Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hậu quả từ việc buông lỏng quản lý trật tự xây dựng

ANHTHU| 19/12/2007 08:31

(HNM) - Hơn 2 năm nay, 9 hộ dân sống tại số nhà 112 phố Hàng Bông luôn phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ bởi nhà của họ có thể bị sập bất cứ lúc nào. Có người phải đóng cửa nhà đi sơ tán, có người bán tống bán tháo nhà, “bỏ của chạy lấy người”.

(HNM) - Hơn 2 năm nay, 9 hộ dân sống tại số nhà 112 phố Hàng Bông luôn phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ bởi nhà của họ có thể bị sập bất cứ lúc nào. Có người phải đóng cửa nhà đi sơ tán, có người bán tống bán tháo nhà, “bỏ của chạy lấy người”.

Mọi chuyện bắt đầu từ khi chủ hộ số nhà 114 liền kề tiến hành phá dỡ ngôi nhà cổ để xây dựng lại. Công trình vừa thi công xong phần móng cũng là lúc các hộ liền kề phát hiện ra nhà của họ đã rơi vào tình trạng bị lún, nứt nghiêm trọng...

Số nhà 114 phố Hàng Bông có tổng diện tích đất 150m2, thuộc sở hữu của vợ chồng ông Hà Ngọc Tiến và vợ là bà Nguyễn Thị Bạch Yến. Tháng 10 - 2004, lấy lý do ngôi nhà đang xuống cấp, ông Tiến có đơn gửi UBND phường xin thay lại mái ngói, trát vá, lát nền, chống dột để bảo đảm sinh hoạt. Trong quá trình đảo ngói phần nhà mặt phố, toàn bộ phần mái nhà và bức tường mặt phố bị sập. Nhận được đơn trình báo của ông Tiến, UBND phường Hàng Bông đã lập biên bản hiện trạng, đình chỉ thi công công trình, buộc chủ hộ phải làm thủ tục xin cấp phép. Ngày 22-3-2005, UBND quận Hoàn Kiếm đã cấp GPXD số 67/GP-XD cho ông Hà Ngọc Tiến, cho phép cải tạo, xây dựng mới công trình nhà ở, kèm theo bản vẽ thiết kế của Cty Kiến trúc xây dựng Hà Nội. Nội dung GPXD nêu rõ: “Chủ đầu tư phải thực hiện đăng ký xây dựng với UBND phường và cơ quan cấp phép xây dựng trước 7 ngày để kiểm tra việc định vị công trình, giác móng... ; Không nên đào móng sâu hơn móng nhà bên; Trước khi khởi công xây dựng, chủ đầu tư phải lập hồ sơ hiện trạng các công trình lân cận; báo cáo các hộ liền kề...”. Tuy nhiên, ông Tiến đã “phớt lờ” tất cả quy định được nêu trong GPXD và bản vẽ thiết kế. Chỉ một ngày sau khi có GPXD trong tay, hộ ông Tiến đã cấp tập tổ chức phá dỡ công trình, tiến hành thi công phần móng. Thay vì đóng cọc tre phần móng được phép xây dựng mới và để lại khoảng cách móng sân sau 5,05m theo bản vẽ thiết kế, hộ ông Tiến đã cho thợ ép cọc bê tông phần móng và chỉ để lại vẻn vẹn 1,9m khoảng cách móng sân sau. Do đó, công trình vừa thi công xong phần móng xây dựng mới thì ngày 18-6-2005, một số hộ dân ở số nhà 112 phố Hàng Bông đã có đơn khiếu kiện về hành vi xây dựng sai phép của hộ ông Tiến, gây lún nứt, ảnh hưởng đến chất lượng công trình các hộ liền kề. Điều khó hiểu là trong lúc các hộ dân trong cảnh “nước sôi lửa bỏng” vì nhà bị lún nứt thì ngày 29-6-2005, UBND phường vẫn tổ chức một cuộc họp và đi đến kết luận: “Ông Tiến nhanh chóng hoàn thành phần móng nhà theo giấy phép để bảo đảm an toàn cho các hộ liền kề” (?!). Sau nhiều lần gửi đơn “cầu cứu”, ngày 6-7-2005, UBND phường Hàng Bông mới tiến hành kiểm tra hiện trạng các hộ dân tại số nhà 112 phố Hàng Bông. Biên bản kiểm tra ghi nhận: tất cả diện tích ở của các hộ dân đều xuất hiện hàng chục vết nứt ngang, dọc. Trong số đó, nghiêm trọng nhất là căn hộ của bà Phạm Thanh Thủy với 83 vết nứt các loại. Cả ngôi nhà bị xé toác, phần sân trước tách hẳn ra khỏi số nhà 110, bức tường tiếp giáp với số nhà 114 cũng xuất hiện vết nứt rộng, kéo dài 3 - 4m, rất nguy hiểm (ảnh). Hộ ông Nguyễn Chính Lợi cũng xuất hiện hàng chục vết nứt ngang dọc khắp ngôi nhà, nền nhà bị nghiêng hẳn về phía nhà 114... Trước thực tế đó, UBND phường đã ra quyết định xử lý vi phạm hành chính, đình chỉ thi công công trình sai phép của ông Tiến để giải quyết đền bù cho các hộ dân tại 112 phố Hàng Bông. Để giải quyết vụ việc, một vài cuộc hòa giải đã được UBND phường tổ chức. Tuy nhiên, theo bà Thủy, tại các cuộc họp này ông Tiến hầu như không trực tiếp đến dự mà chỉ cử người đại diện, do đó hai bên không thể thống nhất về mức bồi thường. Các hộ dân tại số nhà 112 phố Hàng Bông không chấp nhận bồi thường mà yêu cầu ông Tiến phải xây lại nhà theo hiện trạng ban đầu.

