(HNMO) – Theo ThS. Lê Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt (IEDV), tùy điều kiện, hoàn cảnh cụ thể mà các phụ huynh lựa chọn giải pháp phù hợp để quản lý trẻ trong những ngày hè.
Dưới đây là cuộc phỏng vấn:
ThS. Lê Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt |
-PV: Thưa bà, mùa hè đến, học sinh được nghỉ học, nhiều nhà không có giúp việc trong khi bố mẹ phải đi làm, vì vậy, nhiều gia đình ở thành phố gặp khó khăn trong việc quản lý con cái, bà có lời khuyên gì với những gia đình này để quản lý trẻ an toàn trong mùa hè?
-ThS. Lê Thị Lan Anh: Khó khăn trong việc quản lý con cái dịp nghỉ hè là vấn đề muôn thuở ở các thành phố lớn. Để quản lý trẻ an toàn có nhiều cách khác nhau, tùy từng gia đình, tùy điều kiện hoàn cảnh cụ thể mà lựa chọn giải pháp phù hợp, như:
Cho con về quê thăm ông bà, người thân; sống hòa mình với thiên nhiên, sinh tồn và thích nghi trong môi trường dân dã, không khí trong lành, song cũng cần lưu ý đảm bảo an toàn khi trẻ chơi gần ao hồ, sông suối, giếng nước…
Cho trẻ tham gia các lớp học kỹ năng sống, học kỳ quân đội, trại hè, các lớp năng khiếu, học bơi… là một giải pháp tuyệt vời nhằm hoàn thiện kỹ năng còn khuyết của con mà trường học chưa dạy, phát triển năng khiếu tiềm ẩn.
Cho trẻ tham gia các khóa học trải nghiệm tự sinh tồn, tách biệt hoàn toàn khỏi bố mẹ. Từ đó, từng bước nuôi dưỡng khả năng tự lập, tự chăm lo bản thân, tự ứng biến khi xảy ra sự cố không mong muốn… Khi con đã được trang bị và thực hành nhuần nhuyễn các kỹ năng thiết yếu, cha mẹ có thể yên tâm để con ở nhà một mình (nếu con đã trên 6 tuổi).
Hướng dẫn con làm lịch hoạt động sáng/trưa/chiều tại nhà, mỗi hoạt động diễn ra trong 30-60 phút, dùng các trò chơi với đồ dùng sẵn có trong nhà theo hình thức: Đóng vai, giả tưởng, sáng tạo, tô màu, vẽ tranh, đọc sách, nghe bài hát tiếng Anh… Những hoạt động này phù hợp với bé từ 7 tuổi trở lên, trước đó đã được bố mẹ, gia đình thường xuyên hướng dẫn con khả năng tự lập, biết cách sử dụng an toàn các thiết bị điện dân dụng trong nhà.
Nếu gia đình có điều kiện, cả nhà nên cùng đi du lịch trải nghiệm. Thông qua các chuyến đi, bố mẹ hướng dẫn cho con thêm các kỹ năng sinh tồn, độc lập, tự chủ và tự tin trước người lạ…
-PV: Vẫn biết cho con tham gia học kỳ quân đội vào mùa hè là ý kiến hay, nhưng hiện nhiều đơn vị tổ chức các chương trình sinh hoạt hè như cho trẻ “đi lính”, chương trình nghe rất hay, hấp dẫn những thực tế lại không được như giới thiệu. Theo bà, có nên cho trẻ “đi lính” vào dịp hè? Vì sao? Trẻ ở tuổi nào “đi lính” là phù hợp? Lời khuyên của bà với các bậc phụ huynh để chọn được các đơn vị tổ chức cho trẻ “đi lính” tốt khi vào hè? Bà có cho rằng, các chương trình đó cần có sự giám sát của cơ quan chức năng? Vì sao?
