Chính trị

HĐND thành phố Hà Nội và HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục gắn kết, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động công tác

Vũ Thủy

Chiều 19-7, tại thành phố Vũng Tàu, Đoàn công tác của HĐND thành phố Hà Nội đã thăm, làm việc với HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

3(1).jpg
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Viết Thành

Chuyến công tác nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ phối hợp giữa hai tỉnh, thành phố và trao đổi, chia sẻ về các kinh nghiệm trong công tác tổ chức bộ máy, các giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động cơ quan dân cử.

Đoàn công tác HĐND thành phố Hà Nội có các đồng chí: Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố; Bùi Huyền Mai, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Quận ủy Thanh Xuân; Phạm Quí Tiên, Phó Chủ tịch HĐND thành phố; Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố...

Tiếp đoàn về phía tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có các đồng chí: Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu; Mai Ngọc Thuận, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Hoàng Hải, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh...

Hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển các ngành kinh tế biển

Thông tin khái quát với đoàn công tác HĐND thành phố, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh cho biết, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc vùng Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tỉnh có 8 đơn vị hành chính, gồm: 2 thành phố (thành phố Bà Rịa và thành phố Vũng Tàu), 1 thị xã Phú Mỹ và 5 huyện trực thuộc (Châu Đức, Côn Đảo, Đất Đỏ, Long Điền, Xuyên Mộc).

Với vị trí là cửa ngõ hướng ra biển Đông của các tỉnh, thành phố trong khu vực, Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương duy nhất của vùng Đông Nam Bộ hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển các ngành kinh tế biển, như: Khai thác dầu khí, cảng biển và vận tải biển, khai thác và chế biến hải sản, phát triển du lịch nghỉ dưỡng và tắm biển. Hiện nay, bên cạnh các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đang được Trung ương triển khai tại vùng Đông Nam Bộ, tỉnh cũng đang đầu tư xây dựng một số tuyến đường trọng điểm, như: Đường 991B, đường Phước Hòa - Cái Mép, đường tỉnh 991 nối dài, đường tỉnh 992 đoạn từ quốc lộ 51 đến đường Vành đai 4 - thành phố Hồ Chí Minh, đường ven biển (tỉnh lộ 994) Vũng Tàu đi Bình Châu, đường kết nối với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu nhằm kết nối đồng bộ với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực Tây Nam Bộ.

1(2).jpg
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Viết Thành

Để phát huy hiệu quả những lợi thế, tiềm năng nhằm tạo động lực thúc đẩy cho 4 trụ cột kinh tế của tỉnh: Công nghiệp, cảng biển và logistic, du lịch và đô thị, dịch vụ chất lượng cao đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1629/QĐ-TTg ngày 16-12-2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục kiên trì thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án quy mô lớn, có công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; xây dựng tốt môi trường đầu tư kinh doanh, công khai, minh bạch các thông tin, đáp ứng nhu cầu, tạo sự thuận tiện hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp; phát triển khu vực kinh tế tư nhân, hướng tới hình thành một số doanh nghiệp địa phương đủ năng lực để tham gia liên kết, liên doanh với các tập đoàn kinh tế lớn.

Về tổ chức bộ máy của HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026, đến nay, tỉnh có 51 đại biểu. Tỉnh có Chủ tịch HĐND tỉnh và 2 Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; 3 ban HĐND tỉnh. Thường trực HĐND tỉnh tổ chức các phiên họp định kỳ theo đúng chương trình, kế hoạch đề ra hằng năm. Công tác điều hành phiên họp được Thường trực HĐND tỉnh thực hiện linh hoạt, bảo đảm dân chủ, nghiêm túc.

Ngoài ra, tùy theo yêu cầu nhiệm vụ, định kỳ 2 tuần/lần, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức họp giao ban với lãnh đạo chuyên trách các ban HĐND và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh; chỉ đạo xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành Quy chế hoạt động của Đảng đoàn HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026; Quy chế hoạt động của HĐND tỉnh khóa VII, nội quy kỳ họp HĐND tỉnh khóa VII, Quy chế làm việc của Thường trực HĐND tỉnh khóa VII, Quy chế tiếp công dân của Thường trực HĐND và đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026; ban hành chế độ chính sách hoạt động của HĐND và đại biểu HĐND các cấp theo đúng quy định...

