(HNM) - Những năm qua, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" đã được Hội Nông dân các cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội triển khai sâu rộng, hiệu quả. Qua đó, tạo sự lan tỏa và thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia, góp phần thực hiện tốt phong trào xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
Những nông dân tiêu biểu
Ông Hoàng Mạnh Ngọc, là nông dân tiêu biểu trong lĩnh vực chăn nuôi công nghệ cao ở xã Liên Hà, huyện Đông Anh. Từ phong trào dồn điền, đổi thửa, xây dựng nông thôn mới của địa phương, ông Ngọc có điều kiện tích tụ đất đai, thành lập trang trại chăn nuôi gà quy mô 5ha và áp dụng công nghệ vào sản xuất với 100 máy ấp nở, công suất 20.000 quả trứng/máy, mỗi tháng cung cấp cho thị trường khoảng 600.000 con gà giống các loại.
“Nông dân chúng tôi tự lai tạo ra những giống gà chất lượng vượt trội, cạnh tranh bình đẳng với các giống gà ngoại do công ty nước ngoài sản xuất. Không chỉ làm giàu cho bản thân, tôi luôn sẵn lòng hỗ trợ địa phương trong xây dựng nông thôn mới, cũng như chia sẻ với các hội viên khác làm giàu từ mô hình nông nghiệp công nghệ cao”, ông Hoàng Mạnh Ngọc nói.
Trên quê hương Đan Phượng, ông Trần Văn Thắng, ở xã Thọ An cũng là một trong những nông dân tiêu biểu của địa phương. Gia đình ông chăn nuôi hàng nghìn con bò thịt và bò sinh sản. Ngoài bán bò thịt cho thương lái, gia đình ông còn giết mổ từ 10 đến 15 con bò/ngày để cung cấp thực phẩm cho thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận, doanh thu khoảng 60-70 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 lao động, với thu nhập trung bình từ 6 đến 9 triệu đồng/người/tháng. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, gia đình ông Thắng đã ủng hộ hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, gia đình ông còn hỗ trợ 1,2 tỷ đồng tiền vốn, không tính lãi cho 20 hộ chăn nuôi trên địa bàn...
Là hội viên nông dân năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, ông Nguyễn Thế Kỷ với mô hình trang trại đa canh, hằng năm cho thu nhập hơn 2 tỷ đồng. Nhiều năm ông Kỷ là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp thành phố, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 20 lao động, với mức lương từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng; hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, không lấy lãi cho 30 hộ gia đình, với tổng số tiền 2 tỷ đồng…
Đồng hành, giúp nông dân làm giàu
Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son, trong những năm qua, các cấp hội đã triển khai chương trình, kế hoạch để tổ chức cho hội viên nông dân đăng ký, bình xét, bình chọn và biểu dương các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Chỉ tính riêng năm 2022, toàn huyện có 35 hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp trung ương, 303 hộ cấp thành phố, 1.870 hộ cấp huyện, 10.883 hộ cấp cơ sở. Để ngày càng có nhiều nông dân đóng góp xây dựng quê hương, ngoài việc tuyên dương, khích lệ, Hội Nông dân huyện Đan Phượng luôn tìm cách tháo gỡ, hỗ trợ các hộ nông dân gặp khó khăn về vốn...
Có thể khẳng định, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” trên địa bàn thành phố Hà Nội đã phát triển cả bề rộng và chiều sâu, có sức lan tỏa mạnh mẽ, thực sự là động lực, khích lệ hội viên nông dân phấn khởi, hăng hái thi đua lao động sản xuất. Chỉ riêng năm 2022, toàn thành phố Hà Nội đã có 196.276 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, bằng 118% chỉ tiêu giao… Trong 3 tháng đầu năm 2023, đã có khoảng 200.000 hộ đăng ký đạt sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Toàn thành phố có 2.291 mô hình cho thu nhập hơn 200 triệu đồng một năm; 583 câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Không chỉ làm giàu cho bản thân, nông dân Hà Nội đã đóng góp hàng nghìn tỷ đồng cùng nhiều ngày công để kiến thiết nông thôn mới.
Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa cho biết, hằng năm, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng mở những lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho nông dân; tham quan học tập và xây dựng nhiều mô hình trình diễn cây, con giống mới; cải tiến kỹ thuật, hỗ trợ tư liệu sản xuất, tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân. Đặc biệt, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã thu hút đông đảo nông dân tham gia. Từ phong trào này, đã đem lại sự đổi thay rõ nét trong đời sống của nhiều hộ nông dân. Nhiều hộ trở nên khá, giàu và giúp đỡ những hộ khó khăn khác về cây, con giống, vốn, vật tư phục vụ cho sản xuất, góp phần ổn định đời sống vật chất, tinh thần ở nông thôn, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo.
“Thời gian tới, Hội Nông dân các cấp trên địa bàn Hà Nội tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, theo hướng đồng hành, bám sát cơ sở để cùng nông dân làm giàu, kiến thiết quê hương, xây dựng nông thôn mới”, bà Phạm Hải Hoa khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.