Sau nhiều cuộc họp bàn phương án giải quyết đền bù song không nhận được sự hợp tác của các hộ dân, ngày 27-10-2006, UBND phường đã có Kết luận số 56/KL-UBND với nội dung: “UBND phường đã ký hợp đồng với Viện Kỹ thuật xây dựng để kiểm định chất lượng công trình làm cơ sở cho việc bồi thường thiệt hại nhưng hộ bà Thủy, ông Lợi đã không hợp tác để kiểm định. Căn cứ theo quy định của pháp luật, UBND phường đã hết thẩm quyền giải quyết, nếu 2 hộ còn có yêu cầu giải quyết thì có quyền khởi kiện ra tòa án”.

Không nhất trí với kết luận của UBND phường Hàng Bông, các hộ dân tiếp tục khiếu nại vụ việc lên UBND quận Hoàn Kiếm.Ngày 15 - 9 - 2006, Thanh tra quận Hoàn Kiếm có kết luận số 113/KL-TTr, khẳng định: “Việc tố cáo của một số hộ dân về hộ 114 Hàng Bông xây dựng sai phép làm lún nứt nhà 112 Hàng Bông là có cơ sở. UBND phường khi tiếp nhận đơn kiến nghị của các hộ dân đã không kịp thời ra quyết định đình chỉ thi công công trình và yêu cầu chủ đầu tư có biện pháp thi công bảo đảm an toàn cho nhà 112 Hàng Bông”. Kết luận số 1177/KL-TTTP, Thanh tra T.P cũng cùng chung quan điểm với Thanh tra và UBND quận Hoàn Kiếm.

Khi được hỏi tại sao công trình xây dựng nhà 114 Hàng Bông chỉcách UBND phường vài bước chân nhưng UBND phường không phát hiện việc chủ đầu tư thi công sai phép, thậm chí tạo điều kiện cho ông Tiến tiếp tục thi công xong phần móng mới tiến hành đình chỉ công trình? Ông Nguyễn Ngọc Khanh - Phó Chủ tịch UBND phường đã né tránh câu hỏi khi cho rằng: “Việc hộ ông Tiến khoan nhồi thay bằng đóng cọc tre chỉ làm móng thêm chắc chắn, có lợi cho móng nhà của các hộ xung quanh. Do công trình xây dựng trong phố cổ, nền đất yếu, các công trình lại sát nhau nên việc ảnh hưởng đến hộ liền kề là khó tránh...”.

Trong lúc các hộ dân tại số nhà 112 phố Hàng Bông đang từng ngày, từng giờ sống trong sự nguy hiểm đến tính mạng bất cứ lúc nào thì sự “phủi tay” của UBND phường Hàng Bông khi cho rằng đã hết trách nhiệm giải quyết vụ việc khiến các hộ dân càng trở nên bức xúc. Việc thỏa thuận đền bù giữa hộ ông Tiến và các hộ dân số nhà 112 phố Hàng Bông có êm đẹp hay không, còn phụ thuộc vào thái độ cầu thị giữa hai bên. Tuy nhiên, nếu UBND phường Hàng Bông làm tốt công tác quản lý xây dựng đô thị, phát hiện và đình chỉ kịp thời, buộc chủ công trình số 114 Hàng Bông có biện pháp khắc phục việc xây dựng sai phép, gây lún nứt các hộ liền kề thì chắc chắn không xảy ra khiếu kiện kéo dài, khiến vụ việc sau 2 năm vẫn đi vào bế tắc...

Bài, ảnh:Bảo Nga - Duy Biên

(0) Bình luận
Nổi bật
    Đừng bỏ lỡ
    Hậu quả từ việc buông lỏng quản lý trật tự xây dựng

    (*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.