Thành ủy Hà Nội xác định phấn đấu đến năm 2030, thành phố có Chỉ số phát triển con người (HDI) đạt khoảng 0,88 - 0,9.
Trong Chương trình hành động số 32-CTr/TU ngày 4-4-2024 về thực hiện Nghị quyết 42-NQ/TW ngày 24-11-2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới”, Thành ủy Hà Nội xác định phấn đấu đến năm 2030, thành phố có Chỉ số phát triển con người (HDI) đạt khoảng 0,88 - 0,9. Đây là chỉ tiêu có cơ sở, rất đáng kỳ vọng, nhưng cũng không dễ đạt được.
HDI (Human Development Index) được thực hiện bởi UNDP (Chương trình phát triển Liên hợp quốc), là thước đo tổng hợp phản ánh sự phát triển của con người trên các phương diện: Sức khỏe; tri thức và thu nhập. HDI được tính giá trị từ 0 đến 1; trong đó, HDI càng gần 1 tương ứng với trình độ phát triển con người càng cao và ngược lại. Việc xác định chỉ tiêu HDI cụ thể trong chương trình trên cho thấy, Hà Nội coi con người là trung tâm, là mục tiêu của sự phát triển - những đặc trưng quan trọng nhất hàm chứa trong HDI.
Hà Nội có cơ hội và điều kiện để thực hiện thành công chỉ tiêu này, bởi có cách làm bài bản và đã quan tâm từ rất sớm. Đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 08-CTr/TU ngày 17-3-2021 về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025”. Thực hiện chương trình, đến nay, thu nhập bình quân đầu người đã vượt 151 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo toàn thành phố (theo chuẩn cao hơn chuẩn nghèo cả nước) đến nay chỉ còn 690 hộ (0,03%); 18/30 quận, huyện không còn hộ nghèo, 5 quận không còn hộ cận nghèo. Không chỉ có chính sách chung, thành phố còn thực hiện các chính sách hỗ trợ riêng rất sáng tạo và thiết thực để giúp đỡ những người dân khó khăn có đời sống tốt hơn. Đầu tháng 4 vừa qua, Hà Nội đồng loạt khởi công xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 725 hộ nghèo, hộ cận nghèo tại 15 huyện, thị xã; đem lại hạnh phúc cho biết bao người khi biến ước mơ về ngôi nhà “kín trên, bền dưới” bao lâu nay của họ trở thành hiện thực.
Tuy nhiên, HDI Việt Nam được đánh giá trong lần gần nhất là 0,726, đứng thứ 107 trong số hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cả nước đã mất 32 năm để vươn lên mức này từ mức 0,493 năm 1990. Mặc dù Hà Nội có điều kiện, nhưng đạt mức 0,88 - 0,9 như đã đề ra là cả một thách thức rất lớn.
Trong bối cảnh đó, để thực hiện mục tiêu trên, cùng với cấp thành phố, cấp huyện, cấp xã cũng phải xây dựng các chỉ tiêu cụ thể hóa phù hợp để tăng HDI ở địa phương mình; xoay quanh những trụ cột gốc rễ là duy trì tăng trưởng kinh tế cao, nâng cao chất lượng hệ thống y tế cơ sở, chất lượng giáo dục phổ thông...
Đồng thời, để cải thiện HDI, từ thành phố xuống cơ sở phải quan tâm, chăm lo tốt hơn nữa cho đời sống vật chất và tinh thần của người dân, trọng tâm là đáp ứng ngày càng tốt hơn các nhu cầu thiết yếu về ăn, mặc, ở, thể dục thể thao, vui chơi giải trí... Đây mới thực sự là phát triển con người. Có cải thiện được điều kiện sống của người dân, người dân có hạnh phúc thì việc theo đuổi HDI cao mới thực sự có ý nghĩa. Muốn thế, chăm lo phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa; duy trì tăng trưởng kinh tế cao phải gắn với bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống, khơi nguồn sáng tạo, tạo môi trường cho các loại hình nghệ thuật trăm hoa đua nở... Đó còn là nhiệm vụ tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm; đầu tư xử lý ô nhiễm không khí, sông, hồ; giảm ùn tắc giao thông, phát triển hệ thống giao thông hiện đại rút ngắn thời gian di chuyển, giúp người dân có thêm thời gian nghỉ ngơi, có thêm thời gian ở bên gia đình...
Việc cần làm còn là tạo thêm nhiều không gian để người dân có chỗ nghỉ ngơi, thư giãn, tập thể dục hay tham quan, du lịch, cắm trại... Đây chính là điều mà Hà Nội còn thiếu. Bởi nhiều năm qua, chỉ có một vài quận, huyện thực sự quan tâm đến vấn đề này như quận Long Biên xây dựng thêm hơn 10 công viên, vườn hoa, huyện Đông Anh kè hơn 400 ao, hồ thành không gian thư giãn cho người dân. Thực tế, ở không ít nơi, trường học, bệnh viện, công viên vẫn phải nhường vị trí đẹp cho những dự án cao ốc thương mại... Đó là điều không nên, không được phép xảy ra ở nơi luôn coi phát triển con người là trọng tâm trong chiến lược phát triển bấy lâu nay như Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.