Theo dõi Báo Hànộimới trên

HĐND TP Hà Nội chất vấn các vấn đề về kinh tế và quản lý đô thị

Nhóm PV HNMO| 02/08/2016 07:53

(HNMO) - Sáng nay (2/8) bước sang ngày làm việc thứ hai, HĐND TP Hà Nội dành trọn một ngày để chất vấn các thành viên UBND TP về các vấn đề "nóng" được nhiều cử tri quan tâm.

11:44 02/08/2016

Phát biểu trước khi kết thúc phiên chất vấn sáng nay, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, chiều nay sẽ dành thêm khoảng 1 giờ đồng hồ cho nội dung chất vấn thứ hai liên quan đến công tác quản lý đô thị. Ngoài Giám đốc CS PCCC, một Phó Chủ tịch UBND TP phụ trách vấn đề này sẽ cùng trả lời các nội dung đại biểu nêu.

11:26 02/08/2016

Trả lời câu hỏi của các ĐB, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc CS PCCC Hà Nội cho biết, các cấp, các ngành và dư luận hiện rất quan tâm đến công tác PCCC, cứu nạn, cứu hộ.

Vừa qua, Thành uỷ, HĐND, UBND TP dành nhiều công sức chăm lo cho công tác này cả về cơ sở vật chất, con người, điều kiện làm việc, từng bước tháo gỡ những khó khăn, bất cập về công tác PCCC trên địa bàn Thủ đô.


Giám đốc CS PCCC Hoàng Quốc Định


Trước những vấn đề ĐB và cử tri quan tâm, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định cho biết: 

Về kết quả chung: 6 tháng qua, tình hình thực hiện công tác PCCC đã đề ra biện pháp, giải pháp toàn diện, đồng bộ, chỉ đạo phân công cụ thể cho từng cấp, từng ngành. CS PCCC TP Hà Nội đã triển khai công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm với nhiều cố gắng đáng kể. Năm 2015 qua kiểm tra đã xử phạt hơn 5,8 tỷ. 6 tháng đầu năm 2016 xử phạt 3,6 tỷ đồng.

Về những tồn tại ở nhà tái định cư như ĐB Nguyễn Hoài Nam nêu, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định lý giải có những vấn đề, điều kiện cũng hạn hẹp trong đầu tư trang thiết bị. Nhiều công trình đã đầu tư nhưng trong quá tình sử dụng thiết bị gặp hư hỏng, không còn hoạt động được nữa. Nếu khắc phục vấn đề tuyên tuyền, huấn luyện, treo nội quy hướng dẫn thì lực lượng CS PCCC làm được nhưng tất cả những vấn đề còn lại liên quan đến mua sắm thì cần kinh phí.

- "Đồng chí trả lời từ nãy đến giờ nhưng trách nhiệm thuộc về ai?" - Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc ngắt phần trả lời và nêu vấn đề mấu chốt chưa được làm rõ.

- "Trước hết là trách nhiệm chủ đầu tư, chủ quản lý, người được giao nhiệm vụ quản lý toà nhà" - Thiếu tướng Hoàng Quốc Định trả lời.

- "Vậy việc cấp phép thẩm định hồ sơ PCCC thuộc về ai?" - Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc tiếp tục chất vấn.

- "Để trả lời phần xử phạt và xử lý các đơn vị tái phạm đã làm cương quyết chưa, hết trách nhiệm chưa thì tôi phải nói là chưa hết. Có phạt nhưng tác động để thúc đẩy việc chấp hành chưa đi đến kết quả cuối cùng" - Thiếu tướng Định thừa nhận.

Liên quan đến trách nhiệm để tồn tại, đi vào hoạt động những toà nhà mà không có giấy chứng nhận nghiệm thu về PCCC, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định cho biết, trước hết bản thân người dân, chủ DN thiếu ý thức trách nhiệm và liên quan đến kinh phí đầu tư.

Ngoài ra, trong cơ chế quy định hiện nay còn kẽ hở khiến các cơ quan, ngành quản lý cho người dân vào ở các toà nhà đã được nghiệm thu mà chưa có giấy nghiệm thu về PCCC. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng phải có trách nhiệm quản lý.

