(HNM) - Tai nạn thương tích (TNTT) đang là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nước ta với khoảng 70 nghìn người tử vong mỗi năm. Theo thống kê của Bộ Y tế, bệnh nhân TNTT do tai nạn giao thông chiếm tỷ lệ cao nhất, trong đó tai nạn từ mô tô, xe máy chiếm khoảng hơn 70% tổng số vụ tai nạn giao thông đường bộ.
Chăm sóc bệnh nhi tại Trạm Y tế huyện Thanh Trì. Ảnh: Việt Hương |
"Thủ phạm" chính là tai nạn giao thông
Theo số liệu được Bộ Y tế công bố mới đây, trung bình mỗi năm trên thế giới có hơn 3,1 triệu người tử vong do TNTT và dự báo đến năm 2020, con số này có thể lên tới 8 triệu người. PGS-TS Nguyễn Thị Hồng Tú (Cục Y tế dự phòng và Môi trường - Bộ Y tế) cho biết: Sau gần 10 năm thực hiện chính sách quốc gia phòng, chống TNTT, tỷ suất tử vong do TNTT ở Việt Nam đã giảm đáng kể, từ mức 88,4/100.000 dân vào năm 2001 đã giảm xuống còn 46,6/100.000 dân. Mặc dù vậy, kết quả điều tra cộng đồng về TNTT cho thấy số bị TNTT hằng năm vẫn ở mức cao, ước vào khoảng 4 triệu trường hợp, trong đó có 70 nghìn người tử vong (trẻ em chiếm 22,3%).
Đáng lưu ý, tai nạn giao thông đường bộ hiện vẫn là nguyên nhân chính làm cho tỷ lệ tử vong TNTT tăng cao. Viện Chiến lược và Chính sách (Bộ Y tế) vừa thực hiện một nghiên cứu về chi phí điều trị chấn thương sọ não (CTSN) không tử vong trong nhóm bệnh nhân bị CTSN do tai nạn xe máy đã xuất viện của Bệnh viện Việt Đức. Kết quả cho thấy 71% người bệnh là nam giới với tuổi trung bình là 33,2 (nhóm tuổi 20-29 chiếm 45,2%); 74% bệnh nhân đang điều khiển xe máy khi bị chấn thương.
Huy động tổng lực sức mạnh cộng đồng
Tỷ lệ tử vong cao, theo phân tích của các chuyên gia y tế, là do thông tin cho cộng đồng về cách phòng, chống thương tích, cách thức xử lý khi có tai nạn xảy ra còn chưa đầy đủ. Ngay với những việc đơn giản, như khi có TNTT xảy ra thì nên vận chuyển nạn nhân đến bệnh viện nào cho thích hợp, cũng có thể khiến nhiều người lúng túng. Kết quả là nạn nhân thường không được sơ cứu ban đầu; nhiều trường hợp gặp chấn thương nặng, lẽ ra phải sử dụng xe chuyên dụng của ngành y tế thì lại được chuyển thẳng tới bệnh viện bằng bất cứ phương tiện nào. Sự thiếu hiểu biết và thông tin cần thiết khiến người nhà thường đưa thẳng bệnh nhân đến các bệnh viện trung ương ngay cả khi bệnh tình của họ không nặng, chỉ cần tìm một cơ sở y tế tuyến huyện, tỉnh là đủ. Điều đó dẫn đến tình trạng quá tải, làm giảm chất lượng chăm sóc chấn thương ở các bệnh viện lớn của trung ương. Đó là chưa kể việc có nhiều bệnh nhân khi đến bệnh viện đã bị tử vong do sơ cứu sai và vận chuyển không đúng cách, đúng tuyến.
Xây dựng cộng đồng an toàn (CĐAT) được coi là chiến lược quan trọng phòng, chống TNTT. Chiến lược này được khởi xướng từ năm 1970 tại Thụy Điển. Đến nay, đã có hơn 100 quốc gia tham gia mạng lưới CĐAT quốc tế và hơn 100 cộng đồng được chính thức công nhận là CĐAT. Việt Nam cũng đã xây dựng mô hình CĐAT theo các tiêu chí của Tổ chức Y tế thế giới trong giai đoạn 2002-2010 và bước đầu triển khai tại hơn 100 xã của 12 tỉnh, thành phố. Mô hình CĐAT được xây dựng dựa trên kết quả xây dựng gia đình an toàn, trường học an toàn để mọi người dân chủ động kiểm soát và đưa ra các giải pháp dự phòng theo điều kiện cụ thể của từng địa phương. Từ mô hình này, các địa phương tổ chức ra hệ thống mạng lưới tình nguyện viên cùng với nhân viên y tế giám sát, ghi chép và thực hiện tốt hoạt động sơ - cấp cứu ban đầu. Kết quả tổng kết chung cho thấy, tỷ suất tử vong do TNTT của các xã tham gia thực hiện đã giảm được 50% so với trước khi thực hiện; gần 90% người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc phòng, chống TNTT…
Từ kết quả thực tế triển khai mô hình CĐAT trong thời gian qua, Bộ Y tế khẳng định, xây dựng CĐAT là hướng tiếp cận có khả năng huy động người dân phòng, chống TNTT ở mức cao, mang lại hiệu quả lâu dài. Vì thế, mô hình CĐAT sẽ tiếp tục được duy trì và mở rộng nhằm giảm tối đa tỷ lệ tử vong do TNTT gây ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.