Hơn 45 năm qua, cái chết của nhà du hành vũ trụ Nga Yuri Gagarin, người đầu tiên của thế giới bước qua “cánh cửa” của Trái Đất và đi vào không gian, vẫn nằm trong vòng bí mật. Nhưng chi tiết về cái chết của ông năm 1968 đã vừa được người đầu tiên đi bộ trong không gian, Aleksey Leonov, công bố.
Gagarin, người đầu tiên đi vào vũ trụ ngày 12/4/1961, đã thiệt mạng khi chiếc máy bay MiG-15 của anh rơi vào ngày 27/3/1968.
Khi đó Gagarin mới 34 tuổi. Chi tiết về vụ tai nạn và cái chết của anh từ lâu vẫn là chủ đề khó hiểu và đầy mâu thuẫn với nhiều giả thiết khác nhau.
Nhà du hành vũ trụ Yuri Gagarin trước khi tàu vũ trụ Vostok-1 khởi hành ngày 12/4/1961. |
Hiện Leonov, người đầu tiên đi bộ trong không gian vào năm 1965, đã đấu tranh trong 20 năm để được phép tiết lộ chi tiết của ngày thảm kịch năm 1968.
Leonov là một thành viên của một Hội đồng nhà nước của Liên Xô được thành lập ngay sau khi Gagarin thiệt mạng, có nhiệm vụ điều tra thêm về vụ việc.
Leonov kể rằng nguyên nhân chiếc MiG-15UTI bị rơi theo công bố là do phi hành đoàn gồm Gagarin và người hướng dẫn dày dạn kinh nghiệm Vladimir Seryogin, đã lượn vòng để tránh một vật thể lạ nhưng máy bay rơi nhanh và cuối cùng đâm xuống đất khiến cả hai người thiệt mạng.
“Đối với một người bình thường thì nguyên nhân đó nghe có vẻ ổn – nhưng với những người chuyên nghiệp thì không phải như vậy”, Leonov nói với tờ Russiatoday.
Ông cũng cho biết ông luôn muốn sự thật được tiết lộ, ít nhất là với gia đình những người liên quan.
Theo một tài liệu mật, lỗi của con người là một phần nguyên nhân gây ra thảm kịch. Tài liệu này cho biết một chiêc chiến đấu cơ SU-15 bất ngờ bay sát máy bay của Gagarin ở mức độ rất nguy hiểm.
Leonov cho biết trong ngày hôm đó, ông chịu trách nhiệm huấn luyện nhảy dù. Ông nhớ lại rằng hôm đó trời có tuyết, mưa và gió và đang chờ xác nhận chính thức hủy bỏ các cuộc diễn tập.
Tuy nhiên không lâu sau đó ông nghe thấy một tiếng nổ kéo theo một âm siêu thanh. Khi đó ông biết một điều gì đó tồi tệ đã xảy ra.
“Chúng tôi biết theo kế hoạch hôm đó một chiếc SU-15 sẽ được bay thử nghiệm nhưng đáng lẽ phải bay ở độ cao 10.000 m hoặc cao hơn nữa thì hôm đó chiếc máy bay này này lại bay ở độ cao chưa tới 450-500m. Chiếc SU-15 đã vi phạm qui trình bay”, Leonov nói.
Ông Leonov thừa nhận các nhân chứng kể lại rằng SU-15 bay ra khỏi đám mây với phần đuôi bị bốc cháy.
Ông cho rằng chiếc SU-15 đã tiến sát máy bay của Gagarin tới mức nguy hiểm buộc Gagarin và Seryogin phải quay máy bay đột ngột khiến tốc độ vượt quá 450km/giờ, và máy bay bị rơi theo vòng xoáy sâu.
Sau khi Gagarin gửi một báo cáo rằng máy bay đang rơi và quay trở về căn cứ không có thêm báo cáo nào nữa, 55 giây sau chiếc máy bay của anh rơi xuống đất.
Nỗi lo sợ lớn nhất của Leonov thành hiện thực khi có một cuộc gọi tới căn cứ Chlkalovsky thông báo rằng một chiếc máy bay đã rơi xuống làng Novoselovo.
Tại hiện trường vụ tai nạn, đội tìm kiếm đã tìm thấy những phần thi thể còn lại của Seryogin nhưng không tìm thấy thi thể Gagarin.
Đội tìm kiếm cho rằng Gagarin đã thoát ra khỏi máy bay an toàn và đang ở đâu đó; nhưng một ngày sau, họ tìm thấy thi thể của Gagarin.
Nhà du hành vũ trụ Alexei Leonov, người đầu tiên đi bộ trong không gian, tiết lộ với tờ Russiatoday về nguyên nhân cái chết của Gagarin.