11:17 02/08/2016

ĐB Nguyễn Hoài Nam (Thạch Thất) ghi nhận sau phiên chất vấn kỳ họp thứ 14, HĐND TP khóa XIV vào tháng 12/2015, số lượng đợt kiểm tra, rà soát, xử lý vi phạm phóng cháy chữa cháy (PCCC) là trên 16 nghìn vụ, tăng 14% so với cùng kỳ; xử lý và đình chỉ 16 cơ sở vi phạm, tăng gấp đôi. Qua kiểm tra xử lý như vậy, có thêm 170 chủ đầu tư vi phạm trong đợt kết luận trước đã chủ động khắc phục và nghiệm thu PCCC.

Tuy nhiên, dù báo cáo nêu lên tình hình PCCC hết sức khả quan về các khu nhà tái định cư, nhưng thực tế ghi nhận chất lượng PCCC tại các khu này đều không đạt yêu cầu, cụ thể là: Tủ chữa cháy có nhưng hỏng; Không có bất kỳ hệ thống báo cháy nào; Còi không thể hoạt động được, không chịu được áp lực.

Chúng tôi cũng đã có hình ảnh ghi lại và tất cả đều được nêu trong báo cáo kết luận số 42. Hai khu tập trung nhiều nhà tái định cư nhất là khu Đền Lừ và Mễ Trì. Các khu tái định cư cũng thể hiện nhiều yếu kém nhất trong công tác PCCC. Tuy nhiên, thành phố chỉ dừng lại ở mức yêu cầu các công ty một thành viên giám sát chứ chưa có hành động cụ thể.

Vậy đề nghị cơ quan chức năng làm rõ những vấn đề nêu trên.

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Bích Thủy đặt câu hỏi: Trách nhiệm xử lý các vi phạm sau kiểm tra của lực lượng PCCC thực hiện như thế nào?
Trong thời gian qua cảnh sát PCCC đã khắc phục những tồn tại, số công trình đã hoàn thành đạt 91/196 hồ sơ. Tuy nhiên, cách đây 6 - 7 ngày TP đã để xảy ra vụ cháy tại Hà Nội, đề nghị cảnh sát PCCC cho biết, trách nhiệm quản lý của mình trong việc phòng CCCH, nguyên nhân của tình trạng trên?

Đại biểu Nguyễn Nguyên Quân: Tình trạng khắc phục phòng cháy chữa cháy ở các khu chung cư rất chậm nếu để xảy ra cháy nổ thì thiệt hại rất lớn. Đề nghị đồng chí Giám đốc CS PCCC cho biết rõ, trách nhiệm cơ quan PCCC đến đâu, của Sở Xây dựng đến đâu và các cơ quan liên quan đến đâu? Có hay không việc các chủ đầu tư không khắc phục việc PCCC?

11:13 02/08/2016

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết đây lần đầu tiên đưa nội dung liên quan đến các chính sách hỗ trợ cho DN ra chất vấn tại kỳ họp HĐND. Qua 6 ý kiến phát biểu và 5 ý kiến chưa được phát biểu, 3 giám đốc Sở và một Phó Chủ tịch UBND TP trả lời cho thấy các câu hỏi đi vào trọng tâm và phần trả lời nắm chắc câu hỏi, đi thẳng vào vấn đề.


Ảnh: Nguyễn Hùng


Chủ tịch HĐND TP một lần nữa khẳng định quan điểm lãnh đạo của TP là rất quan tâm đến phát triển DN, có nhiều giải pháp hỗ trợ, coi đây là nòng cốt trong phát triển kinh tế của Hà Nội. Số DN đóng góp cho ngân sách TP chiếm 60% tổng thu cho ngân sách địa bàn.

Trong 6 tháng đầu năm, đã có chuyển biến tích cực trong hỗ trợ cho DN như thành lập Ban chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho DN; ban hành kế hoạch khắc phục nhóm vấn đề khi xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh PCI còn kém; tổ chức hội nghị xúc tiến, cải cách hành chính...

Chủ tịch HĐND TP cũng lưu ý Hà Nội phải cụ thể hoá, có lộ trình, phân công, phân nhiệm để thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao cho Hà Nội phải đi đầu, tiên phong, trở thành trung tâm khởi nghiệp, trung tâm sáng tạo của cả nước và phấn đấu thành lập 200.000 DN mới vào năm 2020, bên cạnh việc nuôi dưỡng, phát huy hoạt động của 120.000 DN hiện có.

