(HNM) - Thời gian qua, Bộ Tài chính, đặc biệt là Tổng cục Thuế đã thực hiện nhiều giải pháp quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, trong đó không thể không kể đến là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nhờ đó số thu thuế từ lĩnh vực này bước đầu đạt kết quả khả quan. Cùng với các giải pháp khác, cơ quan quản lý tiếp tục hiện đại hóa quản lý thuế đối với lĩnh vực này nhằm chống thất thu thuế trong thời gian tới.
Năm sau thu cao hơn năm trước
Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, số thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay từ năm 2018 đến nay đạt 5.588 tỷ đồng. Số thu này có xu hướng tăng qua các năm, bình quân 3 năm (2018-2021) là 130%, đặc biệt tăng cao trong năm 2021. Số thu năm 2021 đạt 1.591 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2020. Một số nhà cung cấp nước ngoài được khai thuế, nộp thuế thay với số thu lớn như: Facebook (2.099 tỷ đồng); Google (2.114,6 tỷ đồng); Microsoft (714 tỷ đồng)…
Đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, cung cấp dịch vụ số, tính đến hết tháng 8-2022, cơ quan thuế đã thu từ xử lý vi phạm, chống thất thu khoảng 1.082 tỷ đồng.
Có được kết quả trên, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp, như: Trên cơ sở Đề án quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, bộ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các cuộc thi, hội nghị, hội thảo về vấn đề này. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã ký kết thỏa thuận phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông; làm việc với Bộ Công an đề xuất kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý thuế. Bộ Tài chính cũng đẩy mạnh việc rà soát, hoàn thiện xây dựng chính sách pháp luật có liên quan để bảo đảm căn cứ pháp lý thống nhất trong quản lý đối với hoạt động thương mại điện tử. Đặc biệt, tháng 3-2022, Bộ đã khai trương Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp ở nước ngoài (Etaxvn. gdt.gov.vn).
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh thông tin, Việt Nam là một trong 4 nước đi đầu trong khu vực Đông Nam Á áp dụng thu thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài thông qua cổng thông tin điện tử trực tuyến. Theo số liệu từ Tổng cục Thuế, đến ngày 25-10-2022, 37 nhà cung cấp nước ngoài đã đăng ký, kê khai và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài.
Mặc dù kết quả ban đầu đạt được là khá tích cực, song theo Bộ Tài chính, quản lý thuế hoạt động kinh doanh thương mại còn nhiều khó khăn. Đó là việc xác định căn cứ tính thuế; phân biệt loại thu nhập làm cơ sở đánh thuế; khó kiểm soát giao dịch kinh doanh; khó kiểm soát dòng tiền, nhất là khi hệ thống thanh toán theo hình thức COD (trả tiền mặt khi giao hàng) được áp dụng phổ biến hơn các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Xây dựng hệ thống quản lý thuế thông minh
Theo PGS.TS Lê Xuân Trường, Trưởng Khoa thuế - Hải quan (Học viện Tài chính), cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó, từng bước triển khai xây dựng phần mềm dò tìm tự động để phát hiện các giao dịch đáng ngờ trên internet, làm cơ sở yêu cầu người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ, hoặc kiểm tra, ấn định thuế. Cùng với đó là phát triển hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ việc kê khai, tính thuế, nộp thuế điện tử thuận tiện nhất; ứng dụng các công nghệ hiện đại để phát hiện dấu hiệu vận chuyển hàng hóa trong mô hình thương mại điện tử thanh toán tiền mặt. Về lâu dài, cần phát triển hệ thống tính thuế tự động gắn với không gian và thời gian thực của giao dịch trong nền kinh tế số.
Về vấn đề trên, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục hiện đại hóa quản lý thuế; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, kết nối, lưu trữ thông tin để hỗ trợ người nộp thuế theo hình thức điện tử. Đặc biệt, chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro đối với thương mại điện tử; áp dụng trí tuệ nhận tạo (AI) để xử lý dữ liệu, đưa ra các cảnh báo đối với trường hợp vượt ngưỡng rủi ro và đề xuất các biện pháp quản lý thuế theo rủi ro đối với hoạt động thương mại điện tử.
Ngành Thuế xây dựng hệ thống quản lý thuế thông minh, đáp ứng khả năng kết nối dữ liệu với các cơ quan quản lý nhà nước, tích hợp thông tin, xử lý dữ liệu lớn, hoạt động 24/7, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế.
Đáng chú ý, để tạo điều kiện cho các sàn thương mại điện tử trong việc khai thuế và cung cấp thông tin cho cơ quan thuế, Bộ Tài chính đã phê duyệt chủ trương xây dựng Cổng dữ liệu thông tin thương mại điện tử để tiếp nhận dữ liệu từ các sàn giao dịch thương mại điện tử. Trong tháng 9-2022, Bộ Tài chính đã xây dựng thành phần dữ liệu, phương thức kết nối giữa sàn thương mại điện tử và hệ thống của Tổng cục Thuế. Dự kiến trong tháng 11 này, hoàn thành việc xây dựng Cổng dữ liệu thông tin thương mại điện tử, thí điểm với 3 sàn thương mại điện tử và sẽ triển khai chính thức từ tháng 1-2023.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.