách đối với các chức danh không chuyên trách cấp cơ sở, hay giải quyết chính sách như thế nào để bảo đảm quyền lợi đối với đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc…
Bà Dương Thị Minh Châu lưu ý: Đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, mà hai bên có thỏa thuận về việc đóng BHXH bắt buộc trong thời gian này - được bổ sung là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Trường hợp người lao động ngừng việc vẫn hưởng tiền lương tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất thì đóng theo tiền lương được hưởng trong thời gian ngừng việc. Tất cả nhằm duy trì quyền lợi cho người lao động, đặc biệt là quyền lợi BHYT trong thời gian hoãn thực hiện hợp đồng lao động, tạm ngừng việc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.