6.jpg
Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp đoàn công tác thành phố Hà Nội. Ảnh: Viết Thành

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực, các Ban HĐND tỉnh và Văn phòng đã làm tốt công tác tham mưu, giúp việc Đảng đoàn HĐND tỉnh có ý kiến về một số nội dung theo yêu cầu của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy hoặc theo đề nghị của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh và các cơ quan Đảng của tỉnh; cho ý kiến về nội dung trình kỳ họp HĐND tỉnh và các nội dung khác thuộc thẩm quyền của Đảng đoàn HĐND tỉnh…

Thường trực, các Ban HĐND tỉnh và các đại biểu HĐND tỉnh thực hiện tốt chức năng giám sát, thông qua đó rà soát, đề xuất, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các hoạt động phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Từ đầu nhiệm kỳ đến tháng 7-2024, HĐND tỉnh tổ chức thành công 22 kỳ họp (trong đó, 7 kỳ họp thường lệ, 15 kỳ họp chuyên đề), qua đó, HĐND tỉnh thông qua 349 nghị quyết (gồm 72 nghị quyết quy phạm pháp luật và 277 nghị quyết cá biệt), trong đó, có nhiều nghị quyết rất quan trọng, tác động sâu rộng đến tâm tư, tình cảm của nhân dân cũng như hiệu lực, hiệu quả của các cấp chính quyền, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh.

Kết quả thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh đã tác động tích cực đến mọi mặt đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư tăng cao; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Ngoài việc quyết định các vấn đề quan trọng tại kỳ họp, trong thời gian giữa hai kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh còn kịp thời có ý kiến bằng nhiều văn bản để UBND tỉnh giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình quản lý, điều hành.

Triển khai các nhiệm vụ mang tính chiến lược, thường xuyên và giải quyết các vấn đề dân sinh

4.jpg
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Viết Thành

Tại buổi làm việc, khái quát chung về tình hình kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, nhấn mạnh, Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở các cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là thành phố trực thuộc trung ương, là đô thị loại đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế của cả nước. Hà Nội có 30 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã).

6 tháng năm 2024, thành phố Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ mang tính chiến lược, thường xuyên, quan tâm giải quyết các vấn đề dân sinh, bức xúc và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, GRDP 6 tháng đầu năm tăng 6,0%; thu ngân sách nhà nước đạt 252.054 tỷ đồng, bằng 61,7% dự toán, tăng 12,5% so với cùng kỳ. Các ngành kinh tế đều tăng trưởng và phát triển ổn định. An sinh xã hội được đảm bảo với nhiều hoạt động ý nghĩa, đặc biệt là các hoạt động dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và hướng tới kỷ niệm 70 Ngày Giải phóng Thủ đô...

Đặc biệt, thành phố Hà Nội tiếp tục là điểm đến an toàn đối với bạn bè, du khách quốc tế và là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước. Thành phố đã tích cực hoàn chỉnh Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; tập trung, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và các dự án trọng điểm của thành phố; triển khai các nghị quyết chuyên đề của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa và chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh; thực hiện Nghị quyết của HĐND thành phố về đầu tư 3 lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế và tu bổ các di tích; hoàn thiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố giai đoạn 2023-2025; triển khai một số nhiệm vụ công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVIII và nhiều nhiệm vụ quan trọng khác.

7.jpg
Đoàn công tác thành phố tham dự buổi làm việc. Ảnh: Viết Thành

Đặc biệt, ngày 28-6-2024, kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, đã chính thức biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) với 7 chương, 54 điều với 9 nhóm cơ chế, chính sách và chính thức hóa mô hình chính quyền đô thị ở Hà Nội, tăng cường phân cấp, ủy quyền, là động lực vượt trội để phát triển Thủ đô - Văn hiến, văn minh, hiện đại.

