Với 44 cơ chế, chính sách, trong đó có 27 cơ chế dành riêng, thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng cơ hội bứt phá.
Ngày 27-6, Báo Người lao động đã tổ chức hội thảo “Hiện thực hóa Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh”.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Tiến sĩ Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người lao động cho biết, từ ngày 1-8, Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh sẽ có hiệu lực, cho phép thành phố thí điểm những mô hình mới, cách làm mới, tối ưu hóa mọi nguồn lực, tiềm năng để phát triển vượt bậc. Đây là “chìa khóa” quan trọng không chỉ cho thành phố Hồ Chí Minh mà còn thúc đẩy phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như lan tỏa cả nước.
Thông tin thêm về nghị quyết, ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, nghị quyết đã cho thành phố Hồ Chí Minh cơ chế, chính sách đặc thù lớn nhất từ trước đến nay, gồm 44 cơ chế, chính sách. Cụ thể, 7 cơ chế kế thừa từ Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh (Nghị quyết 54); 4 cơ chế đã ban hành cho các địa phương khác; 6 cơ chế đang quá trình trao đổi, thông qua thời gian tới mà thành phố Hồ Chí Minh được đi trước; 27 cơ chế, chính sách chỉ thành phố Hồ Chí Minh mới có.
“Điều đặc biệt, nghị quyết được sự đồng thuận rất cao từ đại biểu Quốc hội khi tỷ lệ biểu quyết tán thành đạt hơn 97%”, ông Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, đây là nghị quyết hợp lòng dân. Thực tiễn triển khai thực hiện nghị quyết này là nền tảng để Quốc hội xây dựng Luật Đô thị đặc biệt.
Để triển khai thực hiện nghị quyết, Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, cần tập trung ngay việc phân cấp, phân quyền, xây dựng mô hình “lồng ghép công vụ trung ương - địa phương” rõ trách nhiệm trung ương, địa phương để không còn tình trạng sở hỏi bộ, rồi đi lòng vòng.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, có 4 nhiệm vụ mà thành phố Hồ Chí Minh có thể làm được ngay. Đó là, gỡ các nút thắt về hạ tầng giao thông; phát triển đô thị theo các trục giao thông lớn; cải thiện đời sống cán bộ, công chức từ nguồn thu tăng thêm; đặc biệt, cần mạnh dạn loại bỏ một số việc làm không cần thiết, để xây dựng cách làm mới. Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, không nên dàn trải, cần tập trung vào những thứ có thể làm được từ các nguồn lực sẵn có, nhất là nguồn lực con người.
Tại hội thảo, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, rút ra bài học của Nghị quyết 54 ở khâu tổ chức thực hiện, thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tổ chức thực hiện nghị quyết này một cách chặt chẽ, công khai, minh bạch. Ngay từ đầu, thành phố đã ban hành kế hoạch, bám sát với các cơ quan trung ương, bộ, ngành và từng cơ quan liên quan để xây dựng dự thảo nghị quyết.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đã ban hành kế hoạch, trong đó đề ra những nhiệm vụ cụ thể, sẽ trình 8 tờ trình tới HĐND thành phố về các cơ chế, chính sách; các nội dung cụ thể về TOD (mô hình phát triển theo định hướng kết nối giao thông công cộng), thu hồi đất… Từng quý sẽ có từng nhiệm vụ riêng, quý III-2023 có 11 nhiệm vụ, quý IV-2023 có 34 nhiệm vụ, từng sở, ngành phải triển khai các đầu việc để hoàn thành.
“Hiện thành phố Hồ Chí Minh đang trong quá trình hoàn tất các phần việc để sẵn sàng triển khai các cơ chế cụ thể ngay sau khi nghị quyết có hiệu lực (1-8-2023). Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với thành phố để ban hành các nghị định liên quan nhằm triển khai thực hiện nghị quyết sớm nhất”, bà Lê Thị Huỳnh Mai khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.