Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiểm họa không chờ dự án

Minh Quỳnh| 18/08/2010 07:35

Theo thống kê của Ban An toàn giao thông TP Hồ Chí Minh, tuyến đường sắt Bắc-Nam đoạn qua địa bàn thành phố dài khoảng 15km có khá nhiều điểm nóng về vi phạm hành lang an toàn giao thông. Đây chính là những nguy cơ gây ra tai nạn đe dọa đến an toàn của các đoàn tàu.

(HNM) - Theo thống kê của Ban An toàn giao thông TP Hồ Chí Minh, tuyến đường sắt Bắc-Nam đoạn qua địa bàn thành phố dài khoảng 15km có khá nhiều điểm nóng về vi phạm hành lang an toàn giao thông. Đây chính là những nguy cơ gây ra tai nạn đe dọa đến an toàn của các đoàn tàu.

Nguy hiểm luôn chực chờ ở những đường ngang như thế này. Trong ảnh: Đường sắt cắt ngang đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức.


Tùy tiện hay liều lĩnh
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, trên tuyến đường sắt cả nước có gần 6.000 đường ngang, trong đó có trên 1.450 đường ngang hợp pháp và trên 4.500 đường ngang do người dân tự mở. Không kể sự nguy hiểm trên đường ngang tự phát, có đến 92% số đường ngang hợp pháp vẫn chưa bảo đảm an toàn! Đây chính là mối nguy cơ tiềm ẩn hằng ngày, hằng giờ; bởi có đến 90% số vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra tại đường ngang.

Tại TP Hồ Chí Minh, tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua 5 quận là Thủ Đức, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận và quận 3. Dọc theo tuyến đường này có gần 30 đường ngang dân sinh và hàng loạt đường ngang do dân tự ý mở. Nhiều năm qua, các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp bảo đảm ATGT tại các điểm giao cắt này như sửa chữa, bổ sung biển báo, lắp đặt gác chắn…; tuy nhiên đến nay vẫn còn hàng chục đường ngang dân sinh chỉ có chuông và đèn báo hiệu; trong đó nhiều vị trí có lượng người tập trung khá cao, như tại hẻm 229 Thích Quảng Đức (cổng chùa Pháp Hoa, quận Phú Nhuận). Tại những vị trí này, người dân tùy tiện qua lại, không những gây mất an toàn cho chính họ mà còn đe dọa đến an toàn của đoàn tàu.

Để hạn chế tai nạn giao thông đường sắt, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng khoảng 9,7km hàng rào phân cách giữa đường sắt và khu vực nhà dân lấn chiếm. Nhưng chừng đó vẫn chưa đủ để làm giảm tai nạn giao thông. "Rất nhiều trường hợp, mặc dù nhân viên ngành đường sắt kéo barie không cho băng ngang đường do đoàn tàu sắp đến nhưng nhiều người vẫn liều lĩnh chui qua barie. Có người canh gác, có rào chắn mà còn vậy thì nói gì đến những điểm giao cắt chỉ có đèn báo và chuông!", ông Âu Dương Kim, chuyên viên Ban ATGT TP nói.

Chờ dự án
Cũng theo Ban ATGT TP Hồ Chí Minh, việc bùng phát đường ngang dân sinh ở là do tốc độ đô thị hóa cao. Việc nhà dân "ôm" theo đường sắt đã làm phát sinh nhu cầu đi lại, băng ngang đường sắt, bất kể nơi đó đã được dựng rào chắn. Ngành đường sắt đã đề xuất làm hầm chui hoặc cầu vượt tại một số đường ngang nhưng không được chấp nhận vì đã có quy hoạch đường sắt trên cao từ Bình Triệu về ga Sài Gòn.

Bộ GTVT đã đưa ra lộ trình chậm nhất đến năm 2012 sẽ xóa bỏ khoảng 4.000 đường ngang bất hợp pháp nhằm giảm tối đa tai nạn giao thông đường sắt. TP Hồ Chí Minh là một trong những địa bàn được yêu cầu lập quy hoạch tổng thể các vị trí giao cắt giữa đường bộ, đường sắt; cưỡng chế, giải tỏa hành lang an toàn đường sắt và các công trình làm mất ATGT đường sắt; xây dựng các tường rào bảo vệ, lập đường gom rào cách ly an toàn… Ông Âu Dương Kim cho biết, trong thời gian qua, ngành đường sắt và các cơ quan chức năng của thành phố đã phối hợp thực hiện Kế hoạch 1856/2007 của Thủ tướng Chính phủ, thống kê, lên kế hoạch giải tỏa những công trình, nhà dân nằm trong hành lang an toàn đường sắt. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí bồi thường nên việc giải tỏa, lập lại hành lang an toàn đường sắt vẫn giậm chân tại chỗ! Có địa phương, như quận Phú Nhuận kiến nghị tạm thời giữ nguyên hiện trạng, đồng thời ngăn chặn tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn và việc giải tỏa sẽ được thực hiện khi có sự kết hợp với các dự án chỉnh trang đô thị hoặc những dự án khác.

Khi thời gian di chuyển ga Sài Gòn ra Bình Triệu và làm đường sắt trên cao là câu hỏi còn để ngỏ thì lắp đặt gác chắn, tổ chức người gác sẽ là giải pháp hiệu quả nhất ngăn ngừa tai nạn. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần có biện pháp xử lý nghiêm các vi phạm an toàn đường sắt, vượt đường ngang khi đã có tín hiệu của tàu hỏa... nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành quy định của luật giao thông để hạn chế thấp nhất tai nạn và bảo đảm an toàn cho đoàn tàu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hiểm họa không chờ dự án

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.