TP rà soát đánh giá hoạt động, thực trạng sản xuất kinh doanh của DN, đặc biệt với hàng ngàn DN không kê khai hoạt động, nợ thuế để có giải pháp xử lý; Đánh giá lại chính sách đã ban hành hiệu quả đến đâu, cần bổ sung gì cho phù hợp với điều kiện; Tăng cường đối thoại với DN và giải quyết những vấn đề sau đối thoại và có lộ trình để giải quyết 7 nhóm vấn đề còn bị xếp hạng thấp trong xếp hạng chỉ số PCI.

10:54 02/08/2016

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản trả lời thêm các vấn đề đại biểu: TP Hà Nội đang tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội 2016 - 2020; Huy động vốn đầu tư xã hội là 2,5 triệu tỉ đồng; TP Hà Nội tập trung tối đa các nguồn lực phát triển.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản


- Về cải cách kinh tế: Trong 6 tháng đầu năm, công tác CCHC đã cải thiện rõ nét từ thuế, hải quan, tiếp cận đất đai, điện lực... các chỉ số, chỉ tiêu đạt đạt là tích cực

- Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực: Hà Nội là TP đặc biệt, có nguồn nhân lực cao nhất cả nước. TP Hà Nội quan tâm đến các trường đào tạo trên địa bàn, các trường đào tạo nghề, những trường chất lượng cao để đáp ứng được nhu cầu nhân lực của DN.

- Vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng: Trong 6 tháng đầu năm, TP Hà Nội đã rà soát các quy hoạch về giao thông. Với đô thị dân số lớn, luôn có vấn đề ùn tắc giao thông, TP Hà Nội đã tập trung vào giải quyết ùn tắc giao thông. Hiện, Hà Nội đã xây dựng 8 công trình theo cơ chế đặc thù, trong đó đã xây dựng được 2 công trình, 6 công trình còn lại sẽ thực hiện đến cuối năm.

- Vấn đề xúc tiến đầu tư: Lãnh đạo TP chỉ đạo quyết liệt việc cải cách các thủ tục hành chính để thu hút các DN, đặc biệt là các DN nước ngoài. Lãnh đạo TP đã dành nhiều thơi gian để tiếp các nhà đầu tư, nghe tâm tư của các nhà đầu tư để giải quyết những khó khăn.

Năm 2016, Hà Nội đã hợp tác đầu tư phát triển với các đại sứ, đưa ra thông điệp rất lớn trong việc thu hút đầu tư. TP Hà Nội cam kết nếu các DN muốn đầu tư tại Hà Nội, TP sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các DN. Ngoài ra, TP tổ chức các đoàn đi xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư tại thị trường các nước. Các DN trong nước rất phấn khởi khi tham gia, nhiều DN đã mở rộng thị trường tại một số nước.

 - Vấn đề sử dụng đất: Trước câu hỏi tại sao các DN lại chịu phí thuê đất cao (cụ thể tại Phú Xuyên), đồng chí Nguyễn Doãn Toản cho biết, TP thực hiện đúng theo bảng giá của CP về bồi thường, giải phóng mặt bằng, tuy nhiên, so với các tỉnh lân cận Hà Nội vẫn cao hơn 3,8 lần. Ngoài ra, suất đầu tư hạ tầng, chi phí đầu tư, nguyên vật liệu, nhân công ở Hà Nội cao hơn nên các nhà đầu tư cộng các chi phí này cùng với tiền GPMB sẽ phải chịu phí cao hơn.

Đông chí Nguyễn Doãn Toản cũng cho biết, hiện các khu công nghiệp của TP Hà Nội đã được các DN lấp đầy. Trong 6 tháng đầu năm, đang tập trung đẩy mạnh tiến độ đầu tư 3 khu CN. Thời gian tới, TP tiếp tục đẩy mạnh hạ tầng cơ sở để các DN phát triển trên địa bàn.

- Vấn đề phát triển du lịch: Thành ủy đã có quy định phát triển du lịch đến năm 2020 với mục tiêu để ngành du lịch Thủ đô trở thành mũi nhọn, đóng góp vào GDP của TP.

