(HNM) - Nhằm tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong các bữa cỗ tập trung đông người, chủ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm, huyện Thanh Oai đã triển khai và duy trì mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm bữa cỗ tập trung đông người, mang lại hiệu quả.
Hiện nay, trong cộng đồng các tiệc ma chay, hiếu hỉ, tổ chức các sự kiện đang diễn ra khá phổ biến và còn nhiều hạn chế trong công tác quản lý các bữa cỗ tập trung đông người. Cụ thể, một số dịch vụ tự phát chưa được kiểm soát, việc sử dụng nguồn gốc nguyên liệu chưa rõ ràng, điều kiện an toàn thực phẩm chưa bảo đảm, nhận thức của người tiêu dùng còn hạn chế, người tham gia làm cỗ chưa có kiến thức đầy đủ về an toàn thực phẩm.
Qua thống kê, trong năm 2019, trên địa bàn huyện Thanh Oai có 2.940 bữa cỗ tập trung đông người, gồm cỗ cưới, giỗ, khao sinh nhật... (mỗi bữa có từ 60 đến 800 người ăn), trong đó khoảng 95% các bữa cỗ là do gia đình tự chế biến. Trong khi đó, chính quyền địa phương mới chỉ quản lý đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, còn bữa cỗ tập trung đông người phần lớn là do các gia đình tự bảo đảm.
Để thực hiện tốt công tác kiểm soát an toàn thực phẩm bữa cỗ tập trung đông người, UBND huyện Thanh Oai chỉ đạo 21/21 xã, thị trấn trên địa bàn thành lập và duy trì hoạt động Tổ giám sát tư vấn các điều kiện an toàn thực phẩm tại các bữa cỗ tập trung đông người. 100% cán bộ quản lý an toàn thực phẩm và cán bộ Tổ giám sát an toàn thực phẩm của các xã, thị trấn được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm, chủ động giám sát, xử lý khi có ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm. Mỗi xã, thị trấn hỗ trợ tư vấn cho từ 120 đến 150 bữa cỗ đông người, từ khâu kiểm soát nguyên liệu thực phẩm đến chế biến và tổ chức ăn uống, bảo quản, vận chuyển thức ăn.
Hằng năm, huyện Thanh Oai đều thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bữa cỗ tập trung đông người và thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát các bữa cỗ đông người. Qua giám sát, đa số các hộ gia đình tổ chức bữa cỗ tập trung đông người đã có ý thức về bảo đảm an toàn thực phẩm, cơ sở vật chất sạch sẽ, dụng cụ nấu nướng bảo đảm theo quy định và nơi nấu ăn được phân khu riêng biệt, tách biệt giữa thực phẩm sống và thực phẩm chín.
Ngoài ra, việc lựa chọn thực phẩm được chú trọng hơn về mức độ an toàn và nguồn gốc; thực phẩm khi sơ chế, chế biến đến khi thức ăn được nấu chín đều được kiểm soát; một số xã có nguồn nước máy bảo đảm để sử dụng. Trong quá trình tư vấn, Tổ giám sát tư vấn các điều kiện an toàn thực phẩm đã phát tờ rơi về các điều kiện an toàn thực phẩm, nhằm nâng cao nhận thức của người dân cũng như tăng hiệu quả kiểm soát một số loại thực phẩm mà các hộ gia đình lựa chọn sử dụng.
Tuy nhiên, mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm bữa cỗ tập trung đông người là mô hình mới thí điểm, nên nhận thức của người dân về an toàn thực phẩm vẫn còn hạn chế. Người dân chủ yếu mua thực phẩm tại chợ dân sinh hoặc của người thân trong gia đình, nên sổ theo dõi mới chỉ ghi số kilôgam, mà chưa ghi đầy đủ nguồn gốc; khu sơ chế và khu thức ăn chín còn gần nhau; vẫn còn hiện tượng dùng chung dụng cụ chế biến thực phẩm chín với thực phẩm sống; người chế biến chưa đeo găng tay khi tiếp xúc với thực phẩm...
Để khắc phục những tồn tại nêu trên và thực hiện tốt mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm bữa cỗ tập trung đông người trên địa bàn, huyện Thanh Oai đã tư vấn các hộ gia đình nên bố trí nơi ăn ở vị trí rộng, thoáng mát, sạch sẽ, có căng bạt, không bị ảnh hưởng bởi các nguồn ô nhiễm; bố trí riêng biệt thực phẩm sống, thực phẩm chín; bảo quản cẩn thận để tránh côn trùng xâm nhập; các gia đình cần giữ lại hóa đơn mua hàng và ghi rõ nguồn gốc; người chế biến cần thực hiện nghiêm các điều kiện an toàn, vệ sinh thực phẩm... Từ đó, các gia đình tổ chức bữa cỗ tập trung đông người đã được nâng cao nhận thức, kỹ năng, thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, không để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.