Nhiều quán ăn, nhất là quán ăn nhỏ lẻ, người giao hàng (shipper) và khách hàng "than trời" vì thời gian gần đây phải chịu mức phí, chiết khấu rất cao từ các hãng công nghệ khi mua, đặt đồ ăn qua app… Có khách hàng phải thốt lên, đã hết thời “trăng mật” các ứng dụng (app) công nghệ mời chào người dùng tham gia đăng ký dùng app.
Shipper than trời vì làm cật lực chỉ được 300.000-400.000 đồng/ngày
Trưa 28-10, trên đường Nguyễn Hoàng, quận Nam Từ Liêm, 2 thanh niên làm shipper mặc đồng phục của 2 hãng công nghệ dừng xe bên đường nghỉ trưa.
Cả hai bắt đầu chạy xe từ 8h sáng và kết thúc chuyến trưa lúc 12h.
Hoàng, shipper cho Now food cho biết, gần đây lượng đơn “nổ” chậm (do trung tâm điều khiển của hãng công nghệ chuyển đơn từ khách hàng) nên có những hôm "được chơi" đến 14h mới có đơn. Cũng vì vậy, thu nhập từ đầu năm đến nay liên tục giảm, trung bình mỗi ngày, shipper làm việc cật lực từ 8h đến 22h, trừ đi chi phí, cũng chỉ thu về 300.000-400.000 đồng. Hoàng chìa thông báo tài khoản được hãng chi trả cho 10 cuốc xe trong buổi sáng nam thanh niên này đã chạy là hơn 137.000 đồng để minh chứng.
“Đơn đã giảm, mà chiết khấu với shipper lại cao nên vất lắm…”, Nam, shipper hãng Be bổ sung. Nam kể, hãng công nghệ này áp dụng mức chiết khấu 44% với đơn hàng chở khách, 40% với đơn hàng chở đồ ăn. Thông thường, đơn hàng có giá trị 100.000 đồng, đã bị trừ mất 44.000 đồng chiết khấu theo quy định, nhưng số tiền chuyển về tài khoản shipper cũng không phải là 56.000 đồng như phép tính, mà thực nhận chỉ còn dưới 50.000 đồng, do bị trừ thuế.
Tại cửa hàng Lotteria ở phố Nguyễn Cơ Thạch, quận Nam Từ Liêm, shipper các hãng công nghệ Grab, Now food, Be, Gojek… ra vào lấy đồ cho khách tấp nập.
Một nam shipper tên Huy cho biết, nghề ship hàng vất vả, nhưng thu nhập ngày càng giảm và không tương xứng với công sức, chưa kể việc đi lại trên đường thường xuyên cũng nhiều nguy hiểm. “App công nghệ ngày càng “ép” “khách hàng”, họ “ăn” của cả 3 bên, gồm tài xế bọn em, quán ăn và người mua/đặt hàng nữa”, Huy nói.
Qua chia sẻ của các shipper có thể thấy, tùy theo thời gian gia nhập hãng công nghệ mà mức chiết khấu cho tài xế có sự khác nhau. Giữa các hãng cũng áp dụng cách chiết khấu cho shipper khác nhau, chẳng hạn Now food của Shopee chiết khấu khoảng 38.000-39.000 đồng/cuốc xe, thì Be chiết khấu khoảng 26.000-27.000 đồng/cuốc xe…
Nhiều tài xế cũng cho biết, trừ những quán ăn lâu năm, đông khách theo chuỗi, như Lotteria, hãng công nghệ tính phí doanh thu khoảng 10%/đơn hàng, còn lại hầu hết đều ở mức 25-30%/đơn hàng.
Quán ăn cũng “ngán”… app công nghệ
Cùng chung số phận với các tài xế, các quán ăn, cá nhân, hộ bán hàng qua app công nghệ cũng gặp cảnh tương tự, thậm chí nhiều khi còn khốc liệt hơn.
Anh Phạm Tiến Dũng (phường Thành Công, quận Ba Đình), chủ chuỗi quán đồ ăn nhanh cho biết, quán của anh đăng ký bán trên Shopee, Grab, Loship, BeFood, Baemin.
Trong thời kỳ dịch bệnh, hàng bán chủ yếu qua kênh này, mỗi ngày khoảng 200 đơn hàng. Tuy nhiên, từ đầu năm nay, các hãng công nghệ áp dụng chính sách tăng phí chia sẻ doanh thu, trong đó, do bán hàng lâu năm nên mức phí là 20% (còn lại nhiều quán ăn bị áp dụng phí 25-30%).
“Với mỗi đơn hàng, quán ăn phải trả phí 25% doanh thu/đơn hàng, cộng với chạy khuyến mãi như miễn ship trị giá 15.000-20.000 đồng/đơn hàng, tính chung mỗi đơn hàng, người bán chi phí hết 30-35%, chưa kể tiền trả nhân viên, mua nguyên liệu”, anh Dũng phân tích.
Cũng theo lời anh Dũng, nhiều bạn hàng, đối tác cùng ngành do chưa có kinh nghiệm, nghe theo lời mời chào chạy chương trình quảng cáo trên app, hầu hết bị lỗ và nhiều người phải “bỏ chạy” khỏi app.
Đó cũng là chia sẻ của chị Cao Diệu Anh, chủ hệ thống chè khoai dẻo MinMax (địa chỉ phố Hồng Mai, quận Hai Bà Trưng). Hiện nay, đa số mức phí chia sẻ doanh thu/đơn hàng là 20-25%, đều tăng so với trước đây và là mức cao trong bối cảnh kinh doanh ngày càng khó khăn. Không chỉ có vậy, chủ quán phải chạy quảng cáo, khuyến mãi trên app thì tên quán mới hiển thị, xuất hiện ở các gợi ý cho khách hàng.
“Thường thì sau khi chi cho chạy chương trình, các quán phải tăng giá lên theo với đơn ship, hoặc theo cách thu thêm giá hộp đựng. Tuy nhiên, do có sẵn thương hiệu và lượng khách quen từ nhiều năm, lại có cửa hàng to, nên tôi vẫn giữ nguyên giá bán tới khách hàng”, chị Diệu Anh cho biết.
Chị Phương, một chủ cửa hàng kinh doanh khác cho biết: “Ban đầu việc bán hàng trên app được tạo thuận lợi, nhưng nay dường như đông quá, nên các app tăng phí, áp dụng triệt để các khoản thu từ khách hàng. Họ áp dụng tăng mà không biết rằng, lượng người mua chỉ nhất định, chưa kể kinh tế khó khăn, người dân tiết kiệm hơn…”.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, đại diện Shopee cho biết, cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, hãng có những điều chỉnh chính sách phù hợp nhằm mang lại nhiều lợi ích bền vững cho cả người bán và người mua.
Ngoài việc hỗ trợ người bán tiếp cận và phát triển kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, Shopee đồng thời triển khai nhiều hỗ trợ khác để các nhà bán hàng và doanh nghiệp có thể tối ưu hóa và cải thiện quy trình hoạt động.
Quan hệ giữa các hãng công nghệ, sàn thương mại với khách hàng (người bán hàng, mua hàng, tài xế - shipper) suy cho cùng cũng là quan hệ thuận mua - vừa bán. Đã đến lúc cơ quan quản lý cần nghiên cứu, có những điều tiết theo hướng hài hòa lợi ích giữa các bên để cùng phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.