Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hệ lụy từ... vàng sa khoáng

Nguyễn Ngọc Tiến| 14/12/2010 07:10

(HNM) - Vàng sa khoáng phân bố ở nhiều vùng, theo thống kê tập trung tại 150 tụ khoáng, trong đó có 27 nơi được thăm dò, đánh giá là Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Cạn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An… Còn vàng gốc được phát hiện ở nhiều nơi với nhiều kiểu quặng hóa vàng khác nhau, song cũng phân bố rải rác và trữ lượng mỏ chỉ khoảng 1-5 tấn. Từ khi vàng lên giá, tình trạng khai thác lậu diễn ra ở tất cả các điểm có vàng.

Đổ xô đi kiếm vàng

Trong hai ngày 3 và 4-12, hàng nghìn người từ các nơi đua nhau đổ xô về hang đá giáp ranh giữa hai xã Lãng Ngâm và Hương Nê (huyện Ngân Sơn, Bắc Cạn) để tìm vàng. Sự việc bắt đầu từ một người Mông đi bắt rắn tìm thấy hang, khi chui vào, người này phát hiện trên nền cát có vàng sa khoáng. Tin loang ra, vài chục người ở hai xã tìm đến hang, khi có người đãi được thật thì số người đến ngày càng đông, cả ngàn người. Mặc dù chính quyền địa phương cấm nhưng rất nhiều người vẫn tìm mọi cách để vào hang. Nguyên nhân cái hang này đến nay mới lộ ra là do Nhà máy Thủy điện Sơn La đóng cửa, tích nước trong tháng 12 để chuẩn bị phát điện tổ máy số 1 khiến phía hạ lưu cạn nước. Lúc đầu chỉ vài người ở các bản gần sông, sau đó hàng trăm người dân ở xã Pi Toong và Tạ Bú ùa đến. Công cụ của họ chỉ là cuốc xẻng, xà beng, chậu và bàn đãi vàng. Đoạn sông trở nên nhộn nhịp từ sáng cho đến chiều tối. Không biết họ đãi được bao nhiêu nhưng ai ai cũng miệt mài, tranh nhau cuốc sỏi cát rồi đem xuống chỗ còn nước đãi. Ai cũng cố vì sợ không lâu nữa, nhà máy xả nước để phát điện thì đoạn sông này sẽ đầy nước và cơ hội kiếm tiền không còn. Ngược lên thượng nguồn sông Đà, khúc chảy qua tỉnh Lai Châu, hàng chục chiếc tàu chềnh ềnh giữa sông, tiếng máy nổ vang động cả vùng đất vốn quanh năm yên tĩnh. Họ hút cát sỏi và sàng. Mùa khô, nước sông cạn càng thuận tiện cho việc khai thác và thế là các chủ tàu hối thúc công nhân làm việc cả đêm. Trở lại Hòa Bình, trên đoạn sông Bôi chảy qua các xã Mỵ Hòa, Sào Báy, nhiều tàu cuốc cũng đang hối hả tìm vàng sa khoáng. Theo những người dân sống quanh khu vực này, mấy năm nay phát hiện dưới lòng sông có vàng, các ông chủ ở nhiều nơi kéo về, đầu tư tàu cuốc núp dưới vỏ bọc là khai thác cát sỏi, nhưng thực chất là khai thác vàng sa khoáng. Không chỉ có tàu hút, dân địa phương, từ già đến trẻ đua nhau vắt sức mong kiếm ngày vài phân. Không chỉ ở Lai Châu, Hòa Bình, Bắc Cạn, Lào Cai... khai thác vàng sa khoáng diễn ra ở hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc, kéo đến các tỉnh miền Trung và một số tỉnh bắc Tây Nguyên. Chỉ cần có tin đoạn sông hay suối, khu vực đồi nào có vàng là doanh nghiệp, dân cư ào đến. Có người so sánh, "cơn khát vàng" ở Việt Nam bây giờ còn khủng khiếp hơn ở Alaska hay California (Hoa Kỳ) giữa thế kỷ XIX. Nhưng thông tin có vàng bắt đầu từ đâu? Xin thưa từ chính các cơ quan quản lý tài nguyên môi trường địa phương "bán" cho doanh nghiệp.

Khai thác vàng, nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước sông Hiếu, tỉnh Nghệ An.
Ảnh: Tư liệu

Chỉ có họ mới rành rẽ chỗ nào có vàng.

