Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hệ sinh thái cho điện ảnh phát triển

Trà Giang| 10/07/2022 06:09

(HNMCT) - Một nền điện ảnh phát triển không phải chỉ có những bộ phim hay, mà còn phải tạo dựng được một hệ sinh thái làm bệ đỡ cho nhiều bộ phim vươn xa. Việc tạo ra hệ sinh thái giúp nuôi dưỡng tác phẩm điện ảnh từ khi còn là ý tưởng đến khi thành quả ngọt đã giúp các nền điện ảnh thực sự phát triển bền vững.

Với 102 tỷ đồng doanh thu, bộ phim “Em là bà nội của anh” là một trong những bộ phim “trăm tỷ” đầu tiên của phòng vé Việt. Nguồn: CJ

Bài học từ Hàn Quốc

Điện ảnh Hàn Quốc với những bước tiến thần kỳ, chinh phục không chỉ khán giả đại chúng với doanh số khổng lồ mà còn có những tác phẩm đạt được giải thưởng điện ảnh danh giá bậc nhất, trở thành bài học lớn về phát triển điện ảnh.

Gần đây, truyền thông quốc tế hay nói đến “hiện tượng CJ” khi tập đoàn này liên tiếp có những tác phẩm chinh phục giải thưởng đỉnh cao của điện ảnh thế giới. Trong khoảnh khắc được xướng tên tại Liên hoan phim (LHP) Cannes 2022, đạo diễn Park Chan Wook, người nhận giải Đạo diễn xuất sắc nhất với tác phẩm “Decision To Leave” đã trao cái ôm chiến thắng cho nhiều người, trong đó có bà Miky Lee. Trước đó 2 năm, trên sân khấu Oscar 2020, bà Miky Lee cũng chia sẻ niềm vui chiến thắng với đạo diễn lừng danh Bong Joon Ho khi “Parasite” (“Ký sinh trùng”) trở thành phim châu Á đầu tiên thắng giải Oscar dành cho Phim xuất sắc nhất. Bà Lee Mi Kyung (Miky Lee), Phó Chủ tịch Tập đoàn CJ, được xem là “mẹ đỡ đầu”, nhà đầu tư và phát hành những bộ phim thành công của điện ảnh Hàn Quốc gần đây như “Parasite”, “Decision To Leave” và “Broker”. “Bí quyết” của bà Lee Mi Kyung cũng là chiến lược mà tập đoàn điện ảnh lớn nhất Hàn Quốc này theo đuổi trong hơn hai thập niên qua.

Cụ thể, không chỉ tham gia vào khâu sản xuất và phát hành phim, tập đoàn này đã tạo ra một hệ sinh thái để nuôi dưỡng các tác phẩm điện ảnh từ khi chúng mới là ý tưởng. Sự đầu tư toàn diện vào điện ảnh, vừa ở “đầu ra” với hệ thống rạp chiếu phim chất lượng cao CJ CGV, vừa ở “đầu vào” với CJ ENM - nơi trực tiếp sản xuất và phát hành các bộ phim như “Parasite”, “Decision To Leave”, “Broker”, tập đoàn CJ đã và đang kiến tạo nên một hệ sinh thái điện ảnh bền vững và mở đường cho điện ảnh Hàn vươn ra thế giới.

Tính riêng tại LHP Cannes, chỉ trong vòng 3 năm qua, các tác phẩm điện ảnh xứ Kim chi do Tập đoàn CJ đỡ đầu đã lần lượt nhận các giải lớn nhất như: Cành cọ Vàng cho “Parasite”, Đạo diễn xuất sắc nhất cho phim “Decision To Leave” và Nam diễn viên xuất sắc nhất với “Broker”. Bên cạnh danh tiếng, các bộ phim này cũng mang lại doanh số rất đáng tự hào. Theo thông tin từ CJ, “Parasite” đạt tổng doanh thu phòng vé toàn cầu lên đến hơn 263 triệu USD. Với 171 nước mua bản quyền phát hành “Broker” và 195 nước mua bản quyền phát hành “Decision To Leave” (trong đó có Việt Nam), hai bộ phim này của CJ xem như đã được bảo chứng về doanh thu.

Những bộ phim kể trên không chỉ chinh phục được giới chuyên môn bởi ý tưởng vô cùng độc đáo mà còn được hàng triệu khán giả đón nhận, cho thấy tầm nhìn của những nhà sản xuất. Việc đầu tư cho những ý tưởng mới lạ trong điện ảnh đã mang đến “quả ngọt” cho tập đoàn này. Truyền thông cũng như giới điện ảnh đều thừa nhận, CJ là một tập đoàn “mát tay” trong việc đỡ đầu các dự án điện ảnh độc đáo, hỗ trợ các nhà làm phim tài năng.

Bà Lee Mi Kyung, Phó Chủ tịch Tập đoàn CJ. Nguồn: The Hollywood Reporter

Mô hình ở Việt Nam

Đầu tư mạnh vào điện ảnh Việt Nam, Tập đoàn CJ của Hàn Quốc cũng đang xây dựng hệ sinh thái để kích thích sự phát triển điện ảnh trong nước từ khâu tìm kiếm ý tưởng, sản xuất đến phát hành. Ngoài việc đầu tư các cụm rạp vào loại lớn và hiện đại nhất Việt Nam, tập đoàn này còn là “bà đỡ” cho rất nhiều dự án phim đình đám thời gian qua.

