(HNM) - Mỹ là quốc gia đa sắc tộc, đa văn hóa. Tuy nhiên, ẩn sau đó là tình trạng phân biệt chủng tộc, đặc biệt là sự kỳ thị của người Mỹ da trắng với cộng đồng người Mỹ gốc Phi. Vụ việc xảy ra trong tuần qua một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về những hệ lụy của nạn phân biệt chủng tộc tại Mỹ.
Ngày 25-5 vừa qua, tại thành phố Minneapolis, bang Minnesota, công dân Mỹ gốc Phi George Floyd (46 tuổi) bị cảnh sát bắt với cáo buộc tiêu thụ tiền giả. Đoạn phim công bố cho thấy một cảnh sát da trắng đè đầu gối vào gáy người đàn ông da màu trong nhiều phút, khiến người đàn ông này tử vong ngay sau đó. Bốn cảnh sát liên quan đến sự việc đã bị sa thải. Người trực tiếp ghì chân lên gáy Floyd bị bắt giam, truy tố về tội giết người cấp độ 3 với mức án tù có thể lên tới 25 năm.
Sự việc này đã thổi bùng ngọn lửa âm ỉ lâu nay về vấn nạn phân biệt chủng tộc tại nước Mỹ, dẫn tới những làn sóng biểu tình đòi quyền lợi cho người da màu. Tại nhiều thành phố lớn, đoàn người tuần hành chặn các tuyến đường, phóng hỏa và đụng độ với cảnh sát, buộc lực lượng an ninh Mỹ phải sử dụng biện pháp mạnh. Bộ Quốc phòng Mỹ đã triển khai 5.000 thành viên lực lượng Vệ binh quốc gia tại 15 tiểu bang, gồm cả thủ đô Washington để bảo đảm an ninh. Có ít nhất 40 thành phố đã được áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm, nhiều nhất kể từ năm 1968 - thời điểm mục sư người Mỹ gốc Phi Martin Luther King bị ám sát.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân sâu xa của các vụ bạo động sắc tộc tại Mỹ không phải chỉ vì mất an ninh hay tội phạm gia tăng, mà là hệ quả của một “hợp chúng quốc” luôn có những vết rạn nứt, thậm chí chia rẽ về chủng tộc mà chưa một đời Tổng thống Mỹ nào giải quyết được tận gốc rễ. Dù vậy, không thể phủ nhận rằng, trong lịch sử, Mỹ đã làm rất nhiều việc để phá bỏ các quan điểm gây chia rẽ, hàn gắn người dân, mà điển hình là nỗ lực xóa bỏ quan niệm quốc gia được tạo dựng nên bởi những người đàn ông da trắng. Ngay sau nội chiến (1861-1865), Quốc hội Mỹ cũng đã thông qua Tu chính án thứ 13, chính thức bãi bỏ chế độ nô lệ. Tới năm 1964, Đạo luật Dân quyền được thông qua, tuyên bố mọi sự phân biệt chủng tộc, màu da, nguồn gốc, giới tính đều là bất hợp pháp.
Bất chấp mọi “liều thuốc”, xung đột sắc tộc tại Mỹ được ví như một loại vi rút, chỉ nằm im chứ không thể bị tiêu diệt hoàn toàn và sẽ phát tác ngay khi có cơ hội. Điều này được thể hiện rõ nét qua các vụ việc gần đây, như khi thanh niên da màu Freddie Gray bị cảnh sát bắn chết hồi năm 2015 khiến làn sóng biểu tình từ Baltimore lan rộng ra các thành phố lớn nằm ở bờ Đông, như Washington, New York, Boston…
Tháng 7-2019, hàng nghìn người cũng đã tập trung trên đường phố Dallas (bang Texas) để phản đối cảnh sát bắn chết 2 người da màu. Theo những nhà hoạt động chống phân biệt chủng tộc tại Mỹ, hằng năm có hơn 1.000 vụ việc cảnh sát nước này nổ súng gây chết người và nhiều người trong số này là người Mỹ gốc Phi. Đây chính là “ngòi nổ” gây nên làn sóng phẫn nộ của người dân, đe dọa sự ổn định xã hội.
Các nhà chức trách Mỹ cho rằng, các nhóm có tổ chức đang tìm cách phá hoại tài sản và gây ra bạo lực với vỏ bọc là các cuộc biểu tình hợp pháp về phân biệt chủng tộc. Trong thông điệp trên mạng xã hội mới đây, Tổng thống Donald Trump khẳng định mình ủng hộ công lý cho người đàn ông da màu George Floyd, nhưng hành động đập phá, cướp bóc là hoàn toàn sai trái. Điều này gây ra nhiều hệ lụy cho nước Mỹ. Bên cạnh đó, dòng người đông đúc tụ tập biểu tình trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành khiến nhiều chuyên gia lo ngại làn sóng lây nhiễm thứ hai sẽ bùng phát, cuốn trôi mọi nỗ lực dập dịch của xứ Cờ hoa trong thời gian qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.