Ngày 10-2, truyền thông quốc tế đưa tin, gần như tất cả các quốc gia trên thế giới đã không đệ trình đúng hạn (cùng ngày) lên Liên hợp quốc những mục tiêu mới về cắt giảm lượng khí thải carbon.
Theo Thỏa thuận Paris, mỗi quốc gia tham gia phải đề ra mục tiêu cao hơn trong việc cắt giảm lượng khí thải nhà kính tới năm 2035 và kế hoạch chi tiết về cách đạt được điều này.
Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu Simon Stiell đã gọi vòng cam kết quốc gia mới nhất này là "tài liệu chính sách quan trọng nhất của thế kỷ này".
Chỉ 10 trong số gần 200 quốc gia đã ký kết Thỏa thuận Paris đã cung cấp các kế hoạch khí hậu mới trước mốc 10-2.
Hầu hết các nền kinh tế trong nhóm G20 đều vắng mặt, trừ Mỹ, Anh và Brazil - nước đang tổ chức hội nghị thượng đỉnh khí hậu của Liên hợp quốc năm nay - là ngoại lệ hiếm hoi.
Tuy nhiên, các nhà quan sát nhận định, cam kết của Mỹ phần lớn mang tính biểu tượng, khi được đưa ra ngay trước khi Tổng thống Donald Trump rút Xứ Cờ hoa khỏi Thỏa thuận Paris.
Những quốc gia không nộp đúng hạn bao gồm cả các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và Liên minh châu Âu (EU).
Các nước nộp mục tiêu đúng hạn còn có Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Ecuador, Saint Lucia, New Zealand, Andorra, Thụy Sĩ và Uruguay.
Điều đáng chú ý là Liên hợp quốc hiện không có hình phạt nào cho việc nộp các mục tiêu muộn, bởi đây là những “đóng góp do quốc gia tự quyết định” (NDC).
NDC không ràng buộc về mặt pháp lý mà chỉ có vai trò như một biện pháp thể hiện trách nhiệm, đảm bảo các chính phủ xem xét nghiêm túc mối đe dọa của biến đổi khí hậu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.