Ở góc độ phát hiện, nâng đỡ cho các ý tưởng điện ảnh, hỗ trợ các nhà làm phim độc lập, những dự án của tập đoàn này để lại dấu ấn rõ nét trong đời sống điện ảnh với các chương trình như: “Trăng cười”, “Điện ảnh cho mọi người”, tài trợ thường niên cho LHP quốc tế Hà Nội, LHP Việt Nam, chương trình “Gặp gỡ mùa thu”. Đặc biệt, cuộc thi làm phim ngắn “Dự án phim ngắn CJ” được tổ chức từ năm 2018 đến nay đã là bệ đỡ cho rất nhiều nhà làm phim trẻ có cơ hội được làm phim và tỏa sáng.

Đại diện CGV cho biết: Với sứ mệnh tìm kiếm và nuôi dưỡng các tài năng điện ảnh trong nước qua việc tài trợ ngân sách làm phim lên đến 1,5 tỷ đồng, hỗ trợ kinh phí đưa tác phẩm tham dự các LHP quốc tế uy tín, “Dự án phim ngắn CJ” đã trở thành bệ phóng cho một số tác phẩm tiêu biểu như “Hãy tỉnh thức và sẵn sàng” của Phạm Thiên Ân (đoạt giải Illy dành cho phim ngắn xuất sắc tại LHP Cannes 2019), hay “Một khu đất tốt” của Phạm Ngọc Lân tranh giải tại LHP Berlin 2019...

Ở góc độ sản xuất phim, CJ ENM Việt Nam đã gặt hái rất nhiều thành công với những bộ phim có doanh thu thuộc hàng kỷ lục. Với 102 tỷ đồng doanh thu, “Em là bà nội của anh” (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh) là một trong những bộ phim “trăm tỷ” đầu tiên của phòng vé Việt. Tiếp đến là những bộ phim như “Tháng năm rực rỡ” (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng), “Người bất tử” (đạo diễn Victor Vũ), “Chàng vợ của em” (đạo diễn Charlie Nguyễn), hay gần đây nhất là “Nghề siêu dễ” (đạo diễn Võ Thanh Hòa)... Việc sở hữu hệ thống rạp cũng giúp đơn vị này dễ dàng tiếp cận khán giả, góp phần không nhỏ vào thành công của các bộ phim, thậm chí góp phần thay đổi thói quen thưởng thức phim tại rạp của công chúng.

Nhân rộng những cách làm dài hơi

Vừa sở hữu rạp chiếu, đầu tư tìm kiếm ý tưởng, tổ chức sản xuất phim, vừa có các hoạt động cộng đồng để thay đổi thói quen thưởng thức của khán giả…, nói cách khác là tạo ra một hệ sinh thái điện ảnh nhằm tạo ra sự phát triển nhanh và bền vững là điều mà nhiều đơn vị hướng đến. Ngoài tập đoàn CJ, những đơn vị khác như Galaxy, BHD... cũng đang kiến tạo một hệ sinh thái với hệ thống rạp chiếu, công ty sản xuất, phát hành phim... Nhiều đơn vị còn mở rộng phát hành phim trên các nền tảng xuyên biên giới, truyền hình trả tiền... để tiếp cận nhiều hơn với khán giả, nối dài sức sống của những bộ phim điện ảnh sau thời gian ra rạp ngắn ngủi. Theo đại diện hãng Galaxy M&E: Nhà làm phim ai cũng mong tác phẩm của mình có nhiều người xem nhưng thời gian một bộ phim được chiếu rạp lại có hạn. Chính vì vậy, việc hợp tác giữa đơn vị sản xuất với các kênh phát hành trực tuyến hay truyền hình trả tiền đã mở ra khả năng mới, giúp bộ phim có sức lan tỏa, đời sống dài lâu hơn.

Trước đây, nhiều nhà phê bình đã chỉ ra rằng, điện ảnh Việt thường rơi vào trạng thái “lệch” do các khâu thiếu liên kết, dẫn đến việc đầu tư phát triển không hiệu quả. Chẳng hạn, nhiều dự án phim làm ra nhưng không có kinh phí quảng bá nên không tiếp cận được với người xem. Hay có những bộ phim được Nhà nước đầu tư sản xuất xong không ra nổi rạp vì không thể thương thảo với đơn vị phát hành. Cũng có rất nhiều cuộc thi kịch bản trao giải xong cũng đành “xếp tủ” chờ thời cơ... Chỉ một khâu yếu trong quá trình từ ý tưởng đến tác phẩm và đưa tới người xem cũng khiến cho nền điện ảnh không phát triển được. Chính vì vậy, việc phát triển điện ảnh theo hướng tạo ra “hệ sinh thái” là lựa chọn đúng để đảm bảo cho điện ảnh Việt phát triển một cách bền vững hơn.

Và, đúng như đánh giá của CGV Việt Nam: Cuối cùng, một hệ sinh thái điện ảnh bền vững cần nhất chính là sự ủng hộ của khán giả dành cho phim chiếu rạp. Ngoài nỗ lực của các nhà làm phim, của công ty sản xuất và phát hành phim, của các cuộc thi nhằm nâng đỡ tài năng trẻ, thì sự ủng hộ của khán giả dành cho những bộ phim xứng đáng mới là thành tố chính làm nên một nền điện ảnh phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hệ sinh thái cho điện ảnh phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.