Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hạt dẻ khóc!

Hà Trang| 04/05/2011 06:36

(HNM) - Gã bán hạt dẻ cổng chợ Trùng Khánh (Cao Bằng) gân cổ, mặt đỏ tía tai cãi sống cãi chết với tôi rằng, mấy sọt của gã là hạt dẻ Trùng Khánh chính hiệu. Rằng tôi mua về tặng các chị có bầu đem ninh với móng giò bảo đảm nhiều sữa...

Ngày trước khi còn đi học, tôi được các thầy dạy, nhớ rõ là cây dẻ ra hoa đầu xuân và cho quả vào tháng 10 âm. Hạt dẻ là loại quả khó bảo quản, chừng hơn một tháng là mối mọt xông, khiến quả mủn, mục ra. Muốn cự lại gã bán hạt dẻ mặt nom điêu điêu, nhưng biết khó lại với dân bản địa, nên tôi quyết định làm một chuyến về Trùng Khánh tìm cho rõ ngọn nguồn.

Một thời ươm hy vọng...

Từ thị xã Cao Bằng về huyện Trùng Khánh chỉ quãng gần 100km, nhưng đường quá tệ. Mặc dù mới được tỉnh đầu tư, nhưng do xe siêu trường, siêu trọng quần đảo suốt ngày đêm, nên chẳng mấy mà đường nát bét, giờ chỉ thuần ổ voi và bụi lầm lụi. Mất quãng gần 4 tiếng "ngâm" trong bụi và xóc lộn ruột, tôi mới tới được Trùng Khánh. Chợ huyện không phải phiên, nhưng là cuối tuần nên còn khá đông vui. Chỗ xôm nhất là các hàng lẩu vịt, áo chàm của người Tày, áo trắng của người Kinh trộn vào nhau bên bàn lẩu nghi ngút khói và thơm lừng rượu ngô. Hàng hóa, nông sản địa phương cũng thấy bày bán, nhưng không nhiều, khắp chợ rợp trời xanh đỏ là hàng Trung Quốc và hàng rẻ tiền đem từ dưới xuôi lên.

Hạt dẻ Trung Quốc bày bán nhiều ở chợ thị xã Cao Bằng.

Hỏi mấy chị bán hàng khô cuối chợ về hạt dẻ Trùng Khánh, họ bấm nhau cười rúc rích, rồi trêu: Chắc anh đi mua về cho chị ấy ăn để nhiều sữa chứ gì? Tiếc là anh chị sinh con không đúng lúc rồi, bây giờ đã gần tháng 3 âm, hạt dẻ hết từ tháng 11 năm ngoái cơ.

- Thế sao tôi thấy ở cổng chợ thị xã Cao Bằng, hạt dẻ bán hàng sọt, họ nói là của Trùng Khánh?

Là hạt dẻ Tàu đấy, anh ăn một lần thì biết ngay, nhạt nhẽo lắm - mấy chị giải thích và tranh nhau khoe với tôi về đặc sản của địa phương. Nào là hạt dẻ quê em rất to, một cân chỉ gần trăm hạt. Quả dẻ lúc xanh nhiều gai xù xì như quả chôm chôm, mỗi quả chứa 3-4 hạt. Khoảng cuối thu đầu đông, quả dẻ chín rụng đầy mặt đất. Vỏ hạt dẻ Trùng Khánh rất cứng nên muốn chín phải luộc kỹ, có người còn cẩn thận khía sẵn vài đường trên vỏ hạt để khi luộc chín dễ bóc. Sau khi luộc chín, nếu đem hạt dẻ rang lại một lượt đến khi dậy mùi thơm thì thật hấp dẫn. Nào là người Trùng Khánh chúng em thường ninh hạt dẻ với chân giò lợn để đãi khách quý. Hạt dẻ Trùng Khánh theo chân du khách về xuôi như một thứ quà độc đáo của núi rừng Cao Bằng. Tuy nhiên, do không bảo quản được lâu, chỉ để được khoảng chừng một tháng nên mùa hạt dẻ cũng qua nhanh với những ai không kịp để ý...

Ngược lại với sự tươi tắn và hào hứng của mấy chị bán hàng ngoài chợ khi kể về sản vật của quê mình, ông Mã Bế Dương, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Trùng Khánh lại tỏ ra chán nản, không muốn nói nhiều đến chuyện cây dẻ. Ông Dương cho biết, hiện toàn huyện có khoảng 500ha dẻ, trồng rải rác ở 19 xã và 1 thị trấn, số cho quả khoảng 200ha. Từ năm 2002, Sở Khoa học và công nghệ tỉnh đã triển khai dự án xây dựng mô hình bảo quản và chế biến một số quả đặc hữu như hạt dẻ, mắc mật. Tiếp đó, UBND huyện Trùng Khánh chủ trì xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hạt dẻ Trùng Khánh. Ngoài ra, huyện còn thành lập Hiệp hội Hạt dẻ Trùng Khánh gồm bốn chi hội, với 27 tổ hội, tổng cộng 446 hộ tham gia. Hiện bốn xã được thụ hưởng dự án này đã trồng được gần 80ha dẻ, trong đó 72ha đã cho thu hoạch khoảng 70 tấn/năm, thu nhập bình quân 100 triệu đồng/ha. Phòng Nông nghiệp huyện cũng đã hoàn tất điều lệ hội, quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể Hạt dẻ Trùng Khánh, quy chế quản lý chất lượng sản phẩm… Những tưởng đây sẽ là những cơ sở cần thiết nhằm tạo thương hiệu cho Hạt dẻ Trùng Khánh và để "ươm mầm hy vọng" xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc vùng biên cương xa xôi này. Nhưng theo ông Dương, ngay sau khi hết thời hạn dự án (cuối năm 2008), do không được tiếp tục đầu tư, không được thu mua, tiêu thụ sản phẩm, nên nhiều hộ nông dân không còn mặn mà với cây dẻ.