Vì sao các doanh nghiệp đổ xô đi tìm vàng? Câu trả lời là đầu tư một chiếc tàu đãi vàng, chỉ trên dưới 1 tỷ đồng. Nếu không khai thác vàng thì "làm luật" cho địa phương chuyển sang khai thác cát sỏi. Nếu gặp khúc sông nhiều vàng, một ngày chủ tàu có thể thu được hai đến ba cây. Với giá bán cho chủ lò ở Hà Nội hiện nay, tùy theo chất lượng vàng nhưng giá trung bình là 800.000 đồng/chỉ thì chủ tàu có thể nhanh chóng thu hồi vốn mua tàu. Còn với người dân, đãi vàng cũng là cách kiếm sống khi đất nông nghiệp không còn và nếu gặp may có thể đổi đời. Tại xã Sào Báy, anh Bàn bảo: Đãi vàng để lấy tiền mua xe máy "Thanh niên trong bản nhiều người có xe máy đi chơi ở các bản khác cũng tiện".

Hệ lụy từ khai thác vàng trái phép

Khu vực khai thác vàng trái phép ở xã Cây Thị (thị xã Đồng Hỷ, Thái Nguyên) cách trụ sở UBND xã không xa. Đoạn suối ở khu vực này đã bị biến dạng với những ụ đất, cát khá cao, cạnh đó là những hố nham nhở bên bờ suối rộng trên dưới 20m2 và sâu chừng 4-5m. Việc đào đãi vàng khiến đất ruộng bị cày xới bừa bãi và muốn trồng cây gì thì phải bỏ nhiều công sức mới có thể phục hồi được mặt ruộng. Suối Hoan, nơi cung cấp nước tưới cho 1/3 diện tích đất trồng lúa và trồng chè của xã đang cạn kiệt và biến dạng. Sông Hồng, đoạn qua địa phận tỉnh Yên Bái dài hơn 110km, trong đó, đoạn chảy qua huyện Văn Yên dài gần 60km với nhiều chi lưu lớn như ngòi Hút, ngòi Thia, ngòi Vải. Ngoài cát, sỏi, đoạn sông này còn có vàng sa khoáng. Năm 2008, trên địa bàn huyện Văn Yên có tới 20 tàu giả danh khai thác cát, sỏi để hoạt động khai thác vàng sa khoáng. Ðến giữa tháng 4-2010, trên sông và chi lưu ngòi Thia còn 12 chiếc tàu đang hoạt động. Ba năm nay, mực nước sông Hồng cạn kỷ lục vào mùa đông đã làm cho dòng chảy rất hẹp lại càng tạo cơ hội cho những người khai thác vàng sa khoáng lậu.

Sông Đakrông (địa phận tỉnh Quảng Trị) bị tàn phá bởi nạn khai thác sa khoáng trái phép. Ảnh: Nguyễn Phúc

Trong quá trình khai thác vàng, các tàu hút lên cát sỏi và cát sỏi này qua máy sàng rồi trả lại sỏi cho sông. Mỗi ngày, một con tàu múc hàng nghìn gầu nên đống cát sỏi thải ra như trái núi nhỏ giữa sông. Ở khu vực thôn Cầu Khai, xã Ðông Cuông (Văn Yên), một tàu khai thác vàng đổ sỏi làm dòng nước sông đổi hướng, quay ngoặt vào phía bờ đối diện, gây sạt lở đất, đe dọa sạt lở tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai và đoạn đường bộ Yên Bái - Khe Sang. Để bảo đảm an toàn cho tuyến giao thông này, Nhà nước đã phải bỏ ra vài chục tỷ đồng để xây kè. Không chỉ làm dòng chảy biến đổi và gây sạt lở khi mùa nước lên, việc khai thác vàng sa khoáng còn gây mất an ninh trật tự. Lợi dụng tàu nằm trên sông dễ có các tệ nạn xã hội, thậm chí công an khó có thể bắt nên có tàu đãi vàng đã tổ chức đánh bạc. Lao động trên tàu lương tháng khoảng 2 triệu đồng, không ít người đã nhẵn túi phải vay chủ tàu để rồi trở thành kẻ làm thuê không lương và không biết bao giờ mới có thể trả hết nợ. Không chỉ người làm thuê trên tàu, dân địa phương cũng bị cuốn vào cơn đỏ đen. Và thế là trâu, bò, ruộng nương trở thành tài sản thế chấp.

Hơn 100 năm nay, trong các cơ sở khai thác vàng, người ta dùng cyanua để tách vàng từ quặng. Quặng được nghiền, sau đó tuyển lấy phần giàu kim loại quý rồi xử lý bằng dung dịch natri cyanua (NaCN) hoặc kali cyanua (KCN). Vàng cùng với cyanua tạo thành phức chất tan trong nước nên bằng phương pháp này có thể tách hầu như toàn bộ vàng. Phương pháp này rất rẻ nên một tấn quặng chỉ cần 1kg cyanua. Tuy nhiên cyanua rất độc, nếu nước thải chứa cyanua chưa xử lý cứ thải ra sông, suối sẽ làm thủy sinh không thể sống sót.

