(HNM) - Rét đậm, rét hại kỷ lục là hiện tượng bất thường do biến đổi khí hậu - Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, nhấn mạnh như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về đợt không khí lạnh cực mạnh diễn ra tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc.
Sẽ còn xuất hiện những đợt rét đậm
Theo ông Lê Thanh Hải, đợt lạnh kỷ lục này xuất phát từ khối không khí lạnh rất mạnh từ lục địa Châu Á, khu vực Siberia (Nga), tràn xuống Trung Quốc và tới Việt Nam. Rất nhiều nơi ghi nhận nhiệt độ thấp ở mức lịch sử. Tuyết, băng giá đã xuất hiện ở nhiều nơi, thậm chí, ở cả đỉnh Ba Vì (Hà Nội) hoặc Kỳ Sơn (phía Tây Nghệ An) là những nơi chưa bao giờ có tuyết. Nhiệt độ giảm sâu, tại Hà Nội đã ghi nhận mức 5,4 độ C, tương đương đợt rét năm 1977. Đây là hiện tượng bất thường của thiên nhiên hay còn là hiện tượng thời tiết cực đoan, một hình thái của biến đổi khí hậu. Trong thời gian tới, các hiện tượng cực đoan sẽ còn xảy ra, lần sau bao giờ cũng gay gắt hơn, mạnh hơn rất nhiều.
Đợt rét lịch sử này không kéo dài (dự báo sẽ kết thúc rét hại vào cuối tuần), nhưng đã ảnh hưởng sâu rộng; tác động nghiêm trọng đến sức khỏe của người già và trẻ em, để lại hậu quả nặng nề đến cây trồng và gia súc. Dự báo gần, ông Lê Thanh Hải cho biết, sẽ không xảy ra rét đậm dịp tết Nguyên đán và cũng ít khả năng lặp lại đợt rét mạnh như vừa rồi. Mặc dù vậy, trước và sau Tết sẽ có một đợt rét đậm ở vùng núi và rét ở vùng đồng bằng, trung du.
Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai đông, kín bệnh nhân vì thời tiết lạnh. |
Gia tăng bệnh nhân nhập viện
Chiều 27-1, theo thông tin từ một số bệnh viện (BV), số bệnh nhân nhập viện do giá rét tiếp tục gia tăng. Cụ thể, tại BV Nhi trung ương, số bệnh nhi đến khám và điều trị vào khoảng 2.500 - 3.000 người/ngày. Bác sĩ Lê Bá Tuấn, Khoa Khám bệnh (BV Nhi trung ương) cho biết, đối tượng mắc chủ yếu là bệnh nhi từ 1 đến 12 tháng tuổi; trong đó, nhiều nhất là trẻ dưới 6 tháng tuổi đến khám, điều trị các bệnh liên quan tới đường hô hấp, tim mạch, tiêu chảy, cúm… Nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng bệnh nặng, nguyên nhân là cha mẹ chủ quan, tự chữa trị tại nhà, đến khi bệnh nặng mới cho trẻ nhập viện.
Tại BV Đa khoa tỉnh Lai Châu, từ ngày 24 đến 27-1, trung bình mỗi ngày có hơn 300 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị, trong đó có khoảng 35-40 bệnh nhân phải nhập viện do rét, chủ yếu là người già và trẻ em.
Gần 4.000 gia súc bị chết do rét đậm, rét hại
Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, tính đến 18h30 ngày 27-1, cả nước đã có gần 4.000 gia súc bị chết do đợt rét đậm, rét hại gây ra. Trong đó, tỉnh Sơn La bị thiệt hại lớn nhất (khoảng 686 con), tiếp đến là Lạng Sơn (571 con), Lào Cai (410 con), Điện Biên (378 con)... Theo nhận định, số lượng gia súc bị chết do đợt rét đậm, rét hại tiếp tục tăng trong vài ngày tới.
Với cây trồng, tính đến ngày 27-1, đợt rét đậm, rét hại khiến 4.473ha hoa màu và 217ha cây công nghiệp ngắn ngày bị thiệt hại.
