Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiện thực hóa phục dựng chính điện Kính Thiên

Nguyễn Thanh| 08/01/2022 06:22

(HNM) - Sau nhiều năm tiến hành nghiên cứu, diễn giải Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, đến nay, công tác này đã mang lại nhiều kết quả quan trọng, góp phần củng cố thông tin, dữ liệu, giúp hiện thực hóa mục tiêu phục dựng chính điện Kính Thiên trong tương lai gần. Điều này vừa đáp ứng mong mỏi của cộng đồng yêu di sản, vừa bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị Hoàng thành Thăng Long xứng tầm di sản văn hóa thế giới.

Quang cảnh tọa đàm khoa học “Kinh đô Thăng Long - Hà Nội, từ tư liệu lịch sử đến những kết quả nghiên cứu mới” do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức tháng 12-2021. Ảnh: Thùy Anh

Xác định vị trí, cấu trúc chính điện

Điện Kính Thiên được xây dựng vào thời vua Lê Thái Tổ (năm 1428) trên nền cũ của điện Càn Nguyên thời Lý và điện Thiên An thời Lý - Trần. Đây là cung điện quan trọng bậc nhất của cấm thành, nơi bàn việc quốc gia đại sự cũng như diễn ra nhiều nghi lễ, sự kiện ngoại giao quan trọng. Cuối thế kỷ XIX, khu vực này bị quân đội Pháp phá dỡ, cải tạo thành căn cứ quân sự cho đến ngày bàn giao trả chính quyền cách mạng của ta và trở thành nơi làm việc của Bộ Quốc phòng...

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, vị trí của tòa chính điện thành Thăng Long - Đông Kinh, tính từ năm 1010 đến nay, đã hơn 1.000 năm, song hầu như không có sự thay đổi. Ngay cả vào thời Nguyễn, kinh đô chuyển về Huế, thì điện Kính Thiên vẫn được duy trì như một hành cung khi vua Nguyễn tuần du ra Bắc.

Kết quả khai quật khảo cổ học thực hiện trong khu vực suốt nhiều năm qua cũng cho thấy nhiều dấu tích khẳng định sự hiện diện của khu vực trung tâm cấm thành tại đây; đồng thời là cơ sở quan trọng để kiểm chứng tính xác thực của các nguồn tư liệu, thư tịch cổ về quy mô, cấu trúc khu vực. Cùng với đó là hàng vạn di vật đa chủng loại, trong đó có những cấu kiện gỗ sơn son thếp vàng, ngói rồng men xanh lục, men vàng lợp mái…, cho phép hình dung phần nào về hình thái hay chi tiết cấu trúc các hành cung tại Hoàng thành.

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, đã có thể xác định khá rõ một phần kết cấu không gian khu vực, gồm: Chính điện Kính Thiên - Đoan Môn - Đan Trì - Ngự Đạo, được bao quanh bởi tường vây, hành lang và các cổng ra, vào. Đây là nguồn tư liệu vô cùng quan trọng, cho phép phục dựng chính điện Kính Thiên trong tương lai không xa.

“Đợt khai quật mới nhất là lần đầu tiên phát hiện mô hình kiến trúc đất nung tráng men thời Lê Sơ. Di vật có giá trị tư liệu rất cao cho nghiên cứu mỹ thuật trang trí và kiến trúc cổ. Phát hiện này còn đặc biệt ý nghĩa, bởi hiện không còn một kiến trúc tôn giáo hay dân gian nào thuộc giai đoạn này tồn tại”, ông Tống Trung Tín cho biết.

“Đường” phục dựng đã gần hơn

Khu di sản Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích không chỉ có giá trị quốc gia, dân tộc, mà còn mang trong mình những giá trị nổi bật toàn cầu. Đây là trung tâm chính trị, văn hóa quan trọng của nước ta từ thành Vạn Xuân, phủ thành Tống Bình, phủ thành An Nam, kinh đô của nước Đại Việt qua các thời Lý, Trần, Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng. Thực hiện công tác bảo tồn, phát huy một di sản có tầm vóc thế giới, công tác khảo cổ học được triển khai hằng năm, mang lại những kết quả to lớn trong việc tìm hiểu các giá trị của Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long nói chung; nghiên cứu, khôi phục chính điện Kính Thiên nói riêng.

Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang, kể từ đợt nghiên cứu khảo cổ học năm 2011, đến nay đã tiến hành khai quật khoảng 8.300m2 khu vực trung tâm khu di sản, góp phần nhận diện mặt bằng cấu trúc khu vực chính điện Kính Thiên, phục vụ triển khai Đề án nghiên cứu khôi phục không gian chính điện Kính Thiên tại Di sản văn hóa thế giới khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

“Cũng từ kết quả khai quật khảo cổ học, trong những năm gần đây, các nhà khoa học trẻ đã tiến hành nghiên cứu, diễn giải, ứng dụng công nghệ vào nghiên cứu phục dựng, giúp truyền tải kết quả nghiên cứu đến công chúng một cách đầy đủ, dễ tiếp cận. Việc phỏng dựng mô hình kiến trúc chính điện Kính Thiên trên nền tảng công nghệ trước khi triển khai xây dựng ngoài đời thực là giải pháp được rất nhiều nhà khoa học ủng hộ”, ông Nguyễn Thanh Quang cho biết.

Đề cập đến tính khả thi của công tác phục dựng, Tiến sĩ Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho rằng, các đợt khai quật gần đây xuất lộ nhiều hiện vật quý cũng như cung cấp nhiều nhận thức về không gian chính điện Kính Thiên, song hướng phục hồi không chỉ là chuyện kiến trúc công trình, mà còn nhiều vấn đề khác, cần có định hướng rõ rệt. Đơn cử, nội thất cung điện ra sao cũng chưa được đặt ra...

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho biết, cần thành lập bộ phận nghiên cứu về việc khôi phục điện Kính Thiên; tiếp tục thực hiện tốt công tác khai quật khảo cổ; khảo cứu từ các nguồn tư liệu lịch sử trong và ngoài nước để phục vụ hiệu quả công tác phục dựng chính điện Kính Thiên, đáp ứng nguyện vọng, mong mỏi của các nhà khoa học và nhân dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hiện thực hóa phục dựng chính điện Kính Thiên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.