(HNM) - Giữa lúc một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Syria đã cận kề, Nga đã đưa ra một đề xuất mang tính bước ngoặt.
Theo đó, trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Syria Walid Muallem, đang ở thăm Mátxcơva, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã kêu gọi chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đặt kho vũ khí hóa học của nước này dưới sự kiểm soát của quốc tế và sau đó tiêu hủy, đồng thời tham gia vào Công ước quốc tế về thủ tiêu vũ khí hóa học.
Syria sẽ điêu tàn hơn nếu như Mỹ và các cường quốc phương Tây phát động một cuộc chiến vào quốc gia này. |
Ngay lập tức, đề xuất của Nga đã nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng quốc tế. Rất nhiều quốc gia, kể cả các cường quốc phương Tây cũng lên tiếng ủng hộ sáng kiến của Mátxcơva. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tuyên bố, đề xuất của Nga là có thể chấp nhận được. Thủ tướng Anh David Cameron thì nêu rõ, Syria cần được khuyến khích giao cho quốc tế giám sát kho vũ khí hóa học. Thủ tướng Đức Angela Merkel nhận định, ý tưởng của Nga là "thú vị" cần nhanh chóng được hiện thực hóa. Ngay cả Washington cũng để ngỏ cho sự lựa chọn này. Ngày 10-9, Tổng thống Mỹ Barack Obama một mặt vẫn hối thúc Quốc hội thông qua nghị quyết cho phép "trừng phạt" Syria vì "đã sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường", mặt khác tuyên bố sẽ ngưng cuộc tấn công quân sự nếu Syria thực sự chấp nhận cho cộng đồng quốc tế kiểm soát kho vũ khí hóa học...
|
Khẳng định việc duy trì những quy tắc chống lại việc sử dụng vũ khí hóa học là nằm trong lợi ích của Mỹ, người đứng đầu Nhà Trắng cho rằng, Mỹ sẽ rất vui mừng nếu thực hiện được điều đó mà không cần viện đến uy lực của vũ khí. Quan điểm của Tổng thống B.Obama đang nhóm lên hy vọng về khả năng hòa bình sẽ được vãn hồi trên đất nước đã tan nát vì nội chiến suốt 2 năm qua. Với dư luận quốc tế và cả nội bộ nước Mỹ, vấn đề "vũ khí hóa học" đã trở nên quá nhạy cảm khi cái giá của cuộc chiến chống khủng bố mà Washington đứng đầu tiến đánh Afghanistan và Iraq lên tới hơn 3.000 tỷ USD. Kèm theo đó là những hậu quả không thể đo đếm được bằng vật chất với hàng trăm nghìn người dân ở các quốc gia này cùng binh sĩ Mỹ tử trận, hàng triệu người phải đi lánh nạn. Kinh tế kiệt quệ trong khi các cuộc đánh bom bạo lực vẫn diễn ra hằng ngày. Vì vậy, ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu của Thượng viện Mỹ để quyết định có tấn công Syria hay không vào ngày 11-9, tỷ lệ ủng hộ cho kế hoạch quân sự tại Hạ viện vẫn khá thấp. 230/433 hạ nghị sĩ cho biết sẽ phản đối việc dùng vũ lực với quốc gia Trung Đông. Trong khi đó, theo công bố của hãng tin AP, chỉ có 1/5 số người Mỹ được hỏi ủng hộ việc tiến đánh Syria. Nhiều chính trị gia quan ngại Mỹ sẽ bị cuốn vào một cuộc chiến kéo dài và sẽ gây thêm sự thù địch với Mỹ tại khu vực.
Mặc dù vậy, việc vận động cho cuộc tấn công nhằm trừng phạt Syria của Mỹ vẫn đang gấp rút diễn ra. Riêng trong buổi tối 9-9, ngày đầu tiên Quốc hội Mỹ nhóm họp trở lại sau một tháng nghỉ hè, Tổng thống B.Obama đã có 6 cuộc trả lời phỏng vấn trên các kênh truyền hình lớn, một lần nữa khẳng định chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công bằng chất độc sarin. Trong ngày 10-9, ông B.Obama cũng có bài phát biểu với các nghị sĩ Quốc hội và bài diễn văn với dân chúng Mỹ được truyền hình trực tiếp từ Nhà Trắng. Cùng thời gian này, các cố vấn cao cấp của Nhà Trắng, trong đó có Ngoại trưởng John Kerry cũng đồng loạt mở các buổi thuyết trình kín và công khai với các nhà lập pháp.
Vì vậy, dư luận đang hy vọng những nỗ lực của Nga trong việc đưa Syria khỏi miệng hố chiến tranh sẽ đạt kết quả. Chính quyền Damascus cũng đã nhiều lần khẳng định mong muốn được đón tiếp Ủy ban điều tra việc sử dụng vũ khí hóa học, đồng thời, sẵn sàng tham gia hội nghị hòa bình tại Geneva mà không có bất cứ điều kiện tiên quyết nào cũng như chấp nhận đối thoại với tất cả các thể chế chính trị. Tuy nhiên, các quan sát viên cho rằng để thực hiện sáng kiến vô cùng táo bạo của Mátxcơva cũng không phải dễ dàng trong bối cảnh Syria đang diễn ra xung đột. Một báo cáo tình báo của Pháp cho biết, chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đang sở hữu trong tay một trong những kho vũ khí hóa học mạnh nhất thế giới với hơn 1.000 tấn hóa chất. Theo các chuyên gia, ngay cả khi đề xuất của Nga được Syria chấp nhận, thì việc di chuyển hoặc kiểm soát số vũ khí hóa học trong lúc phe nổi dậy vẫn tìm cách lật đổ chính quyền Damascus cũng là một thách thức không nhỏ. Thế nhưng, với đề xuất đột phá của Nga, một cánh cửa hòa bình cho Syria đã được hé mở.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.