Thị trường thực phẩm, hàng chống rét vẫn ổn định
Sáng 27-1, ghi nhận tại một số chợ, giá các loại rau đã giảm nhẹ so với những ngày mưa rét vừa qua. Su hào giảm từ 10.000 đồng xuống 7.000 đồng/củ, rau cải xoong, cải xanh giảm từ 2.000-3.000 đồng/mớ; cải thảo, cải ngọt giảm 2.000 đồng, xuống còn 13.000 đồng/kg, cà chua 18.000 đồng/kg… Chị Thúy Hồng, một tiểu thương kinh doanh rau tại chợ Nguyễn Công Trứ cho biết, giá rau đã rẻ hơn nhưng vẫn đắt so với những ngày trước đợt rét. Khi đợt rau mới thu hoạch, giá lại về mức như bình thường.
Tại các siêu thị như Intimex, Fivimart, Vinmart, Big C, Co.opmart… giá bán được giữ ổn định, nguồn cung vẫn bảo đảm dù lượng tiêu thụ tăng mạnh. Đại diện siêu thị Fivimart cho biết, do nguồn hàng của siêu thị khá phong phú, nên các mặt hàng rau, củ không bị ảnh hưởng từ đợt giá rét này.
Khi nhiệt độ Hà Nội giảm thấp, thị trường hàng chống rét sôi động. Khảo sát một số trung tâm thương mại, siêu thị điện máy, cửa hàng điện tử, điện lạnh, máy sưởi, túi giữ nhiệt, chăn... những ngày này, phóng viên nhận thấy các mặt hàng trên bán rất chạy. Lượng hàng tiêu thụ tăng gấp 2-3 lần ngày thường; tuy nhiên, giá không đổi, thậm chí cận tết Nguyên đán, người mua còn được khuyến mại. Bà Phạm Thu Hà, chuyên viên Marketing chuỗi siêu thị MediaMart cho biết, trong những ngày rét kỷ lục, hệ thống MediaMart gồm 20 siêu thị đã bán được khoảng 5.000 sản phẩm sưởi ấm, tăng 300% so với các ngày trước đó. Giá các sản phẩm không thay đổi, cụ thể: Đèn sưởi nhà tắm loại hai bóng giá 650.000-700.000 đồng/chiếc, quạt sưởi 200.000-500.000 đồng/chiếc. Bán chạy nhất là các sản phẩm sưởi dầu của Blue Store, SunHouse; các sản phẩm nhập khẩu từ Đức, Trung Quốc… có giá trong khoảng 1 triệu đồng. Theo bà Hà, hoàn toàn không có chuyện "cháy" hàng, sốt giá.
Ngày 27-1, Bộ GT-VT cho biết đã có công điện gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Sở GT-VT Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Hà Giang, Lạng Sơn… về việc tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) trong các đợt rét đậm, rét hại tại miền Bắc. Theo Bộ GT-VT, rét đậm, rét hại, đặc biệt xuất hiện tình trạng băng, tuyết tại một số tỉnh miền núi dẫn đến nguy cơ mất ATGT cao. Bộ GT-VT yêu cầu các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao, rà soát, nắm bắt kịp thời thông tin về những đoạn tuyến xuất hiện băng tuyết; bố trí ứng trực, tổ chức điều tiết giao thông khi xảy ra ùn tắc, xử lý các sự cố giao thông. Tổ chức nạo vét đối với những vị trí xuất hiện băng dày có nguy cơ trơn trượt, chú trọng các đoạn tuyến đi qua đèo, dốc, khu vực có địa hình khó khăn. Trường hợp cần thiết, cấm thông xe đối với các tuyến nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông, đặc biệt cấm xe vận tải hành khách tham gia giao thông tại các khu vực trên. Bộ GT-VT cũng yêu cầu các bến xe tăng cường kiểm tra điều kiện an toàn của phương tiện trước khi xuất bến. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.