Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hết tôm, đến cua ghẹ cũng bơm hóa chất

Theo Trí thức & Công luận| 19/07/2016 10:15

Hết tôm giờ đến cua ghẹ chết sẽ được các gian thương gắn lại càng, chân và được tiêm hóa chất để tạo gạch làm tươi đánh lừa người tiêu dùng.


Cua ghẹ chết “hô biến” trở nên căng mẩy, tươi ngon

Mới đây một clip ghi lại cảnh một người phụ nữ dùng một chiếc xi lanh to, bơm một chất lỏng màu nâu vàng vào trong những con cua đã chết. Ngay sau khi được đăng trên mạng xã hội, clip khiến cứ dân mạng dậy sóng bởi hành vi vô nhân tính của những người bán hàng, thu lợi nhuận dựa trên việc tàn phá sức khỏe của cộng đồng.

Mọi người nhanh chóng truy tìm nguồn gốc của clip trên. Kết quả clip này có nguồn gốc từ Trung Quốc và hành vi của người phụ nữ này là "chiêu trò" khá quen thuộc của những người buôn bán hải sản. Những con cua biển sẽ được bơm gạch giả vào mai cua. Chất liệu làm giả gạch cua giả gồm lòng đỏ trứng vịt, pha bột mỳ, trộn với chất bảo quản có thành phần phoóc môn có thể giữ được một số ngày trong mai mà không chảy, không phân hủy, không biến màu.

Sau một quy trình khá kỳ công của các gian thương, toàn bộ số cua ghẹ chết trở nên căng mẩy, mai gồ lên những mảng gạch màu vàng rộm. Khách hàng sẽ không thể ngờ được mới đây thôi, những con cua đó gắn liền với với hình ảnh nhợt nhạt, thậm chí còn bốc mùi khó chịu. Chính vì thế, rất nhiều người tiêu dùng đã bị lừa một cách “ngoạn mục”, và các gian thương thu một món lợi nhuận không hề nhỏ từ cách làm hàng này.


Cua, ghẹ được các gian thương bơm hóa chất đánh lừa người tiêu dùng


Cách đây không lâu, tại các tuyến phố trên Hoàng Minh Giám, Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy), Nguyễn Xiển (Thanh Xuân), Giải Phóng, Đại Từ (Hoàng Mai),... (Hà Nội), những hàng cua, ghẹ được bày bán tạm bợ trên một tấm nilon trả dưới nền đất. Thường người ta bán chỉ với số lượng vừa phải, khoảng 30-40kg/người. Cua, ghẹ được để trong thùng xốp và bày một vài con lên trên làm hàng. Giá bán được “niêm yết” là 35.000-50.000 đồng/con ghẹ hoặc cua to từ 3-5 lạng. Có khả năng loại cua, ghẹ siêu rẻ này là hàng Trung Quốc. Và cũng được các gian thương “làm hàng” theo cách trên.

Trước đó dư luận không khỏi xôn xao trước thông tin tôm bị bơm hóa chất. Một dây chuyền kim bơm được đầu tư có gần 30 ống bơm, tạp chất lần lượt được đưa vào thân, vùng giáp ức với thân, phần đuôi tôm sú.

Theo đó, 1kg tôm sú sau khi bơm tạp chất vào sẽ tăng trọng lượng lên thành 1,1-1,2kg, đồng thời kích cỡ tôm cũng tăng lên. Khi kích cỡ tăng thì giá mua sẽ cao hơn.

Theo lời khai của chủ cơ sở, loại tạp chất này có tên CMC, trên bao gói ghi rõ ràng xuất xứ từ Trung Quốc. CMC được hòa tan với nước, cho ra một chất đặc sệt. Sau đó, được bỏ vào máy đánh cho nhuyễn trước khi bơm vào tôm. Tạp chất được cho vào máy chứa, sau đó dùng máy nén áp suất cao đưa đến từng đầu dây bơm.

Người bơm chỉ cần bóp nhẹ đầu kim bơm thì tạp chất sẽ theo đó đi vào tôm. Tạp chất được các đối tượng sử dụng phổ biến nhất là CMC và rau câu.

Cách phân biệt cua không bị “làm hàng”

Theo những người có kinh nghiệm thì không phải là không có cách để phân biệt cua bị “làm hàng” và cua không bị “làm hàng”. Người tiêu dùng khi chọn nên chú ý, cầm con cua lên, khẽ nạy diềm mai phía cuối, nếu là gạch thật màu son tươi, còn gạch giả thì màu đỏ nhạt hơi thiên xanh. Gạch thật khi chế biến có màu đỏ như son, càng nhai càng thơm mùi đặc hữu của gạch cua bể, có vị bùi khé cổ.

Hải sản vốn là mặt hàng được người tiêu dùng ưa thích nhưng sự việc tôm bị tiêm gel hóa chất, tiêm tạp chất biến cá ươn thành cá tươi và giờ là tạo gạch cua giả đã khiến cộng đồng mạng phẫn nộ và ngày càng mất niềm tin. Thiết nghĩ người tiêu dùng hiện nay cần phải tỉnh táo hơn và biết cách nhận biết những sản phẩm đạt chất lượng để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần có những biện pháp nhằm phát hiện và xử lý mạnh tay hơn đối với các gian thương này. Để người dân có thể yên tâm hơn khi lựa chọn những thực phẩm đảm bảo sức khỏe cho gia đình mình.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hết tôm, đến cua ghẹ cũng bơm hóa chất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.