10:45 02/08/2016

Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Trọng Đông


Liên quan đến hỗ trợ DN cải thiện môi trường đầu tư, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Trọng Đông cho biết, trong thời gian vừa qua Sở đã tích cực tham mưu với thành phố trong việc CCHC. Sở đã rà soát và cắt giảm 30 – 50% thủ tục, giảm thời gian giải quyết ít nhất 30% với lĩnh vực môi trường, thủ tục đăng ký đất đai không quá 14 ngày. Bên cạnh đó, Sở cũng thực hiện việc luân chuyển hồ sơ triệt để, từ quyết định giao đất, bàn giao mốc giới... chỉ sử dụng 1 hồ sơ và không cần nộp hồ sơ mới với các thủ tục khác.

Về việc ứng dụng CNTT, Sở đã ứng dụng cung cấp thông tin cấp độ 3 về quy hoạch sử dụng đất cho DN...

Về câu hỏi của ĐB Nguyễn Hoàng liên quan đến giá đất Hà Nội, trong thời gian vừa qua, các ngành đã tham mưu với UBND thành phố để tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc xác định giá đất và giảm chi phí đầu tư. Bảng giá được xây dựng 5 năm 1 lần, cao nhất hiện nay là 47 triệu đồng và thấp nhất là 315 ngàn đồng. Hệ số giá thuê đất tại nội thành là 1,3 còn ngoại thành được đề xuất áp dụng hệ số 1. Mỗi năm, doanh nghiệp phải nộp 1 - 2% khung giá thành phố.

Về kiến nghị giảm giá, Hà Nội cũng đã đề xuất và báo cáo Chính phủ, nhất là trong các khu công nghiệp và chú trọng phạm vi giáp ranh giữa các tỉnh để hạn chế khó khăn trong việc chênh lệch khung giá. Đây cũng là rào cản của chỉ số đất đai Hà Nội bởi khung giá cao hơn hẳn so với các tỉnh.

10:31 02/08/2016

ĐB Nguyễn Hoàng (Phú Xuyên) nêu thực trạng chương trình hành động, chính sách hỗ trợ với các DN trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chưa đủ mạnh để thúc đẩy DN công nghiệp hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Do đó, ĐB đề nghị UBND TP có ý kiến, có sự quan tâm hơn nữa để thúc đẩy ngành CN hỗ trợ Hà Nội phát triển.


Đại biểu Nguyễn Hoàng.

ĐB Nguyễn Nguyên Quân gửi câu hỏi tới Giám đốc Sở Công thương, đề nghị cho biết kết quả thực hiện chương trình đầu tư xúc tiến thương mại, hỗ trợ DN như thế nào? Hiệu qủa chương trình đến đâu? Hạn chế gì trong thực hiện và giải pháp tới đây của TP để thực hiện tốt chương trình này?

10:20 02/08/2016

Trả lời các câu hỏi của ĐB về thực hiện các chính sách hỗ trợ cho DN, ông Hà Minh Hải, GĐ Sở Tài chính đánh giá chính sách hỗ trợ của TP hiện nay rất tốt cho DN. TP chỉ đạo hỗ trợ đúng đối tượng, xác thực, hiệu quả, lắng nghe vướng mắc, khó khăn của từng DN, từng lĩnh vực ngành nghề...

Giám đốc Sở Tài chính Hà Minh Hải trả lời chất vấn.

Liên quan đến kiến nghị, phương hướng của Sở Tài chính, ông Hà Minh Hải cho biết: Hiện quy mô, mức độ của Hà Nội khác các tỉnh khác, Sở Tài chính đã đề xuất TP giải quyết, thủ tục liên quan đến sửa, bổ sung các chính sách, đề xuất giải pháp thực hiện như sau:

- Vấn đề liên quan đến hỗ trợ: Sở Tài chính đang bàn với Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu mô hình quỹ khởi nghiệp, thành lập mới doanh nghiệp, tham mưu những chính sách hỗ trợ.

- Liên quan dến hỗ trợ vốn và các chính sách: Sở Tài chính công khai thông tin đến quy hoạch, sử dụng đất

- Liên quan đến CCHC: Đã lắng nghe, trao đổi, về cơ bản các DN đã nắm bắt được các chính sách. Tuy nhiên, trong vấn đề hành chính, cần thay đổi thái độ phục vụ.

