(HNM) - Trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nguồn nhân lực có tay nghề và chuyên môn cao đang trở thành nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp.
Không phải đào tạo lại
Nói về mô hình đào tạo “kép”, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho hay, đây là một mô hình đào tạo theo hướng phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp. Nhà trường để các doanh nghiệp tham gia ngay từ khi xây dựng chương trình đến khi tiếp nhận sinh viên thực tập, đánh giá kết quả học tập cùng các tổ chức uy tín và cấp bằng cho học viên.
Mô hình này một mặt giúp cơ sở đào tạo không tốn nguồn lực, doanh nghiệp không phải đào tạo lại, mặt khác sẽ giúp cho khung chính sách về mạng lưới giáo dục nghề nghiệp phát triển, thu hút học sinh vào học nghề...
Hướng dẫn sinh viên thực hành nhóm ngành nhà hàng - khách sạn. |
Là người đam mê công nghệ ô tô, Lê Nguyễn Hưng (20 tuổi) đã quyết tâm theo học tại Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn để sớm có việc làm trong ngành ô tô. Tuy nhiên, khi được học và rèn luyện kỹ năng chuyên môn tại doanh nghiệp em mới vỡ ra nhiều điều.
"Ở trường em cũng được đào tạo về quy trình sản xuất ô tô, được thực hành trên các bộ phận của xe nhưng không ngờ quá trình sản xuất một chiếc ô tô lại phức tạp như vậy. Qua những chuyến đi thực tế mới giúp em hình dung ra các công việc cụ thể" - Lê Nguyễn Hưng chia sẻ.
Còn sinh viên Tạ Hữu Phước (21 tuổi) học công nghệ thông tin tại Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh cho biết, học theo mô hình đào tạo "kép" nên em thường xuyên được thực hành các kiến thức lý thuyết. Việc đào tạo "kép" còn giúp Phước rèn luyện thêm các kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp với khách hàng, làm việc nhóm hoặc củng cố thêm các kiến thức đã học ở trường.
Thực tế, mô hình đào tạo “kép” đã mang lại hiệu quả thiết thực, nhiều trường đã mạnh dạn ký kết với các doanh nghiệp trong việc đào tạo nghề. Bà Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức (TDC) cho rằng, mặc dù mới triển khai nhưng trường đã ký kết được với 4 doanh nghiệp có uy tín để đưa 26 sinh viên tham gia khóa đầu tiên. Sau khi kết thúc chương trình đào tạo, sinh viên có thể làm việc chính thức ngay tại doanh nghiệp.
Còn ông Đặng Lê Hoài Bảo, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại CMC Chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chúng ta đã quá lãng phí thời gian, tiền bạc cho tuyển dụng lao động làm được việc bởi phần lớn sinh viên học đại học, cao đẳng ra trường phải đào tạo lại kỹ năng. Mô hình đào tạo “kép” sẽ giải quyết được những băn khoăn của doanh nghiệp trong tuyển dụng. Chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ đào tạo, giải quyết việc làm cho sinh viên ngành công nghệ thông tin, đặc biệt ưu tiên những em có hoàn cảnh khó khăn”.
Đào tạo theo chuẩn khu vực ASEAN
Thực hiện triển khai mô hình đào tạo “kép”, tại Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức sinh viên sẽ được học kiến thức cơ bản trong nhà trường (30% thời lượng) kết hợp với rèn luyện kỹ năng chuyên môn tại doanh nghiệp (70% thời lượng). Trong thời gian học tại doanh nghiệp, sinh viên sẽ được giảng viên có kinh nghiệm thực tế giám sát, hỗ trợ, đồng thời được các chuyên gia có kinh nghiệm của doanh nghiệp tham gia hướng dẫn trên giáo trình, tài liệu giảng dạy được hai bên phối hợp biên soạn.
Tương tự, ông Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn cho biết, đến thời điểm này trường đã ký kết hợp tác đào tạo với hơn 100 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận. Việc kết hợp cùng doanh nghiệp đào tạo sẽ mang đến cho sinh viên cơ hội cọ xát, trải nghiệm, lĩnh hội kiến thức của nghề một cách thực tế. Doanh nghiệp không chỉ tham gia vào quá trình xây dựng chương trình, giảng dạy với nhà trường mà còn mang những kinh nghiệm cuộc sống, kinh nghiệm công việc, đồng thời dạy cho sinh viên khả năng thích ứng với thị trường lao động.
Tại Trường Trung cấp Bách khoa TP Hồ Chí Minh, từ năm học 2018 đã tổ chức đào tạo "kép" chương trình trung cấp và trung học phổ thông - giáo dục thường xuyên cho đối tượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và học dở lớp 10, 11, 12.
Theo đó, sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, các em mất 3 năm để vừa học nghề, vừa học văn hóa; học xong các em vừa được cấp bằng tốt nghiệp trung cấp theo ngành nghề học và giấy chứng nhận hoàn thành chương trình văn hóa phổ thông hoặc bằng tốt nghiệp trung học phổ thông - giáo dục thường xuyên.
Như vậy, sau khi học trung cấp, rồi học tiếp đại học thì chỉ hết tổng cộng 5 năm (kể từ khi tốt nghiệp trung học cơ sở); Nhà nước hỗ trợ toàn bộ học phí cho 3 năm học trung cấp, các em chỉ phải đóng học phí 2 năm học liên thông lên đại học (hay 1,5 năm lên cao đẳng). Như vậy, các em tiết kiệm được thời gian 2 năm so với việc học trung học phổ thông sau đó mới học đại học.
Để đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao, ngày 12-3-2018, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch “Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp của thành phố năm 2018”. Theo đó, một trong những nội dung quan trọng là thí điểm tổ chức thực hiện mô hình đào tạo “kép” bằng việc hướng dẫn, chỉ đạo các trường cao đẳng, trung cấp có đào tạo 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức đào tạo cho học sinh, sinh viên; đồng thời thực hiện chuyển giao chương trình đào tạo các nghề kỹ thuật, du lịch, điều dưỡng, xây dựng phục vụ đào tạo nhân lực theo chuẩn khu vực ASEAN. Và có thể nói, những kết quả ban đầu đạt được như trên là rất đáng ghi nhận.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.