- ThS. Lê Thị Lan Anh: Phụ huynh rất nên cho con tham gia các khóa kỹ năng hè dài ngày dù được gọi tên theo hình thức này hay hình thức khác, song, nếu lựa chọn được các tổ chức uy tín, cam kết chất lượng, chuyên gia/huấn luyện viên/giáo viên giỏi, có kinh nghiệm, con trẻ sẽ có những bước tiến vượt bậc. Thử nghĩ xem, hàng ngày chúng ta bao bọc trẻ trong môi trường quá nhỏ; các khóa hè là dịp để con tự sống, tự vui chơi, tự hòa mình vào các hoạt động nhộn nhịp, sôi động, hấp dẫn và rèn luyện kỹ năng thì rất nên. Xã hội càng phát triển, chúng ta sẽ thấy, học giỏi thôi chưa đủ, người thành công phải hội tụ rất nhiều kỹ năng xuất sắc.
Gọi là “đi lính” nghe cho có vẻ người lớn, thực ra là hoạt động sống độc lập tách biệt khỏi gia đình dài ngày. “Đi lính” về mặt hình thức giúp các con có những trải nghiệm hoàn toàn mới, kết hợp giữa học và chơi một cách hài hòa để thư giãn, nghỉ ngơi sau một năm học căng thẳng. Đây là giá trị nhân văn của các khóa huấn luyện hè rất cần được phát huy - điều mà giáo dục trường học vì nhiều lý do chưa thể làm được.
Khi tiến hành các hoạt động ngoại khóa cho học sinh, hơn bao giờ hết, các đơn vị tổ chức phải cam kết, đảm bảo an toàn, chất lượng trước phụ huynh, học sinh. Vì nếu làm tốt, họ mới có cơ hội phát triển và ngược lại là tự tiêu diệt. Vai trò của các cơ quan nhà nước bên cạnh việc giám sát, còn là sự hỗ trợ giải pháp, cơ sở vật chất, con người… để họ làm tốt hơn nữa, nâng cao hơn nữa chất lượng mỗi khóa học. Mục tiêu tối thượng là hiệu quả, giá trị mang lại cho con trẻ.
-PV: Có ý kiến cho rằng, hè đến vẫn cần cho con học thêm các môn như: Toán, Văn, Ngoại ngữ…để con duy trì thói quen học tập, nhưng có ý kiến lại nghĩ làm như thế sẽ khiến trẻ mất đi những ngày hè thực sự, ý kiến của bà về vấn đề này?
- ThS. Lê Thị Lan Anh: Suốt 9 tháng, học trò đã phải vật lộn với bốn bức tường, các con chữ và kỳ thi, vậy tại sao hơn 1 tháng hè ít ỏi, chúng ta lại bắt chúng “tự kỷ” với mớ bòng bong đó? Đây là câu hỏi của nhiều phụ huynh có tư tưởng “giải phóng mùa hè cho con” phản đối việc học thêm.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet |
Tuy nhiên, quan điểm của tôi là cần dung hòa giữa hai thái cực:
Thứ nhất: Mùa hè là mùa để cho trẻ chơi, để cho trẻ thư giãn, để cho trẻ được sống với “đúng tuổi thơ” của mình - đặc biệt là với trẻ thành phố vốn cả năm học bị “áp tải” trong bốn bức tường trường học, về nhà loanh quanh bốn bức tường gia đình chật chội, bí bách và nghèo nàn trò chơi, hoạt động tuổi thơ.
Thứ hai: Nếu có học thì không phải cắp cặp đến nhà thầy, nhà cô học thêm, học "gạo" một cách nhàm chán. Nếu là học, phải là học kỹ năng, học sinh tồn, học sống độc lập, học làm việc nhóm, học sẻ chia… những điều mà giáo dục truyền thống chưa đủ điều kiện, thời gian, con người để dạy cho trẻ.
Những bạn học quá yếu kém cần ôn lại kiến thức văn hóa thì bố mẹ cũng nên cân đối thời gian phù hợp giữa học và chơi, đừng quá o ép con với mớ kiến thức tẻ nguội. Lợi bất cập hại, con học trong tâm trạng u uất, ép buộc sẽ phản tác dụng.