Trong phiên thảo luận về dự án Luật Khoáng sản sửa đổi tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XII, đại biểu Vũ Thị Phương Anh của Quảng Nam đã phản ánh: Cá ở các con sông miền Trung đang chết hàng loạt do người ta sử dụng cyanua trong khai thác vàng. Và nếu cá không chết, chắc cơ quan quản lý cũng chẳng quan tâm vì nó không quá quan trọng để quan tâm chăng? Cũng tại kỳ họp này, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Nguyễn Thị Nương nói rằng: "Nơi nào có nhiều khoáng sản đang được khai thác thì nhân dân càng chịu nhiều khó khăn, như đường sá hỏng, đi lại khó khăn, môi trường nước, môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đất đai sản xuất bị xâm phạm và ngày càng bị giảm dần.

Nguồn thu của các địa phương rất thấp".

Quản lý có vấn đề

Trong giấy phép cấp cho doanh nghiệp khai thác vàng có những quy định về bảo vệ môi trường. Song trên thực tế, họ khai thác xong là “cuốn gói” ra đi. Thứ mà họ để lại là những hố đất nham nhở hay dòng chảy biến dạng và hứng chịu hậu quả chính là người dân khu vực đó. Trên thực tế, nhiều năm qua, người dân Cây Thị vẫn đào, đãi vàng trái phép trên suối Hoan nhưng chỉ khai thác thủ công, nhỏ lẻ. Việc khai thác vàng rầm rộ với những phương tiện hiện đại như thế này mới diễn ra từ khoảng mấy tháng nay khi vàng tăng lên ngoài 3 triệu đồng/chỉ. Đầu tháng 10-2010, khi đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, huyện kiểm tra thực địa, phát hiện tình trạng khai thác vàng trái phép đã yêu cầu chính quyền địa phương xử lý các đối tượng vi phạm. Một câu hỏi đặt ra là nếu không có kiểm tra thì chính quyền địa phương có dẹp nạn ăn cắp khoáng sản của đất nước không? Câu trả lời là không. Vì sao các chủ tàu không có giấy phép khai thác vẫn hoạt động tại nhiều địa phương, nơi có vàng sa khoáng? Một chủ tàu từng khai thác không giấu giếm: Chúng tôi phải nộp tiền cho xã để làm đường giao thông, phải lo lót ông này ông kia. Chủ tàu này còn tiết lộ, thi thoảng mời các bác ở xã đi karaoke "có tay vịn" để khi có đoàn kiểm tra, các bác còn báo trước cho biết. Và thế là khi đoàn kiểm tra của huyện hay tỉnh về, thấy các con tàu không người nằm im. Đoàn đi, tàu lại nổ máy tiếp tục hoạt động. Lại có nơi thấy tàu có người đoàn kiểm tra lập biên bản nhưng không ai ký vì chủ tàu đã bỏ đi, trên tàu chỉ là người làm thuê. Vì thế việc thu giữ tang vật, phương tiện vi phạm cũng không dễ dàng. Thậm chí có tàu bị đoàn thanh tra liên ngành phạt hành chính, trục xuất ra khỏi tỉnh, song đâu lại vào đó. Tháng 6-2010, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Khoáng sản sửa đổi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Lê Quốc Dung cho rằng: "Nếu Nhà nước không biết thực hiện đầy đủ lợi ích của mình thì các nhóm lợi ích sẽ thực hiện và phân chia với nhau, rất tiêu cực".

Để Luật Khoáng sản sửa đổi không bỏ quên người dân sinh sống ở khu vực có mỏ, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh chia sẻ khi góp ý cho luật này: "Tôi từng làm Bí thư Tỉnh ủy Bắc Thái (cũ), đến bây giờ vẫn cảm thấy không thành công trong việc quản lý những mỏ sa khoáng. Hồi đó chỉ nghĩ rằng có cái mỏ, làm sao khai thác… nhưng sau một thời gian, bãi khai thác mỏ đó trở nên tan hoang…". Với kinh nghiệm này, ông đề nghị đưa vào luật sửa đổi nguyên tắc "khai thác xong buộc phải trả lại mặt bằng như cũ. Phải gạt lớp đất màu sang bên, khai thác mỏ xong phải lấp lại, trả lại mặt bằng để sản xuất, trồng trọt. Nếu chưa làm được như thế thì không cho làm, kể cả mỏ nhỏ. Không có lý gì vùng đó đang yên đang lành, anh đến khai thác mang tài nguyên đi lại biến vùng đó thành vùng nghèo khổ...". Luật Khoáng sản sửa đổi được Quốc hội thông qua ngày 17-11-2010, song từ nay đến ngày luật có hiệu lực (1-7-2011) nạn khai thác lậu vàng sa khoáng vẫn cứ xảy ra. Các chủ doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận vẫn khai thác vàng một cách vô tội vạ kiểu "sống chết mặc bay, tiền thày bỏ túi" và những địa phương có mỏ vàng sa khoáng nghèo vẫn hoàn nghèo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hệ lụy từ... vàng sa khoáng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.