Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hết giải pháp?

Minh Quang| 13/06/2010 04:33

1. Những thiệt thòi của bóng đá nữ đã được nhắc đến nhiều, từ chế độ đãi ngộ đến tập luyện, thi đấu. Ngày trước là chuyện những tuyển thủ quốc gia phải đi bán bánh mì để nuôi niềm đam mê; là những cô gái đá bóng có lương tháng không đủ chi cho những nhu cầu tối thiểu.

Bóng đá nữ hiện đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Minh Hoàng

Có năm người ta đã phải kêu trời vì chuyện các đội bóng phải thi đấu ngay đầu giờ chiều trong cái nóng đổ lửa. Giờ, sự quan tâm dành cho bóng đá nữ đã tốt hơn, đội nào cũng có nhà tài trợ, sân tập không còn lồi lõm đầy ổ trâu, ổ gà. Lương cầu thủ nữ không nhiều nhưng không quá hẻo. Nhưng dù sao, sự quan tâm dành cho bóng đá nữ vẫn chưa xứng với những gì các cô gái đá bóng đem lại cho bóng đá Việt Nam, đặc biệt những chức vô địch SEA Games gần đây - điều mà bóng đá nam vẫn hằng ao ước. Không đâu xa, trước giải vô địch quốc gia năm nay, dù đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam vừa giành chức vô địch SEA Games 25 nhưng đến phút chót, BTC giải mới tìm được nhà tài trợ là Công ty cổ phần Dinh dưỡng Hồng Hà. Đã vậy nếu không vì Công ty cổ phần Dinh dưỡng Hồng Hà có trụ sở chính ở Hà Nam (nơi diễn ra giai đoạn 1 của giải) chưa chắc giải đã gắn thêm cái tên "Cúp Cánh Buồm Đỏ" - một sản phẩm của công ty này.

2. Cả các cô gái đá bóng lẫn những nhà tổ chức giải đều hiểu rằng bóng đá nữ không thể có sức hút mạnh mẽ người hâm mộ, nhà tài trợ như bóng đá nam. Nhưng dù sao bóng đá nữ chí ít cũng cần sự công bằng trong cách đối xử. Gần đây nhất, khi Giải vô địch bóng đá chuyên nghiệp và giải hạng nhất vừa được nghỉ 3 tuần để tránh 2 vòng đầu của World Cup 2010 (có nhiều trận nhất) thì giai đoạn 2 của Giải vô địch bóng đá nữ - Cúp Cánh Buồm Đỏ 2010 lại khởi tranh. Bóng đá nam được nghỉ để tránh cho cầu thủ khỏi bị phân tâm bởi những trận đấu nóng bỏng của ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Không kể quãng nghỉ này cũng khiến thương hiệu các nhà tài trợ không bị ảnh hưởng. Bởi, nếu giải vẫn tiếp diễn, sự quan tâm của khán giả sẽ kém xa so với trước World Cup 2010, lúc ấy hiệu quả quảng bá thương hiệu của các nhà tài trợ sẽ bị sụt giảm. Trong khi đó, bóng đá nữ lại diễn ra trên SVĐ Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh). Thực tế, số người xem các trận đầu tiên của giai đoạn 2 rất ít ỏi, sự quan tâm của giới truyền thông cũng hạn chế. Từ năm sau, còn nhà tài trợ nào muốn đến với giải vô địch bóng đá nữ quốc gia?

3. Chẳng lẽ các nhà tổ chức lại hết giải pháp để các cô gái đá bóng không phải thi đấu vào giai đoạn đầu của Worrld Cup như bóng đá nam? Đành rằng giải có ít đội, sẽ kết thúc trước khi World Cup 2010 vào cao trào nhưng việc xếp lịch thi đấu để chứng tỏ bóng đá nam và bóng đá nữ được đối xử như nhau cũng không đến mức chỉ có một giải pháp là diễn ra trong giai đoạn đầu của World Cup 2010. Cứ nghĩ đơn giản như một số người là dù có xếp lịch thi đấu vào thời điểm nào thì sự quan tâm của người hâm mộ, giới truyền thông đến giải cũng như nhau thì còn lâu mới có một phong trào bóng đá nữ đủ mạnh - nơi những cô bé tìm đến với sự háo hức, cũng như có đội tuyển quốc gia đủ sức xưng hùng xưng bá lâu dài ít nhất ở Đông Nam Á.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hết giải pháp?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.