Dẻ cười, dẻ khóc!

Phải mất quãng non một giờ leo qua những con dốc khiến hơi thở ra đằng tai, tôi mới tìm tới được nương trồng cây dẻ của chị Lý Hải Có, xã Đình Minh. Lúc tôi tới, chị Có đang lụi cụi chặt, đốt bớt những cây dẻ bé. Theo như chị đấy là những cây trồng đợt hai, do Phòng Nông nghiệp huyện ghép giống và đưa về các hộ. "Chẳng biết tiến bộ kỹ thuật đến đâu, "mắt mũi" ghép thế nào chứ trồng mãi cây chẳng lớn, cây lớn thì quả bé lắm vớ. Chỉ những cây trồng đợt đầu bằng hạt mới cho quả thôi" - Chị Có phàn nàn. Trước khi tham gia dự án trồng cây dẻ, nhà chị Có trồng ngô, sắn; không giàu nhưng cũng đủ ăn, nuôi được con lợn, con bò, từ khi trồng dẻ, nhàn hơn nhưng phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Mấy năm rồi hạn, cây dẻ rất ít quả, mà đã trồng dẻ rồi, không thể trồng xen canh gì nữa, thế nên của nả tích lũy được chẳng mấy hết veo. "Năm nay mà hạn nữa, dẻ không có quả, không được giá, không có người thu mua là đói thôi"- Chị Có thở dài. Nói chuyện với tôi, thi thoảng chị lại lấy vạt áo chấm nước mắt, không biết là do khói đốt nương hay chị khóc?

Cùng tâm trạng với chị Có, ông Hoàng Văn Khuầy, thôn Khơ Khảo, xã Đình Minh - một trong những hộ trồng nhiều dẻ nhất xã cho biết, gia đình ông cũng muốn chuyển bớt một số diện tích trồng dẻ sang trồng ngô, sắn, để "có cái mà ăn, tiếp tục cầm cự, cố giữ giống cây đặc sản địa phương". Ông Khuầy cũng kêu về số cây dẻ ghép, cây lên nhanh, khỏe, chỉ 5 năm là cho quả (cây trồng hạt thường 8 năm mới cho quả), nhưng hạt bé và ăn không ngon. Trước nghe vận động, nhiều hộ dân lao vào trồng dẻ ghép, giờ phải phá đi, tốn kém biết bao mà kể?

Ông Trần Long Giang, Chủ tịch UBND xã Đình Minh cho biết, tại đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2010-2015, trong định hướng phát triển kinh tế địa phương, lãnh đạo xã cũng chỉ nghĩ đến việc duy trì diện tích cây dẻ hiện có, chứ không tham vọng trồng thêm, đưa cây dẻ trở thành cây hàng hóa. Vì sao ư? Là vì mấy năm trước khi còn có dự án, huyện đầu tư cho phân, giống, công chăm sóc. Hết dự án là không còn hỗ trợ, dân phải tự lo, ngay cả thu gom, sơ chế cũng thế. Nhiều nhà đã phá dẻ để trồng cây lương thực, chỉ giữ những cây quả nhiều, ngon để làm quà. Ông Nông Chấn Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho rằng dự án trồng dẻ chỉ là "đầu voi, đuôi chuột". Khi mới triển khai, các xã đều vận động các hộ nông dân tham gia Hiệp hội Hạt dẻ, cũng bầu chủ tịch, cấp thẻ hội viên... rồi chẳng bao giờ hoạt động. Khi cây dẻ ra hoa, huyện bảo muốn tiêu thụ được thì phải đăng ký sản phẩm để dán tem, nhãn thương hiệu... nhà nào cũng đăng ký, đến khi thu hoạch dẻ, chẳng thấy ai về dán nhãn, thu mua?

Bây giờ, ở Trùng Khánh, nhiều hộ nông dân trồng cây dẻ đang lâm vào cảnh "phá cũng dở, mà trồng tiếp chẳng xong". Dù giá hạt dẻ không cao, chừng 60 nghìn đồng/1kg, nhưng mỗi mùa thu hoạch, chẳng biết từ đâu bọn nghiện, bọn trộm cắp vặt bu về nhiều lắm. Tử tế thì: Xin mấy quả về ninh cho vợ có sữa. Cằn nhằn thì bị ăn trộm, bị cướp...

Trước lúc rời Trùng Khánh, năn nỉ mãi cậu con út của ông Khuầy mới vào kho, tìm vã mồ hôi mới lấy cho tôi được mấy hạt dẻ Trùng Khánh còn sót lại. Tôi định sẽ đem "tang vật" này ra đấu lý ăn thua với gã bán hạt dẻ cổng chợ thị xã Cao Bằng. Trên con đường "ngâm" trong bụi và xóc lộn ruột, trong đầu tôi cứ vơ vẩn về chuyện, tại sao hạt dẻ của Trung Quốc để cả năm trời không bị hỏng? Họ còn lai tạo được bao loại hạt dẻ khác, có cả hạt dẻ cười? Tại sao hạt dẻ Trùng Khánh thơm ngon nổi tiếng như thế mà không nhân rộng được, không bảo quản được? Tại sao?...

Mấy hạt dẻ Trùng Khánh trong tay tôi mủn ra, rơi lả tả khi nào không biết nữa...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạt dẻ khóc!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.