(HNM) - Liên minh Châu Âu (EU) vừa quyết định chính thức đưa Phong trào Hồi giáo Hezbollah ở Lebanon vào danh sách các tổ chức khủng bố.
Động thái của EU được thực hiện sau khi tổ chức Hồi giáo này liên tục bị cáo buộc liên quan đến các vụ tấn công vào thường dân, trong đó có vụ đánh bom chiếc xe buýt chở đoàn khách du lịch Israel ở Bulgaria năm 2012 làm 5 người Do Thái thiệt mạng. Với quyết định này, EU sẽ áp đặt lệnh cấm thị thực với các cá nhân và phong tỏa tài sản của các tổ chức có liên quan tới Hezbollah.
Ngoại trưởng Anh Hague (phải) ủng hộ việc đưa Hezbollah vào danh sách khủng bố (Ảnh: AP) |
Hezbollah, theo tiếng Arab có nghĩa là "Đảng của Thượng đế", là một tổ chức chính trị, vũ trang của người Lebanon theo đạo Hồi dòng Shiite. Nhóm này được thành lập vào năm 1982 nhằm phản ứng trước sự kiện Israel xâm lược Lebanon để đẩy Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) của cố Tổng thống Yasser Arafat ra khỏi Lebanon. Hezbollah được thành lập từ sự hợp nhất 3 tổ chức dân quân của người Hồi giáo dòng Shiite tại Lebanon là Phong trào Hồi giáo Amal, tổ chức Daw'ah và tổ chức Ulema. Đứng đầu tổ chức dân sự của Hezbollah là Hội đồng Jihad. Jihad sáng lập và quản lý các hội từ thiện bao gồm: Hội El-Jarih, giúp đỡ các thương binh trong cuộc chiến tranh chống Israel tái hội nhập xã hội sau khi được chữa bệnh và dạy nghề; Hội El-Shahid lo việc trợ cấp gia đình liệt sĩ và tù binh chiến tranh.
Tại Lebanon, Hezbollah có tiếng nói quan trọng. Sau hơn 30 năm thành lập, phong trào này không chỉ là thực thể chính trị hiện diện hợp pháp, được công nhận mà hiện còn là thành phần chính trị quyền lực nhất tại Lebanon, đồng thời là lực lượng vũ trang hùng mạnh nhất ở quốc gia Trung Đông này. Hiện nay, Hezbollah chiếm 10 trong tổng số 30 ghế ở nội các và có ảnh hưởng chính trị rộng lớn không chỉ riêng ở Lebanon mà còn cả khu vực Trung Đông. Phong trào bị Mỹ đưa vào danh sách đen từ năm 1995 là một đồng minh của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad và được chính quyền Iran ủng hộ. Đa số các chuyên gia và quan sát viên quốc tế nhìn nhận rằng Hezbollah là một tổ chức đa dạng chứ không chỉ đóng khung vào các hoạt động quân sự như Hamas ở Dải Gaza. Nhiều việc làm của các tổ chức dân sự thuộc Hezbollah khiến người dân Lebanon, nhất là tầng lớp nghèo khó, coi họ là ân nhân. Trong suốt thời gian qua, Hezbollah đã xây dựng một mạng lưới trường học, bệnh viện, nhà ở cho người nghèo, thu phí rất thấp. Về mặt chính trị, tuy chống Israel và Mỹ nhưng Hezbollah cũng lên án mạnh mẽ vụ tấn công nước Mỹ ngày 11-9-2001 và những vụ chặt đầu con tin của những tổ chức nổi dậy ở Iraq. Hezbollah đồng thời tuyên bố không có liên hệ với trùm khủng bố Osama Bin Laden và tổ chức Al-Qaeda như Mỹ - Israel cáo buộc vì khác hệ tư tưởng (Al-Qaeda do dòng Sunni phái Wahabb lãnh đạo trong khi Hezbollah theo dòng Shiite).
Thế nhưng, với Mỹ cũng như các cường quốc phương Tây và Israel, Hezbollah được xem như là một tổ chức khủng bố quốc tế cần phải xóa sổ. Đối với Washington, Hezbollah là tác giả của một làn sóng khủng bố ở Trung Đông trong thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Nổi bật là vụ tấn công bằng bom xe ở thủ đô Beirut (Lebanon), ngày 23-10-1983, khiến 248 lính Mỹ đánh bộ và 58 lính Pháp thiệt mạng. Trước đó vào tháng 4-1983, tòa Đại sứ Mỹ ở Beirut bị đánh bom làm 63 người chết. Tháng 9-1984, tòa đại sứ này lại bị đánh bom lần thứ hai, cướp đi sinh mạng của 22 người. Chính phủ Mỹ cũng quy tội Hezbollah thực hiện một loạt vụ bắt cóc người phương Tây từ 1982 đến 1992. Trong số này, nổi cộm có vụ tra tấn và thủ tiêu William Buckley, một trạm trưởng của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) ở Trung Đông và đại tá bộ binh Mỹ William Giggins... Tuy nhiên, Hezbollah đã bác bỏ hoàn toàn những cáo buộc này.
Mặc dù vậy, việc phong trào của thủ lĩnh tinh thần Mohammed Hussein Fadlalah đưa lực lượng tham chiến đến hỗ trợ quân Chính phủ Syria chống lại quân nổi dậy tại khu vực Al-Qusayr và ngoại ô thủ đô Damascus đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của nhiều nước phương Tây. Theo giới phân tích, chính điều này đã khiến cho EU quyết định xếp Hezbollah vào "danh sách khủng bố". Hezbollah đã lên tiếng phản đối quyết định này và cho rằng động thái trên "không phản ánh toàn bộ lợi ích của nhân dân EU và đi ngược với những giá trị cũng như khát vọng ủng hộ nguyên tắc dân chủ và độc lập". Thế nhưng, bước đi của EU đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Israel, quốc gia đã có nhiều nỗ lực trong việc đưa ra các bằng chứng dẫn tới sự cô lập Hezbollah.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.