Ngoài ra, để nâng cao vốn tiếng Anh, các trại hè tiếng Anh cũng là một lựa chọn tuyệt vời cho những gia đình có điều kiện tài chính.
-PV: Nhiều gia đình muốn cho con học múa, bơi, âm nhạc, đá bóng… vào dịp hè nhưng không biết những lứa tuổi nào hợp với với các môn đó. Theo bà, mỗi môn học trên phù hợp với các lứa tuổi cụ thể nào?
- ThS. Lê Thị Lan Anh:Mỗi môn học có yêu cầu độ tuổi và thể lực khác nhau. Để có câu trả lời tốt nhất về từng môn, cha mẹ nên tìm hiểu từ chính các chuyên gia trong lĩnh vực đó. Các trung tâm đào tạo các bộ môn đặc thù, họ có nhân sự tư vấn cho từng trường hợp cụ thể.
- PV: Ở vùng nông thôn không có bể bơi, lại ít sân chơi, nên cứ vào dịp hè về, học sinh lại kéo nhau ra tắm ở các sông suối, ao, hồ. Vì vậy nguy cơ các em bị đuối nước là rất cao. Đây là vấn đề nhức nhối mỗi khi hè đến. Lời khuyên của bà với những phụ huynh ở nông thôn trong những ngày hè?
- ThS. Lê Thị Lan Anh: Theo tôi, nên dạy cho trẻ tập bơi từ khi còn nhỏ. Ở nước ngoài, con trẻ được học bơi từ trước 1 tuổi, họ dạy trẻ tự nổi, tự khuơ chân trong nước mà không bị chìm. Lớn lên, bơi lội trở thành sở thích, thành môn thể thao phát triển thể lực. Ở Việt Nam, chúng ta cũng rất nên cho trẻ học bơi sớm, càng sớm càng tốt.
Thường xuyên hướng dẫn trẻ các kỹ năng bơi, chơi an toàn, cách phát hiện và tránh xa khu vực nguy hiểm; cách hô hoán, tìm người trợ giúp khi bạn bị đuối nước; hạn chế tối đa việc chơi đùa, tắm ao hồ khi không có người lớn quản lý… Đó chỉ là một trong số nhiều giải pháp mang tính phòng bị, chứ không phải để khi trẻ bị đuối nước, chết ngạt mới hối hận.
-PV: Tập bơi là giải pháp hiệu quả chống đuối nước trẻ em nhưng ở nông thôn các em hầu như không được học bơi, giải pháp cho vấn đề này là gì, thưa bà?
- ThS. Lê Thị Lan Anh: Như tôi đã phân tích ở trên, để hạn chế tối đa việc đuối nước, chỉ có cách duy nhất là dạy trẻ học bơi. Bằng nhiều cách khác nhau: Bố mẹ tự dạy con, nhờ người biết bơi dạy, mời thầy về dạy cho học sinh cả xóm, hướng dẫn con các kỹ thuật căn bản bơi an toàn…
-PV: Theo bà, các cấp chính quyền, Đoàn Thanh niên phường, xã có vai trò như thế nào để giúp các em có một mùa hè vui vẻ và an toàn?
- ThS. Lê Thị Lan Anh:Tôi là một người may mắn được dung dưỡng và trưởng thành từ môi trường Đoàn Thanh niên phường, xã, từ các hoạt động đoàn-đội ở địa phương, ở trường khi tôi còn nhỏ; vì thế, tôi hiểu rằng, môi trường Đoàn nếu được tổ chức bài bản, khoa học thì sẽ rất tốt cho trẻ em.
Chỉ tiếc là ngày nay, nhiều địa phương chưa phát huy, chưa huy động được nhiều nguồn lực: con người, trí tuệ… cho hoạt động Đoàn. Phong trào một số nơi chỉ mang tính chiếu lệ, dạy cho trẻ một vài tiết mục để đi thi chứ không duy trì sinh hoạt đều đặn, phong phú và sâu như hồi chúng tôi còn nhỏ. Đây cũng là thiệt thòi cho trẻ em những khu vực mà Đoàn không phát triển.
-Xin cảm ơn bà!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.