Nhà du hành vũ trụ Alexei Leonov, người đầu tiên đi bộ trong không gian, tiết lộ với tờ Russiatoday về nguyên nhân cái chết của Gagarin. |
Tuy nhiên, Leonov cho biết khi xem báo cáo về vụ việc ông thấy có nhiều điểm không nhất quán. Điểm không nhất quán lớn nhất là bản báo cáo trong đó có tên Leonov trong danh sách điều tra, các dữ liệu bị đưa vào khá lộn xộn.
Ông phân tích rằng theo báo cáo thì những tiếng ồn vang lên cách nhau từ 15 tới 20 giây nhưng cá nhân ông thì nghe thấy chúng chỉ cách nhau vài giây.
Báo cáo cho rằng 2 máy bay cách nhau ít nhất 45km. Nhưng các nhà điều tra đã tái hiện lại vụ tai nạn bằng cách sử dụng các mô hình trên máy tính và phát hiện ra nguyên nhân chính xác khiến máy bay của Gagarin rơi theo hình vòng xoáy với tốc độ chết người như vậy.
Mô hình trong máy tính vẽ ra hành trình bay sao cho khoảng thời gian từ khi có âm thanh vang lên và khi vụ nổ diễn ra là 55 giây.
Theo các chuyên gia, một chiếc máy bay sẽ rơi theo vòng xoáy sâu khi bị một chiếc máy bay to hơn và nặng hơn bay qua ở khoảng cách gần, tạo dòng khí làm lật nhào chiếc máy bay nhỏ hơn.
Leonov cho hay đây chính là điều đã xảy ra với máy bay của Gagarin. Ông cho rằng hành trình bay theo mô hình trên máy tính là sự lí giải hợp lí nhất và phù hợp với những dữ liệu mà các điều tra viên đã thu thập được.
Theo ông, có thể lí do khiến vụ tai nạn bị che đậy là các quan chức Nga muốn “giấu đi sự thật là họ đã mắc một sai lầm quá lớn ở ngay gần Mátxcơva”.
Mặc dù đã có bằng chứng chắc chắn về người phi công lái chiếc SU-15 đã khiến chiếc máy bay của Gagarin bị rơi, nhưng tên của người phi công này không được công bố.
Leonov cho hay để được phép công bố nguyên nhân cái chết của Gagarin, ông không được phép nêu tên của người phi công này. Chỉ biết người phi công đó hiện đang ở độ tuổi 80 và đang rất yếu.
Leonov cho biết ông được thông báo rằng việc đưa người phi công này ra ánh sáng sẽ “không giải quyết được vấn đề gì”.
Nikolay Stroev, Phó chủ tịch Ủy ban công nghiệp quân sự của Liên Xô, cho biết vụ việc đã diễn ra ngoài chủ ý của người phi công lái thử chiếc SU-15.
Người phi công này không nhìn thấy máy bay của Gagarin do bị mây che và anh ta đã bay ngang qua cách máy bay của Gagarin vài chục mét với tốc độ siêu thanh.
Sau vụ tai nạn, một số giả thuyết đã được đưa ra để lí giải nguyên nhân và một giả thuyết còn cho rằng máy bay của Gagarin đã đâm vào một vật thể bay không xác định (UFO).
Nhưng theo Leonov, dù thế nào thì vụ việc cũng coi như đã khép lại. Sự thật cuối cùng đã được tiết lộ để giải đáp cho những ai cảm thấy khó chịu vì một chủ đề đầy mâu thuẫn này bị giữ trong vòng bí mật quá lâu.
Nhà du hành Nga Valentina Tereshkova, người phụ nữ đầu tiên bay vào không gian, đã không bay nữa kể từ sau khi Gagarin thiệt mạng năm 1968.
Bà cho biết nhà nước Liên Xô không cho phép bà bay nữa bởi việc mất đi một nhà du hành thứ hai có vai trò quan trọng như vậy sẽ là điều khủng khiếp.
Trong một cuộc hội thảo của Ủy ban vì mục tiêu sử dụng hòa bình không gian vũ trụ (COPUOS) được tổ chức tại Liên Hợp Quốc, bà Tereshkova đã phát biểu rằng:
“Một điều đáng tiếc duy nhất là phải mất rất lâu sự thật mới được tiết lộ. Nhưng cuối cùng thì chúng ta cũng có thể cảm thấy thanh thản”.
“Họ cấm tôi bay trở lại, ngay cả những chiếc máy bay thông thường. Cái chết của một nhà du hành có tác động lớn đến nỗi họ muốn tôi luôn an toàn”, bà giải thích.
Nhưng nỗi buồn lớn nhất của bà vẫn là sự ra đi của Gagarin: “Tôi vẫn nhớ anh ấy. Đó là tổn thất không chỉ với chúng tôi, các nhà du hành vũ trụ, mà với cả toàn cộng đồng”, bà nói, cố kiềm chế để không bật khóc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.