Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiện đại hóa y học cổ truyền: Xu hướng tất yếu

Đức Trung| 07/02/2011 07:01

(HNM) - Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay, khoảng 30% số bệnh nhân trong cả nước được khám và điều trị bằng y học cổ truyền (YHCT), nhất là người bệnh ở vùng sâu, vùng xa, nơi còn nhiều khó khăn.

YHCT đã và đang góp phần không nhỏ cùng y học hiện đại đẩy lùi nhiều bệnh tật, cứu sống hàng nghìn người bệnh. Tuy nhiên, YHCT cũng cần phải được hiện đại hóa, để đáp ứng yêu cầu của người bệnh và cũng là để tự phát triển.

Nhĩ châm điều trị rối loạn nhịp tim cho bệnh nhân tại Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Nội. Ảnh: Hữu Oai

Có ưu thế nhưng chưa vượt trội

Ưu thế của YHCT là điều trị có hiệu quả nhiều nhóm bệnh nguy hiểm và phức tạp như: phong tê thấp, bệnh về tiêu hóa, tiết niệu, hư nhược cơ thể, bệnh về hô hấp, phụ khoa, nhi khoa và một số bệnh mạn tính mà lại không gây tác dụng phụ, trong đó các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc chiếm tới 30%, điển hình là châm cứu, xoa bóp, dưỡng sinh… Tỷ lệ bệnh nhân khỏi bệnh đạt hơn 70%. Các phòng chẩn trị YHCT ngày càng thu hút nhiều người đến khám và điều trị. Tại Hà Nội, có tới 1/10 dân số tìm đến đông y. Điều này khẳng định, YHCT còn có vai trò hết sức quan trọng trong việc giảm gánh nặng cho các bệnh viện.

Để có được những bài thuốc chữa bệnh hiệu quả, nhiều lương y đã cống hiến cả đời mình để nghiên cứu, sưu tầm, tìm hiểu về thuốc. Những bài thuốc đông y giá trị chữa ban sởi, viêm xoang, bệnh về gan, giải độc rắn cắn, bệnh lỵ, thống kinh, trĩ... của lương y lớp trước được nhiều người biết đến và đang được lớp hậu duệ học hỏi, tiếp tục phát huy. Tại Bệnh viện YHCT TƯ, nhiều bài thuốc, phương pháp chữa bệnh đã được nghiên cứu, áp dụng thành công như cách điều trị vết thương phần mềm của lương y Lê Đức Long, chữa bệnh khớp của lương y Tống Trần Luân, chữa các bệnh cho phụ nữ, trẻ em của lương y Nguyễn Thiên Tích, phương pháp luyện tập dưỡng sinh của bác sỹ Nguyễn Văn Hưởng...

Mặc dù đã có chỗ đứng xứng đáng trong nền y học nhưng theo nhiều lương y thì nhìn chung, YHCT chưa phát triển xứng tầm. Đầu tư cho YHCT còn rất hạn chế. Việc đào tạo nhân lực vẫn yếu và thiếu (kể cả trong các viện và bệnh viện). Hiện hơn 55% thầy thuốc YHCT là các lương y, số có trình độ tiến sỹ, bác sỹ chuyên khoa cấp 1-2 về YHCT rất ít. Điều dễ thấy là các bác sỹ Đông y đều nhanh chóng hoàn thành công việc ở bệnh viên để về phòng mạch bốc thuốc, kê đơn. Mải chạy theo phần việc ở phòng mạch, tận dụng triệt để các bài thuốc cổ truyền, các thầy thuốc ít đầu tư nghiên cứu phương pháp điều trị hay bài thuốc mới. Trong khi đó, nước ta chưa có chính sách cụ thể về quy hoạch các khu trồng dược liệu, việc sản xuất thuốc chủ yếu được thực hiện với quy mô hộ gia đình, theo hướng gia truyền nên chất lượng chưa cao.

Hiện đại hóa YHCT

Tại hội nghị dược học cổ truyền của các nước ASEAN vào cuối năm ngoái, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã khẳng định: "Chính phủ Việt Nam quan tâm tới việc phát triển y dược học cổ truyền và có nhiều chính sách nghiên cứu ứng dụng YHCT với y học hiện đại, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân". Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu, nước ta đã thực hiện lồng ghép YHCT vào mạng lưới y tế quốc gia với 90% bệnh viện đa khoa hiện đại có khoa YHCT, hơn 70% trạm y tế xã, phường, thị trấn có hoạt động khám bệnh bằng YHCT và có vườn thuốc nam. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, nền y học cổ truyền và hiện đại vẫn phát triển theo kiểu "đường ai nấy đi" chứ chưa thể tìm ra tiếng nói chung. Nhiều ý kiến cho rằng, hiện đại hóa YHCT có lẽ khả thi hơn việc kết hợp YHCT với y học hiện đại. Có lẽ vì thế, trong "Kế hoạch hành động của Chính phủ về phát triển y dược học cổ truyền Việt Nam đến năm 2020", một trong những mục tiêu được đề ra là đầu tư trang thiết bị hiện đại cho 100% bệnh viện YHCT phục vụ chẩn đoán và điều trị vào năm 2015.

Hiện đại hóa YHCT là ứng dụng những thành tựu về lý luận, lẫn những phương pháp nghiên cứu tiên tiến nhất của khoa học hiện đại (bao gồm cả y học hiện đại) vào YHCT. Mục đích của quá trình này nhằm nâng cao tính khoa học, tính hiện đại của YHCT, nhưng không làm mất đi đặc điểm riêng của YHCT. Đây là một xu thế tất yếu của YHCT và là yêu cầu quan trọng để phát triển y học nói chung. Thực tế đã chứng minh, khi ứng dụng những thành tựu này vào lý luận cơ sở và điều trị lâm sàng đều cho kết quả đáng mừng. Điển hình như trong vài năm gần đây, một số viện, bệnh viện YHCT đã dùng máy tính trong nghiên cứu mạch học, dùng vi điện tử để nghiên cứu cơ chế châm cứu, dùng những định hình quang để nghiên cứu sự thay đổi tế bào miễn dịch… mang lại hiệu quả điều trị cao.

Để tiếp tục phát huy thành tựu cũng như ưu thế của YHCT, giai đoạn 2010-2011, Bộ Y tế sẽ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt 7 đề án: xây mới, nâng cấp và đầu tư trang thiết bị y tế cho các bệnh viện YHCT; thành lập cơ quan quản lý nhà nước về YHCT và tổ chức quản lý nhà nước về YHCT thuộc Sở Y tế; mở mã ngành đào tạo đối với đội ngũ lương y và lương dược; xây dựng ngạch viên chức đối với đội ngũ lương y, lương dược; xây dựng hệ thống cung ứng và quản lý chất lượng dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu; nâng cao năng lực đào tạo nhân lực ngành YHCT.

Hiện cả nước có 5 viện nghiên cứu, 46 bệnh viện YHCT cấp tỉnh; 80% bệnh viện có khoa hoặc tổ YHCT; 30% trạm y tế xã có hoạt động khám, chữa bệnh bằng YHCT; hơn 10.000 cơ sở y - dược học cổ truyền tư nhân. 12 nghìn lương y đã tập hợp được 40 nghìn phương thuốc kinh nghiệm. 450 cơ sở, xí nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc YHCT đã sản xuất trên 2.000 chế phẩm thuốc YHCT.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hiện đại hóa y học cổ truyền: Xu hướng tất yếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.