Về tổ chức, bộ máy của HĐND thành phố nhiệm kỳ 2021-2026, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về “thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội”, theo đó, thành phố Hà Nội không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận và thị xã Sơn Tây. Đối với HĐND thành phố, đầu nhiệm kỳ gồm 95 đại biểu, đến nay còn 93 đại biểu, được chia thành 30 tổ đại biểu quận, huyện, thị xã. Thường trực HĐND thành phố gồm 7 đồng chí: 1 Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch và 4 Trưởng ban của HĐND đều hoạt động chuyên trách. HĐND thành phố thành lập 4 Ban của HĐND thành phố: Kinh tế - Ngân sách, Văn hóa - Xã hội, Pháp chế, Đô thị.

Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026, Thường trực HĐND thành phố chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động; rà soát, xây dựng các quy chế làm việc, quy trình nội bộ, phân công nhiệm vụ Thường trực HĐND, các Ban của HĐND để tổ chức, triển khai các nhiệm vụ.

Hằng năm, ngay từ những ngày đầu năm, Thường trực HĐND thành phố ban hành chương trình, kế hoạch công tác năm của Thường trực HĐND, cụ thể hóa các phiên họp của Thường trực HĐND thành phố. Các nội dung, công việc phát sinh giữa hai kỳ họp đều được triển khai kịp thời, thực hiện bài bản, chất lượng, hiệu quả, đúng thẩm quyền, đúng quy định pháp luật, như: Cho ý kiến về đầu tư công, phân bổ ngân sách, các mức chi, nội dung chi thuộc thẩm quyền; các nội dung về tiêu chuẩn, định mức chuyên dùng; ý kiến về các nội dung hỗ trợ các địa phương trong và ngoài nước...

Từ đầu nhiệm kỳ đến tháng 7-2024, HĐND thành phố nhiệm kỳ 2021-2026 đã tổ chức 17 kỳ họp, trong đó, có 8 kỳ họp thường lệ, 9 kỳ họp chuyên đề, ban hành 223 nghị quyết, trong đó có nhiều nghị quyết rất quan trọng, có tác động sâu rộng đến hiệu lực, hiệu quả của các cấp chính quyền, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội của thành phố. Công tác tổ chức kỳ họp được Thường trực HĐND thành phố chỉ đạo, triển khai từ sớm từ xa, bài bản, khoa học, chất lượng, hiệu quả, đúng thẩm quyền.

Hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND thành phố tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng. Nội dung giám sát được lựa chọn trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề quan trọng, cấp thiết, được cử tri, nhân dân quan tâm, như: Dự án chậm triển khai, quản lý tài sản công, cải cách hành chính, chuyển đổi số, lĩnh vực môi trường, xử lý nước thải, rác thải, việc đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các khu đô thị, thiết chế văn hóa, chính sách phát triển nông nghiệp, kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm trong thực thi công vụ…

Thông qua hoạt động giám sát đã đánh giá nghiêm túc việc thực hiện các quy định pháp luật, kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập và từ đó đề xuất thúc đẩy đầu tư, các cơ chế, chính sách trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của thành phố (như chương trình đầu tư cho 3 lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế và tu bổ các di tích văn hóa; cải tạo các biệt thự, việc đầu tư, nâng cấp các công viên, đầu tư các dự án thoát nước, xử lý nước thải, Trạm bơm tiêu Liên Mạc; xây dựng Đề án quản lý khai thác tài sản công; chính sách phát triển nông nghiệp…

Tại hội nghị, đại biểu HĐND thành phố Hà Nội và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động kỳ họp, giám sát, giải trình, chất vấn.

Đặc biệt, nhiều đại biểu trao đổi sâu, kỹ về hoạt động kỳ họp và quyết định các vấn đề quan trọng, cơ chế, chính sách tại địa phương gắn với việc triển khai các chỉ đạo của Trung ương và nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; kinh nghiệm và các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, chất vấn, giải trình của HĐND, Thường trực HĐND cấp tỉnh, thành phố, nhất là hoạt động giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, ý kiến kiến nghị, phản ánh của cử tri, công dân; mối quan hệ phối hợp công tác giữa các cơ quan…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
HĐND thành phố Hà Nội và HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục gắn kết, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động công tác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.