Ông Hà Minh Hải cho biết Sở Tài chính và các ngành sẽ công khai và tuyên truyền mạnh hơn các đối tượng được hưởng chính sách trên cơ sở đưa lên nhiều kênh như thông qua có quan thuế để truyền tải nội dung đến các DN.

10:15 02/08/2016

Ông Nguyễn Văn Tứ, GĐ Sở Kế hoạch - Đầu tư

Trả lời câu hỏi của ĐB Trịnh Thị Vân Hoa về việc bảo đảm chất lượng DN bên cạnh mục tiêu đạt 200.000 DN đăng ký mới, Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Văn Tứ khẳng định chương trình đề án sắp triển khai sẽ quan tâm tới cả hai vấn đề chất lượng và số lượng. Cụ thể là:

1.Tiếp tục tăng cường thực hiện chương trình đào tạo quản trị và khởi sự doanh nghiệp.

2.Đào tạo CEO - chương trình đào tạo tổng giám đốc theo mô hình Mỹ. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, bên cạnh thời cơ còn nhiều cạnh tranh và thách thức. Bởi vậy, từ năm 2016, chương trình này sẽ được triển khai nâng cấp theo yêu cầu của thành phố.

3.Hà Nội là một trong những địa phương có mô hình vườn ươm doanh nghiệp. Chương trình này hiện đang ươm tạo 10 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm và tiến tới mở rộng sang lĩnh vực công nghệ thông tin.

4.Tiếp tục triển khai xây dựng đề án hỗ trợ doanh nghiệp khởi sự sáng tạo, theo hướng tăng cường sử dụng ý tưởng kinh doanh mới, sở hữu trí tuệ để nâng cao khả năng cạnh tranh. Từ đó thành lập 1 trung tâm hỗ trợ sáng tạo có sự trợ giúp hợp tác từ ngân hàng ADB, ĐSQ Israel và một số doanh nghiệp trong nước.

5.Xã hội hóa hỗ trợ doanh nghiệp bằng việc kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp xây dựng quỹ.

09:58 02/08/2016

ĐB Lê Thanh Sơn (Đông Anh) nêu 3 câu hỏi:

- Chính sách hỗ trợ lãi suất sau đầu tư năm 2015 theo Nghị quyết 6277 của UBND TP, là khoản hỗ trợ thiết thực giúp DN vượt khó, tăng cạnh tranh. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ hỗ trợ 10 DN với 11,3 tỷ dồng. Vì sao mới chỉ giải ngân như vậy? Công tác tuyên truyền đã tiến hành như thế nào?

- Việc triển khai Nghị quyết 04 của HĐND về chính sách ưu đãi tổ chức cá nhân đầu tư phát triển công nghệ đến nay TP đã cấp 27 tỷ đồng và tiếp tục tăng lên. TP nên khẩn trương chỉ đạo các sở ngành triển khai để DN được hưởng chính sách này?

- Hiện nay giá thuê đất HN đang ở mức cao so với các tỉnh lân cận, khiến giá thành sản phẩm của DN tăng cao, hạn chế năng lực cạnh tranh của DN thủ đô. Vậy giải pháp cụ thể nào để tháo gỡ cho DN trong vấn đề này?

Đại biểu Lan Hương chất vấn. Ảnh: Bùi Việt

ĐB Lan Hương (Đông Anh) nêu 2 câu hỏi: Khi nào TP triển khai Quỹ hỗ trợ cho DN ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo và làm thế nào DN được tiếp cận? Giải pháp gì giúp cộng đồng DN dễ dàng hơn trong đăng ký khoa học công nghệ?

Về vấn đề Đào tạo và nâng cao chất lượng đội ngũ chủ DN và Giám đốc DN, ĐB Lan Hương nêu kiến nghị Sở Kế hoạch Đầu tư nên phối hợp với các Hiệp hội DN, có thể giao ngân sách hỗ trợ cho các Hiệp hội. TP chỉ cần quản lý qua chỉ tiêu, còn các Hiệp hội tự biết DN cần đào tạo kỹ năng gì, có thể mời các chuyên gia hàng đầu thế giới về giảng dạy, đào tạo một cách thiết thực, phù hợp với DN nhất.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
HĐND TP Hà Nội chất vấn các vấn đề về kinh tế và quản lý đô thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.