(HNM) - Vượt qua những bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu sau khi thành phố Hà Nội tiến hành cấm trông giữ xe tại 262 tuyến phố thuộc 9 quận nội thành, những ngày gần đây, hình ảnh phố phường Hà Nội với vỉa hè, lòng đường thông thoáng, giao thông đi lại thuận tiện đang trở thành đề tài
Việc cấm trông giữ phương tiện tại 262 tuyến phố đã được nhiều người dân Hà Nội ủng hộ. Ảnh: Thái Hiền |
Lamnguyen...@yahoo.com.vn: Trả lại đúng công năng cho lòng đường, vỉa hè...
Tôi hoàn toàn ủng hộ và hoan nghênh quyết định cấm trông giữ xe ở lòng đường, vỉa hè các tuyến phố, của UBND thành phố Hà Nội, bởi đơn giản, đã đến lúc chúng ta phải trả lại đúng công năng cho những con đường của Thủ đô. Ai cũng biết, việc xây dựng đường phố, vỉa hè trước hết nhằm phục vụ việc đi lại của người dân. Xuất phát từ việc phương tiện giao thông cá nhân phát triển quá nhanh, trong khi chất lượng hạ tầng giao thông không tương xứng, nên việc trưng dụng một phần lòng đường, vỉa hè làm nơi trông giữ xe là giải pháp tạm thời để giải quyết nhu cầu của người dân. Nhưng khi tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra nghiêm trọng, việc lập các điểm trông giữ xe dưới lòng đường, vỉa hè không còn phù hợp nữa, nên chuyện thu hồi giấy phép của các điểm trông giữ phương tiện ở các điểm đó là điều đương nhiên. Không có một chủ trương, quyết định nào có thể mang lại lợi ích tuyệt đối cho tất cả mọi người trong xã hội. Với những người bị ảnh hưởng từ việc cấm trông giữ xe tại 262 tuyến phố, thì việc họ kêu ca là điều dễ hiểu. Đành rằng, giải pháp này bước đầu gặp đôi chút khó khăn, bất tiện, nhưng sau hai tuần thực hiện, có thể thấy tác dụng tích cực đối với cộng đồng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng (phố Võ Thị Sáu, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng): Phải thay đổi thói quen “tiện thể” của người dân...
Tôi đã từng du học ở nước ngoài, tôi thấy chúng ta còn phải học tập họ rất nhiều, đặc biệt là ý thức của người dân. Hãy thử nhìn sang các nước bạn sẽ thấy, dù phương tiện giao thông công cộng rất phát triển, nhưng tỷ lệ người tham gia đi bộ trên hè phố rất cao. Người dân đi bộ 4-5km để đi làm, đi học là chuyện bình thường. Họ coi đi bộ vừa là hình thức tiết kiệm, vừa để rèn luyện sức khỏe. Còn ở Việt Nam, chỉ một quãng đường vài trăm mét nhưng nhiều người vẫn phải trèo lên xe, chấp nhận mất tiền xăng, tiền gửi xe... Bên cạnh đó là việc loại bỏ tâm lý tiện đâu mua đấy của người dân. Chẳng ở đâu như Việt Nam, đường mở ra đến đâu là cửa hàng, khu mua sắm, chợ búa... mọc lên đến đó. Cho để xe ở vỉa hè, lòng đường chẳng khác nào khuyến khích thói quen tùy tiện của người dân. Trước đây cho đỗ xe trên vỉa hè thì người dân kêu ca không có chỗ đi bộ. Nay vỉa hè, lòng đường thông thoáng thì lại kêu không thuận tiện, khó khăn cho việc kinh doanh... Nếu chúng ta chỉ đòi hỏi cơ quan chức năng phải làm cho hè phố thông thoáng, nhưng không ai chịu hy sinh một phần lợi ích cá nhân của mình, vì lợi ích của toàn xã hội, thì làm sao xã hội phát triển được?
Ông Nguyễn Văn Nam (nhà K1, KĐT Việt Hưng, quận Long Biên): Giải pháp lâu dài vẫn là xây dựng điểm đỗ xe
Không thể phủ nhận, dù mới đi vào thực hiện, nhưng giải pháp cấm trông giữ xe dưới lòng đường, vỉa hè đã phát huy tác dụng. Nhưng qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, vẫn có điều khiến tôi và nhiều người rất băn khoăn. Hà Nội có tới hơn 370.000 ô tô và trên 3,7 triệu xe máy, nhưng bãi đỗ xe công cộng chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu của người dân. Nay, có thêm 262 tuyến phố bị cấm trông giữ phương tiện, chắc chắn nhu cầu trông giữ xe của người dân sẽ càng bức thiết hơn. Về lâu dài, nếu không có biện pháp hỗ trợ người dân hiệu quả, e rằng trật tự chỉ duy trì được trong thời gian ngắn. Khi lực lượng chức năng rút đi, vi phạm lại tái diễn. Vì vậy, để giải quyết triệt để vấn đề này, giải pháp lâu dài và ổn định nhất vẫn là phát triển hệ thống giao thông tĩnh, đáp ứng đủ nhu cầu trông giữ xe của người dân.
Bà Hà Kim Tuyến (phường Trung Liệt, quận Đống Đa): Nghiêm túc kiểm điểm các dự án chậm tiến độ
Quyết định về thu hồi giấy phép các bãi trông giữ xe của UBND thành phố Hà Nội đã tỏ rõ sự quyết tâm trong việc lập lại TTATGT và là một trong số nhiều giải pháp tổng hợp để giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô. Quyết định này có ảnh hưởng trên diện rộng và quả thực nhiều người đã phải đôn đáo, vất vả tìm cho được một chỗ trông, giữ xe và hàng loạt các điểm gửi xe được đà làm khó, ép giá… Để hạn chế tình trạng này, các nhà quản lý đều khẳng định trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc sẽ sớm khai thác thêm điểm đỗ, tăng cường kiểm tra việc thu phí ở các bãi gửi xe… Tuy nhiên cũng cần nghiêm túc kiểm điểm việc một số dự án bãi trông, giữ xe chậm tiến độ, nếu cần thiết thì phải giao dự án lại cho các chủ đầu tư mới đủ năng lực tài chính thực hiện, bảo đảm tiến độ hoàn thành, sớm đưa dự án vào sử dụng, giảm áp lực cho thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.