Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hậu quả ai chịu?

Quốc Bình| 11/06/2010 06:58

(HNM) - Trong quá trình thực thi trách nhiệm quản lý nhà nước, không ít cơ quan chức năng bị đặt vào tình cảnh khó khăn, giống như đứng giữa ngã ba đường. Bởi vẫn còn đó, quy định một đằng, nhưng khi thực thi lại gặp những câu hỏi không dễ giải đáp, buộc các cơ quan ở vào thế "liệu cơm gắp mắm".

Hai ví dụ của ngành nước

Trong 45 ngày qua, nhân viên Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội phát hiện khoảng 200 điểm ống nước bị vỡ do các đơn vị thi công chỉnh trang đô thị gây ra. Theo ông Nguyễn Như Hải, Tổng Giám đốc Công ty, riêng địa bàn quận Cầu Giấy có khoảng 70 trường hợp. Lẽ ra việc khắc phục các sự cố này sẽ trở nên đơn giản nếu kịp thời xác định được vị trí. Đằng này, nhiều trường hợp, đơn vị thi công làm vỡ ống nước, do sợ trách nhiệm không chịu thông báo, thậm chí cố tình "phi tang" vị trí gây ra sự cố. Điển hình là vụ việc trên đường Hoàng Quốc Việt. Có 2 vết vỡ đường ống 150mm khiến đường ống cấp nước cả khu vực bị hạ áp. Nhưng vì đơn vị thi công gây ra sự cố không nhận trách nhiệm và "chỉ điểm", nhân viên Công ty KDNS Hà Nội phải mất hơn 8 ngày mới tìm ra chỗ bục để xử lý.

Mất điện và mất nước, người dân phải chịu vất vả. Ảnh: Viết Thành

Điều đáng nói là sự cố rõ ràng đã gây thiệt hại cho Công ty KDNS Hà Nội hay nói cách khác là thiệt hại tiền của Nhà nước, của nhân dân; ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của người dân trong khu vực, nhưng theo ông Nguyễn Như Hải, không đơn vị nào nhận trách nhiệm; đương nhiên cũng không có chuyện đền bù thiệt hại. Một điểm sự cố là vậy, 200 điểm vỡ nứt đường ống, thiệt hại có lẽ không nhỏ. Thế nhưng, Tổng Giám đốc Công ty KDNS Hà Nội cho biết, để giảm bớt chuyện làm vỡ ống nước rồi "phi tang", Công ty đã phải chủ động làm việc với các chủ đầu tư, các đơn vị thi công để đề nghị họ thông báo cho biết nơi làm vỡ ống nước. Việc làm này của Công ty là rất có trách nhiệm.

Tại sao lại phải "cầu cạnh" những người vi phạm như vậy? Không lẽ cơ quan chức năng TP đang "bó tay" trước những hành vi gây thiệt hại cho Nhà nước?

Cũng liên quan đến ngành nước TP, trong số 88 lần mất điện trong 45 ngày qua, có đến 76 lần ngành này không được thông báo trước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sản xuất, cũng như việc vận hành hệ thống cấp nước sạch sinh hoạt. Thế nhưng, tuyệt nhiên, ngành điện không bồi thường thiệt hại gì cho Công ty KDNS Hà Nội. Dĩ nhiên, Công ty KDNS TP cũng nhìn nhận vấn đề hết sức "tình cảm" rằng, cả hai đơn vị cùng là của Nhà nước, cùng phục vụ nhân dân, nên đặt ra chuyện bồi thường là rất khó. Nếu cứ như vậy, liệu trách nhiệm giữa các ngành với nhau có được nâng lên? Thiệt hại của người dân thì ai lo? Rõ ràng là các cơ quan chức năng của TP cần đặt ra vấn đề này một cách nghiêm túc để có sự ràng buộc trách nhiệm giữa các ngành.

Không thể làm ngơ

Hai ví dụ trên đặt ra một loạt những câu hỏi trong quản lý nhà nước đối với không riêng ngành nước. Nhưng chắc chắn để thay đổi tình trạng này, những cơ quan trong cuộc như Công ty KDNS Hà Nội phải thay đổi cách nhìn nhận vấn đề. Đây là trách nhiệm đối với tài sản nhà nước và lợi ích của người dân.

Không khó để xác định đơn vị thi công là thủ phạm làm vỡ ống nước trên đường Hoàng Quốc Việt. Bởi chủ đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang tuyến đường này không thể không biết đơn vị nào thi công đoạn đường đó. Việc chỉnh trang đô thị giữa TP và nhà thầu thi công có hợp đồng giao kèo hẳn hoi, nên việc thi công gây thiệt hại cho TP, không thể không có trách nhiệm. Một vụ việc là chuyện nhỏ, nhưng 200 vụ làm vỡ ống nước không còn là chuyện nhỏ. Đây còn là vấn đề mang tính điển hình, sẽ là tiền lệ xấu hoặc tốt tùy thuộc vào cách giải quyết của các cơ quan chức năng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hậu quả ai chịu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.