(HNM) -
Hiểm họa chực chờ
Mới đây, trên đường đón con đi học về, khi lưu thông đến đường Nguyễn Trãi, chị Lê Thị Thành (ngụ quận 6) "chết sững" khi một cây xanh lớn đổ sập xuống đường, chỉ cách hai mẹ con khoảng 20m. "Nếu tôi đi nhanh chút nữa thì… Mẹ con tôi có phen hú vía! Mong cơ quan chức năng làm sao để mỗi lần ra đường trong mùa mưa này, người dân không phải bất an như hiện nay" - chị Thành lo lắng.
Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh thành phố (gọi tắt là Công ty Cây xanh), chỉ vài ngày qua, hàng chục cây xanh trên địa bàn thành phố bị gãy đổ và bật gốc sau những cơn mưa lớn đầu mùa, đặc biệt ngày 28-5 có 10 cây đổ, làm hư hại 4 xe ô tô, 1 xe máy và 1 bảng quảng cáo.
Theo cơ quan chức năng, hằng năm, ngân sách thành phố chi hơn 300 tỷ đồng cho công tác chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh thuần chủng trong danh mục do UBND thành phố ban hành và giao Công ty Cây xanh quản lý, thực hiện. Hiện Công ty Cây xanh đang duy tu chăm sóc hơn 90.000 cây xanh với hơn 100 chủng loại trên 1.200 tuyến đường, các khu dân cư và một số công viên. Số cây thuần chủng được bảo dưỡng chỉ chiếm khoảng 10%, còn 90% cây xanh được trồng tự phát.
Lãnh đạo công ty cho hay, chỉ một phần nhỏ cây gãy đổ do công ty quản lý là những cây có tuổi đời cao, rễ và bên trong thân cây có hiện tượng mục, không ăn sâu vào lòng đất nên nguy cơ đổ cao. Còn lại, phần lớn là cây do dân trồng tự phát, nằm ngoài danh mục của thành phố, có các đặc điểm như có gai, mủ độc, rễ ăn ngang ảnh hưởng công trình, dễ gãy đổ, gãy nhánh…
Không thể… kệ dân
Thực tế, ngay cả cây xanh do công ty này chăm sóc cũng gãy đổ. Theo giải thích của công ty này, vì không có thiết bị hiện đại nên lâu nay ngành chức năng quan sát bằng… mắt thường và kinh nghiệm để phát hiện cây bị mục, thối rễ mà tiến hành cưa cắt tỉa thưa… tránh nguy cơ bị gãy đổ. Và như vậy, mùa mưa này, việc tránh hiểm họa "từ trên trời" của người đi đường phụ thuộc vào… may rủi. Đó là chưa nói, nếu cứng nhắc quan điểm chỉ chăm sóc, rà soát cây xanh do đơn vị quản lý thì tính mạng, tài sản của người đi đường càng chịu nhiều rủi ro hơn bởi có đến 90% cây xanh hiện tồn tại ở thành phố ngoài… danh mục.
Trước thực trạng này, Ban quản lý Công ty Cây xanh cho biết, thời gian tới, ngoài việc tăng cường công tác tuần tra phát hiện, ngăn ngừa và xử lý kịp thời các trường hợp cây xanh có nguy cơ bị gãy đổ, công ty sẽ thành lập tổ kiểm tra kỹ thuật hoạt động liên tục; có kế hoạch hạ thấp chiều cao đối với cây có rễ ăn ngang, cành nhánh giòn, dễ bật gốc; tỉa thưa vòm tán đối với những cây nặng tán… nhằm hạn chế gãy đổ cây xanh trong mùa mưa. Đặc biệt, công ty đang xin chủ trương UBND thành phố cho mua bảo hiểm công cộng cây xanh đô thị…
Theo TS Phạm Sanh, nguyên giảng viên ĐH Bách khoa thành phố, mảng cây xanh là mảng công ích, không nên phân biệt trong hay ngoài danh mục. Vấn đề, hằng năm cứ vào mùa mưa hàng loạt cây lại tiếp tục đổ xuống dù được duy tu bảo dưỡng cho thấy chưa có một đơn vị chuyên môn "đúng nghĩa" đảm trách. "Để khắc phục tình trạng này, thành phố cần thành lập một đơn vị chuyên môn độc lập về công tác bảo trì, bảo dưỡng cây xanh và xây dựng bộ tiêu chí đầy đủ để khắc phục tình trạng trên" - Tiến sĩ Sanh đóng góp.
Đặc biệt, theo ông Sanh, các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào liên quan rủi ro do cây xanh gãy đổ gây ra, nên chưa có một phương án khoa học nào để ngăn chặn chủ động. Ngược lại, ở các nước tiên tiến trên thế giới, việc làm này được thực hiện bằng các biện pháp rất hiện đại và mang tính khoa học cao, trong đó phương pháp siêu âm cây xanh rất hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.