(HNM) - Đầu thế kỷ XI, kinh thành Thăng Long đã sinh ra một con người có tài năng đặc biệt. Nhà sử học Phan Huy Chú viết:
Đền Cơ Xá nơi thờ Việt Quốc Công Thái Úy Lý Thường Kiệt. Ảnh: Nguyệt Ánh |
Lý Thường Kiệt (1019-1105) tên thật là Ngô Tuấn, tự là Thường Kiệt. Sau được ban quốc tính họ Lý, bèn lấy tên tự. Theo sử, ông quê ở phường Thái Hòa, thành Thăng Long. Nhưng theo bài văn khắc trên quả chuông chùa Bắc Biên (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) và sách Tây Hồ chí, ông người làng An Xá, thuộc huyện Quảng Đức, ở khu vực phía nam hồ Tây trong thành Thăng Long, còn Thái Hòa là nơi ông ở sau khi cầm quyền chính.
Theo Phả hệ họ Ngô Việt Nam, thân phụ Ngô Tuấn là Ngô An Ngữ, ẩn cư ở Châu Hoan (khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh) ra Thăng Long làm một võ quan nhỏ. Ngô Tuấn mặt mũi khôi ngô, tính tình khiêm nhượng, thuở nhỏ học thầy Lý Công Ẩn ở phường Bái Ẩn (Kẻ Bưởi bây giờ). Được thầy rèn cặp, ông kiêm tài văn võ, khi vào cung được sung chức Hoàng môn chi hậu, theo hầu Lý Thái Tông được thăng đến chức Đô tri Nội sảnh. Đời Lý Thánh Tông, ông được phong Thái bảo, ban tiết việt.
Bấy giờ, nhà Tống chuẩn bị xâm lược nước ta, cắt đặt thành Ung Châu (Nam Ninh, Quảng Tây), các cửa biển Khâm Châu, Liêm Châu (Quảng Đông) và các trại sát biên giới vùng Đông bắc Đại Việt phải sửa soạn. Nhà Tống cũng ra sức mua chuộc các tù trưởng thiểu số vùng biên giới, xúi giục Chiêm Thành quấy rối phía nam. Để rảnh tay chống Tống ở phía bắc, năm 1069, Lý Thánh Tông và Lý Thường Kiệt thân cầm quân đi đánh dẹp, bắt vua Chiêm Thành là Chế Củ. Đối với nhà Tống, Lý Thường Kiệt bàn: “Ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân ra trước để chặn mũi nhọn của giặc”. Ngày 27-10-1075, đạo quân của các tù trưởng thiểu số được chia thành nhiều mũi tiến đánh các trại Tống. Lý Thường Kiệt từ châu Vinh An (Móng Cái, Quảng Ninh) dùng thuyền vượt biển đánh chiếm cửa biển Khâm Châu, Liêm Châu. Khi tiến vào đất Tống, ông cho yết bài Phạt Tống lộ bố văn. Bài văn có đoạn: “Nay bản chức vâng mệnh quốc vương chỉ đường tiến quân lên Bắc, muốn dẹp yên làn sóng yêu nghiệt, chỉ có ý phân biệt quốc thổ, không phân biệt chúng dân”. Sau 42 ngày, ngày 1-3-1076 quân ta chiếm được thành Ung Châu. Lý Thường Kiệt ra lệnh phá thành trì, lấy đá lấp sông để chặn đường vận chuyển lương thảo của địch. Tháng 4-1076, quân ta nhanh chóng rút về nước.
Sau thất bại này, phe chủ chiến của nhà Tống vẫn chưa từ bỏ dã tâm xâm lược nước ta. Tháng 1-1077, 10 vạn bộ binh, 1 vạn ngựa, 20 vạn dân phu do hai viên tướng thiện chiến Quách Quỳ, Triệu Tiết chỉ huy đã tiến vào nước ta theo nhiều đường. Khí đương hăng, địch chọc thủng các tuyến phòng ngự của ta ở biên giới và vùng Giáp Khẩu (Kép, Bắc Ninh) rồi về xuôi nhưng đã bị chặn lại ở phòng tuyến sông Cầu. Thế cuộc đang giằng co, một đêm trên bờ nam sông Cầu, trong đền Thánh Tam Giang vang lên lời thơ:
Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm?
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời!
Quân ta tinh thần phấn chấn, đẩy lui địch về bên kia sông. Trong khi đó, cánh thủy quân địch cũng bị chặn đứng từ ngoài cửa biển. Quách Quỳ ra lệnh đóng bè vượt sông, tiến binh lần thứ hai. Chờ cho bè giặc đến giữa sông, Lý Thường Kiệt lại cho quân ra đánh. Hầu hết quân địch bị tiêu diệt hoặc đầu hàng.
Hơn một tháng trời, địch bị hãm tại phòng tuyến sông Cầu. Nắm chắc thời cơ, Lý Thường Kiệt cho biện sĩ sang sông lấy điều lợi hại khuyên răn. Sức cùng lực kiệt, tháng 3-1077, quân Tống rút chạy. Quân Tống rút đến đâu, Lý Thường Kiệt cho quân thu lại đất đai đến đó. Đấy là các châu Quang Lang, Môn, Tô Mậu, Tư Lang. Riêng châu Quảng Nguyên (Cao Bằng), nhà Tống định chiếm nhưng rồi phải trả lại năm 1079.
Nhà Tống đã hao tổn hơn 5 triệu lạng vàng, quân còn được hai phần. Năm 1164, nhà Tống phải công nhận Đại Việt là một quốc gia độc lập và trong khoảng 200 năm, không dám quấy nhiễu.
Tháng Sáu năm Ất Dậu (1105), Lý Thường Kiệt qua đời, thọ 86 tuổi. Vua truy tặng Nhập nội điện Đô tri Kiểm hiệu Thái úy Bình chương Quân quốc trọng sự Việt Quốc công, cho thực ấp một vạn hộ. Trên đất Hà Nội, có nhiều nơi thờ Lý Thường Kiệt: đền Thiên Tiên ở phố Hàng Bông, đền Cơ Xá ở phố Nguyễn Huy Tự... Tại phía nam nội thành Hà Nội, trên đất làng Nam Đồng, thuộc phường Thịnh Quang đời Lê, có ngôi đình thờ Việt Quốc công. Vốn hơn 900 năm trước, Nam Đồng còn hoang vu, Lý Thường Kiệt đã dùng đất này để luyện quân. Sau khi ông qua đời, dân làng nhớ ơn đã dựng đình thờ, quy mô khá lớn. Tòa đại đình 5 gian bộ khung toàn bằng gỗ lim, treo câu đối của Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền ca ngợi Lý Thường Kiệt và quả chuông đúc năm Chính Hòa (1687) với bài minh khắc trên chuông xác định quê hương ông. Tả vu đình có phòng trưng bày ảnh giới thiệu công danh của Lý Thường Kiệt. Tại đây, cùng với bài thơ “Nam quốc sơn hà”, còn có bảng chữ trích bốn câu trong diễn ca Lịch sử nước ta và ký họa của Hồ Chủ tịch viết về người anh hùng dân tộc:
Lý Thường Kiệt là hiền thần
Đuổi quân nhà Tống phá quân Chiêm Thành
Tuổi cao phỉ chí công danh
Mà lòng yêu nước trung thành không phai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.