Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiển hiện nguy cơ giảm năng suất lúa

Thúy Nga| 03/03/2015 07:19

(HNM) - Trước diễn biến thời tiết vụ đông xuân 2015 ấm hơn cùng kỳ mọi năm, các chuyên gia dự báo có thể làm giảm năng suất trên diện tích lúa gieo cấy sớm.


Theo đó, nông dân cần chủ động thực hiện các biện pháp chăm sóc kịp thời, điều tiết để lúa trỗ bông từ ngày 5-5 đến 10-5-2015. Đây là những khuyến cáo được đưa ra tại hội nghị "Bàn giải pháp chăm sóc lúa vụ đông xuân 2014-2015 trong điều kiện thời tiết ấm tại các tỉnh phía Bắc" diễn ra ngày 2-3 do Bộ NN&PTNT tổ chức.

Năng suất khó đạt cao

Đến thời điểm này, tại các tỉnh phía Bắc (từ Nghệ An trở ra) cơ bản hoàn thành gieo cấy lúa xuân với tổng diện tích 1,14 triệu héc ta. Số diện tích còn lại chưa cấy ở các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn… sẽ hoàn thành gieo cấy trước ngày 10-3.

Nông dân huyện Ba Vì cấy lúa vụ xuân. Ảnh: Yến Ngọc



Ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, về cơ bản, các diện tích trà lúa xuân muộn, sử dụng giống ngắn ngày có thể yên tâm về năng suất trong điều kiện thời tiết ấm, chỉ lo ngại đối với các địa phương có diện tích sử dụng giống dài ngày và gieo cấy sớm. Qua tổng hợp, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng đã gieo cấy 530.000ha, đạt 96% kế hoạch, trong đó 17.000ha lúa xuân sớm tập trung tại các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh và TP Hải Phòng; 3.000ha gieo cấy trước ngày 15-1 bằng giống nhóm xuân sớm. Trong 509.000ha lúa đã gieo cấy trà xuân muộn có khoảng 14.000ha gieo cấy trước ngày 4-2. Đây là diện tích rất dễ chịu ảnh hưởng của thời tiết ấm, có nguy cơ trổ sớm và có thể gặp rét "nàng Bân" khi lúa phân hóa đòng và trổ.

Về bối cảnh sản xuất vụ đông xuân 2014-2015, nhiều ý kiến cho rằng, việc thay đổi giống lúa để đối phó với tình hình thời tiết ấm, nhất là giống dài ngày chiếm tỷ lệ thấp, giống ngắn ngày chiếm tỷ lệ khá cao. Cùng với đó, kỹ thuật canh tác, sử dụng phân bón có nhiều tiến bộ, nguồn nước bảo đảm hợp lý, phần lớn lúa sẽ trổ bông tập trung vào đầu tháng 5 với vùng Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ xung quanh ngày 25-4 và Trung du miền núi phía Bắc vào ngày 30-4, vẫn nằm trong ngưỡng có tần suất an toàn nhưng cũng khó đạt được ngưỡng năng suất tối đa. Một bộ phận diện tích gieo cấy sớm ở các tỉnh có nguy cơ sụt giảm năng suất lớn do phân hóa và trổ đòng vào thời điểm gặp rét “nàng Bân”.

Kinh nghiệm những năm tiết trời ấm sẽ có nhiều vấn đề đáng lo ngại làm giảm năng suất lúa. Đơn cử như vụ đông xuân năm 1986 - 1987 với thời tiết nồm ấm, năng suất lúa vùng Đồng bằng sông Hồng chỉ đạt 22,2 tạ/ha; vụ đông xuân 1990-1991, năng suất lúa đạt 17,9 tạ/ha, giảm 18,4 tạ so với niên vụ 1989-1990 và giảm 22,6 tạ so với vụ đông xuân 1991-1992. Gần đây nhất, vụ đông xuân 2006-2007, năng suất lúa vùng Đồng bằng sông Hồng đạt 57,3 tạ/ha, giảm 6 tạ/ha so với vụ đông xuân 2005-2006 và giảm 6,4 tạ so với niên vụ 2007-2008.

Thực hiện biện pháp chăm bón hợp lý

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, ngay từ đầu vụ, Cục Trồng trọt đã xác định thời tiết vụ lúa xuân năm nay sẽ ấm hơn mọi năm. Cụ thể, tổng tích ôn 3 tháng đầu vụ (tháng 12-2014, tháng 1 và 2-2015) đo tại Trạm khí tượng Hà Đông (Hà Nội) cao hơn trung bình nhiều năm, cận kề ngưỡng quá ấm. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn trung ương, thời gian tới còn một số đợt rét, nhưng ít có khả năng rét đậm và nhiệt độ bình quân vẫn cao hơn trung bình nhiều năm; mưa có xu hướng xuất hiện chưa nhiều nên vẫn còn có khả năng khô hạn và thiếu nước cục bộ ở các tỉnh vùng núi phía Bắc và Bắc Trung bộ. Trước diễn biến của thời tiết, nhiều địa phương trong đó có Hà Nội đã chủ động điều chỉnh cơ cấu thời vụ hợp lý, chỉ đạo tập trung gieo cấy vào những ngày cuối tháng 2. Tuy nhiên, ở một số tỉnh, nông dân vẫn sử dụng giống lúa dài ngày, gieo mạ giữa tháng 12-2014, cấy từ ngày 25-1 đến 30-1-2015 trước tiết lập xuân. Tuy nhiên, diện tích này không nhiều, chủ yếu ở chân ruộng trũng, chạy lũ tiểu mãn…

Để hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương khẩn trương kiểm tra, đánh giá mức độ sinh trưởng của lúa, phân loại các trà lúa, giống lúa có nguy cơ kết thúc sinh trưởng sớm, khả năng trổ bông vào tuần 2, đầu tuần 3 tháng 4 dương lịch. Tập trung hướng dẫn nông dân điều tiết nước trên mặt ruộng, tạo điều kiện tối đa cho lúa đẻ nhánh; tăng bón lượng đạm cao hơn 10-15% so với các chân ruộng khác; thay vì bón tập trung "nặng đầu, nhẹ cuối" như bình thường, khuyến cáo nông dân bón rải làm 2-3 đợt nhằm kéo dài thời gian lúa đẻ nhánh; theo dõi chặt chẽ diễn biến sâu bệnh hại, nhất là bệnh đạo ôn để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Còn nhóm giống lúa lai, lúa ngắn ngày cấy sau Tết Nguyên đán, cần khẩn trương gieo cấy xong trước ngày 10-3, không cấy mạ quá tuổi; theo dõi chặt chẽ sâu bệnh hại để kịp thời phòng trừ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiển hiện nguy cơ giảm năng suất lúa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.